Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thừa Thiên – Huế thỉnh cầu ý kiến chuyên gia về quy hoạch tỉnh tầm nhìn đến 2050

Tỉnh Thừa – Huế mong muốn nhận được những ý kiến từ các chuyên gia đầu ngành, những người yêu Huế và những người có kinh nghiệm trong xây dựng chính sách quốc gia để giúp tỉnh xây dựng được nhiệm vụ quy hoạch chất lượng, có tính đột phá, mang tính thực tiễn cao.

Thừa Thiên – Huế thỉnh cầu ý kiến chuyên gia về quy hoạch tỉnh tầm nhìn đến 2050 - Ảnh 1.

Hội tháo "Xây dựng nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050"

Sáng 26/10/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức Hội thảo "Xây dựng nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Đây là sự kiện mang tầm chiến lược được tổ chức liên tiếp trong 2 ngày sau Hội thảo "Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế tổ chức vào ngày 25/10.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, lập và xây dựng nhiệm vụ "Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" là một nhiệm vụ hết sức cấp bách. Vì vậy, người đứng đầu UBND tỉnh này, mong muốn các chuyên gia đầu ngành, những người yêu Huế và những người có kinh nghiệm trong xây dựng chính sách quốc gia đóng góp những ý kiến tâm huyết để giúp tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng được nhiệm vụ quy hoạch chất lượng, có tính đột phá, mang tính thực tiễn cao nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho mục tiêu phát triển của tỉnh là xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản Quốc gia và đáp ứng xu thế phát triển trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Mục tiêu đề ra là đến năm 2030, Thừa Thiên - Huế sẽ trở thành thành phố Di sản quốc gia theo hướng văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; là trung tâm lớn và đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; là trung tâm của cả nước về khoa học - công nghệ; là nơi đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; quốc phòng an ninh được đảm bảo vững chắc; hệ thống chính trị giữ vững.

Trên cơ sở đề cương nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được trình bày tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích thực trạng các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù và dự báo khả năng khai thác các nguồn lực cho phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế trong thời kỳ quy hoạch. Các ý kiến đều cơ bản đồng tình với quan điểm, mục tiêu, phương án phát triển tỉnh (bao gồm phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội; phương án quy hoạch hệ thống đô thị; phương án phát triển kết cấu hạ tầng; Phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; Phương án bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh,…)

Người lao động Thừa Thiên - Huế tham gia xuất khẩu lao động

Người lao động Thừa Thiên - Huế tham gia xuất khẩu lao động

Trong một diễn biến liên quan, thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham gia, phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành, địa phương từ khâu lập, thẩm định và phê duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, quy hoạch phát triển ngành; chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thừa Thiên - Huế phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành liên quan tại địa phương thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững; đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ phát triển thị trường lao động; hỗ trợ tạo việc làm; thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, giảm nghèo cho người lao động, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, việc làm và xóa đói giảm nghèo; bố trí nguồn lực để cùng các địa phương, trong đó có Thừa Thiên – Huế thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra; đặc biệt góp phần giúp tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu liên quan để trở thành đô thị di sản quốc gia vào năm 2030.