Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thừa Thiên – Huế: Lúng túng trong xác định đối tượng được nhận gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ

Sau khi đã cơ bản thực hiện hoàn thành chi trả cho 4 nhóm đối tượng: Người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, các địa phương tại Thừa Thiên – Huế lại gặp khó khăn, lúng túng trong việc xác định nhóm đối tượng lao động tự do thuộc diện được hưởng gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Thừa Thiên – Huế: Địa phương gặp khó trong xác định đối tượng được nhận gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế làm việc với chính quyền cơ sở về công tác rà soát, lập danh sách đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định 15/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ

Chiều 5/5, ông Lê Trường Lưu – Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên – Huế cùng đại diện một số sở, ban, ngành, TP. Huế trực tiếp đi kiểm tra công tác chi trả tiền hỗ trợ và công tác rà soát, lập danh sách các nhóm đối tượng theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Hầu hết tại các điểm kiểm tra, đoàn công tác đều nhận được phản ánh, kiến nghị của chính quyền cơ sở trong việc xác định các nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm đối tượng: "Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm".

Ông Hồ Văn Sơn – Tổ trưởng tổ dân phố 6 (phường Phú Hậu, TP. Huế) cho biết, tổ dân phố có đến hơn 30% người dân thuộc diện tái định cư, việc làm không ổn định. Trong đợt 1 hỗ trợ vừa qua, hầu hết các đối tượng, gồm: Người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đã nhận được tiền hỗ trợ; cộng thêm 400 suất qùa từ các mạnh thường quân. Vì vậy, cuộc sống của người dân cơ bản tạm ổn định.

"Tuy nhiên, hiện chúng tôi phân vân không biết đối tượng lao động tự do là những người nào. Ví dụ thợ hớt tóc, thợ sửa xe máy, quán cà phê nhỏ lẻ… không có trong quy định của Chính phủ. Nhưng thực tế thời gian vừa rồi, họ cũng mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19", ông Sơn nêu vấn đề.

Tương tự, Tổ dân phố 6 (phường Vỹ Dạ, TP. Huế) có gần 500 dân cư, trong đó đa phần là lao động tự do. Tuy nhiên, vẫn còn lao động tự do như thợ xây, phụ hồ lại không có trong quy định, nên đề nghị đưa họ vào danh sách.

Thừa Thiên – Huế: Địa phương gặp khó trong xác định đối tượng được nhận gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ - Ảnh 2.

Ông Hồ Văn Sơn – Tổ trưởng tổ dân phố 6 (phường Phú Hậu, TP. Huế) phát biểu kiến nghị

Theo ông Nguyễn Hoài Phương – Chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ, hiện phường đã lập được danh sách với số liệu sơ bộ. Theo đó, phường Vỹ Dạ có 5.278 người lao động mất việc làm do đại dịch Covid-19, trong đó có 4.566 người không có giao kết hợp đồng lao động.

Ông Phương cho biết, hiện địa phương đang gặp khó khăn trong việc xác định đối tượng mất việc làm và có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo. "Trong Quyết định 15 nói là "dịch vụ chăm sóc sức khoẻ", vậy có bao gồm các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: massage, phòng tập gym, câu lạc bộ thể thao, cắt tóc, gội đầu không?", ông Phương băn khoăn.

Ông Trần Văn Phương – Bí thư Đảng uỷ phường Phú Hậu đặt vấn đề: "Trên địa bàn phường có nhiều đối tượng bán hàng rong, trong đó có cả trẻ em đi bán kẹo, lạc luộc, trái cây… dọc các nhà hàng, quán ăn tại TP. Huế. Đã gọi là lao động thì phải đủ tuổi, nhưng các cháu cũng đi bán thường xuyên nên chúng tôi chưa biết xếp đối tượng này vào nhóm nào." 

Đồng ý kiến, ông Đặng Huỳnh Quốc – Chủ tịch UBND phường Phú Hậu đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế xác định các trường hợp đối tượng lao động tự do cụ thể hơn để địa phương có cơ sở, điều kiện xét duyệt danh sách chính xác hơn.

Được biết, hiện phường Phú Hậu cũng đã có danh sách sơ bộ nhóm lao động tự do bị mất việc do đại dịch Covid-19, gồm 4.103 đối tượng, trong đó có đến 2.114 được đưa vào nhóm "chưa được phân định, như: thợ mộc, thợ xây, làm thuê, thợ điện, nước, sửa điện tử, thợ may, làm hàng mã…

Phó Chủ tịch UBND TP. Huế Trương Đình Hạnh xác nhận, hiện các phường trên địa bàn thành phố đã cơ bản rà soát xong các nhóm đối tượng. Một số đối tượng gặp khó khăn, thành phố đang tiếp tục hướng dẫn. Ông Hạnh cũng cho rằng, khó khăn và phức tạp nhất hiện nay chính là xác định đối tượng tự làm, phục vụ tại các nhà hàng, quán ăn, cơ sở lưu trú, dịch vụ, cơ sở chăm sóc sức khoẻ.

"Từ nay đến cuối tuần, TP. Huế sẽ niêm yết công khai tại các tổ dân phố, UBND phường danh sách các nhóm đối tượng dễ xác định như: xích lô, xe thồ, bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; bán lẻ xổ số lưu động. Khi đạt được sự đồng thuận của người dân, không còn khiếu kiện khiếu nại nữa thì chúng tôi sẽ chốt danh sách, trình UBND tỉnh để rút ngân sách thực hiện chi trả hỗ trợ cho người dân", ông Hạnh nói.

Thừa Thiên – Huế: Địa phương gặp khó trong xác định đối tượng được nhận gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ - Ảnh 3.

Ông Đặng Hữu Phúc – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế giải đáp ý kiến của chính quyền cơ sở

Ông Đặng Hữu Phúc – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế khẳng định, công tác rà soát, lập danh sách đối tượng đang được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Trung ương đã ban hành các hướng dẫn; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã lập đường dây nóng, đồng thời Cổng thông tin của Bộ cũng sẵn sàng tiếp nhận kiến nghị, ý kiến thắc mắc và giải đáp cho các địa phương. Tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã sớm lập Ban chỉ đạo chi trả hỗ trợ, trong đó, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực. Đợt chi trả vừa rồi, Thừa Thiên – Huế đã thực hiện nhanh, kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định; cơ bản hoàn thành chi trả trước dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5. Tới đây, Ban chỉ đạo sẽ sớm có văn bản hướng dẫn để thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh việc lập danh sách, chi trả các nhóm đối tượng còn lại.

Thừa Thiên – Huế: Địa phương gặp khó trong xác định đối tượng được nhận gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ - Ảnh 4.

Công tác chi trả hỗ trợ đợt 1 tại Thừa Thiên - Huế về đích sớm

Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu khẳng định, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ là  chính sách đặc biệt, chưa từng có trong tiền lệ. Ông đề nghị các địa phương phải cố gắng thực hiện chi trả sớm cho người dân, nhưng phải bảo đảm đúng đối tượng, đúng quy định hiện hành; không để xảy ra sai phạm, tiêu cực.

Về quy trình thực hiện, theo ông Lưu, để chính người dân làm "cơ quan giám sát" là tốt nhất; không ai khác, chính người dân là người bình bầu, xét duyệt ra đối tượng chịu ảnh hưởng sâu nhất trong đại dịch Covid-19. Vì vậy, mỗi 1 Tổ dân phố phải là 1 đoàn công tác, đứng ra họp dân, lập ra danh sách rồi niêm yết công khai để mọi người cùng giám sát. "Đến khi không còn thưa kiện, khiếu nại nữa thì xã, phường thống kê, lập danh sách cụ thể gửi lên cấp huyện để chốt rồi trình UBND tỉnh phê duyệt, cấp kinh phí chi trả. Nhóm đối tượng nào đã rõ thì tiến hành các thủ tục chi trả sớm để hỗ trợ người dân trong giai đoạn khó khăn này", ông Lưu nói.

"Tỉnh sẽ có 1 hướng dẫn cụ thể, chi tiết trên địa bàn toản tỉnh để thống nhất thực hiện. Đối với những đối tượng khó khăn quá thì thống kê lập danh sách và cần thiết thì HĐND tỉnh sẽ có Nghị quyết riêng của tỉnh để hỗ trợ các đối tượng này", ông Lưu khẳng định.