Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thừa Thiên – Huế sẽ phục dựng lại Dàn nhạc Kèn truyền thống

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu sớm xây dựng đề án phát triển mạnh Dàn nhạc Kèn trong tương lai, thu hút nhiều thành phần tham gia tập luyện và biểu diễn nhằm góp phần phát triển mạnh mẽ các hoạt động biểu diễn âm nhạc đường phố, khơi dậy sự sôi động cho Huế.

Thừa Thiên – Huế sẽ phục dựng lại Dàn nhạc Kèn truyền thống - Ảnh 1.

Ông Phan Ngọc Thọ thăm câu lạc bộ Kèn thuộc Nhà thiếu nhi Huế ngày cuối năm Âm lịch

Tháng 11/1918, Dàn nhạc Kèn hơi nhà binh Pháp được thành lập tại Huế, trực thuộc Tòa Khâm sứ Trung kỳ. Đây là dàn nhạc kèn hơi đầu tiên tại Việt Nam.

Năm 1919, vua Khải Định cũng cho thành lập riêng một dàn nhạc kèn hơi theo kiểu Pháp. Dàn nhạc này nhằm mục đích đối ngoại, phục vụ cho các nghi lễ do Triều đình tổ chức. Tiếp đó, năm 1920, đội kèn đồng của lính Khố xanh Huế ra đời.

Dàn nhạc kèn hơi nhà binh ngoài phục vụ nghi lễ do Pháp tổ chức còn thường xuyên tổ chức các buổi hòa nhạc cổ điển và lãng mạn vào chiều Chủ nhật tại "Nhà Kèn" trong vườn hoa trước Tòa Khâm sứ Huế (nay là Trường Đại học Sư phạm Huế). Ngoài các tác phẩm âm nhạc của các nhà soạn nhạc châu Âu như Mozart, Beethoven, Schubert, Schumann, Bizet, Weber, Tchaikovsky, Chopin…; các bài hát phổ thông nước ngoài bằng tiếng Pháp như J’ai deux amours, La Madelon… cũng được thường xuyên được vang lên. Vì vậy ở Huế lúc đó, bên cạnh dòng nhạc cổ truyền đã tồn tại thêm một dòng nhạc Tây phương, được công chúng tiếp nhận.

Dàn nhạc kèn hơi ở Huế lúc bấy giờ có trình độ chuyên môn khá tốt, nên thường được mời đi biểu diễn trong các sự kiện lớn trong nước cũng như nước ngoài, như: năm 1922, biểu diễn tại Hội chợ Đấu xảo ở Hà Nội, năm 1930, biểu diễn ở Sài Gòn nhân dịp khánh thành đường sắt. Đặc biệt, năm 1931, dàn nhạc kèn hơi của Huế đại diện cho Việt Nam biểu diễn tại Hội chợ Quốc tế Paris. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có dàn nhạc kèn hơi đi biểu diễn quốc tế.

Theo ông Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh – Thừa Thiên – Huế, trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, sau một thời gian mai một, hiện Dàn nhạc Kèn Huế đang từng bước được phục dựng lại với câu lạc bộ Ken cùng khoảng 15 thành viên lớn tuổi lao động tự do và 25 thành viên nhỏ tuổi đang sinh hoạt ở Nhà Thiếu nhi Huế. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động đang gặp một số khó khăn về nơi tập luyện, kinh phí bồi dưỡng cho các em cũng như thiếu dụng cụ tập luyện và biểu diễn.

Đến thăm câu lạc bộ Kèn thuộc Nhà thiếu nhi Huế và làm việc với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh vào ngày cuối năm Âm lịch, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ghi nhận và đánh giá cao việc phục dựng Dàn nhạc Kèn của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật. Theo ông Thọ, đây là việc làm cần thiết nhằm phục hồi nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có của Huế. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cần sớm có đề án phát triển mạnh Dàn nhạc Kèn trong tương lai, thu hút nhiều thành phần tham gia tập luyện và biểu diễn nhằm góp phần phát triển mạnh mẽ các hoạt động biểu diễn âm nhạc đường phố, khơi dậy sự sôi động cho Huế.

"Kèn Huế đã từng ghi dấu ấn trong ký ức văn hóa Huế, nó phải được phục hồi để tiếp tục góp sức trong việc xây dựng Huế - thành phố di sản. Tôi đã từng hứa phải tìm cách để Kèn Huế phát triển trở lại. Vì vậy, những ngày giáp Tết dù bận rộn nhưng tôi cũng phải tranh thù để thăm và gặp câu lạc bộ Kèn Huế và làm việc với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh để thực hiện lời hứa của mình", Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế chia sẻ.

Ông Thọ cũng hứa sẽ nghiên cứu, tạo điều kiện cho đội kèn có nơi luyện tập, biểu diễn; đồng thời, hỗ trợ nguồn lực nhằm giúp đội kèn sắm mới một bộ kèn Tây, trống và hệ thống âm thanh. Trước mắt, CLB Kèn cần xây dựng phương án, mô hình tổ chức hoạt động, phương thức đào tạo, làm thế nào để duy trì tốt các hoạt động, ít nhất một tuần phải có một buổi biểu diễn tại nhà Nhà kèn, tiến tới là các buổi biểu diễn chuyên nghiệp trong các lễ hội và Festival Huế.