Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thừa Thiên – Huế: Thu hồi hàng chục dự án chậm triển khai

Các dự án có dấu hiệu chậm tiến độ, chưa triển khai theo cam kết, đã bị UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế thu hồi, chấm dứt hoạt động.

Những công trình khiến người dân Thừa Thiên - Huế không khỏi thắc mắc vì chúng giống như chiếc bánh vẽ của chủ đầu tư

Những dự án khiến người dân Thừa Thiên - Huế không khỏi thắc mắc vì chúng giống như chiếc "bánh vẽ" của chủ đầu tư mang đến cho họ

Theo Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 14/7/2017 của HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế về giám sát tình hình, kết quả sử dụng đất của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011- 2016, có 24 dự án cần rà soát xem xét thu hồi, 29 dự án cần giám sát đặc biệt và 26 dự án đôn đốc tiến độ thực hiện. Đến nay, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh, quá trình rà soát, kết quả làm việc với nhà đầu tư và đánh giá tình hình triển khai thực hiện các dự án, cơ quan quản lý đầu tư của địa phương đã thu hồi 24 dự án, trong đó bao gồm 13 dự án thuộc danh mục cần rà soát xem xét thu hồi, 7 dự án thuộc danh mục giám sát đặc biệt và 4 dự án thuộc danh mục cần đôn đốc tiến độ.

Một số dự án đã được UBND tỉnh này đồng ý gia hạn tiến độ thực hiện sau khi nhà đầu tư làm việc với cơ quan quản lý đầu tư và đã triển khai đáng kể các bước tiếp theo nhằm tiếp tục triển khai dự án.

Trong thời gian tới, Thừa Thiên – Huế sẽ kiên quyết xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, sử dụng đất đối với các nhà đầu tư không thực hiện dự án theo đúng nội dung cam kết đầu tư, làm căn cứ xử lý ở những giai đoạn tiếp theo đảm bảo đúng quy định. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác thẩm định đầu tư nhằm lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm, tránh trường hợp lựa chọn nhà đầu tư không đủ năng lực để triển khai dự án; đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ các điều kiện về tiến độ thực hiện dự án đầu tư.

Có thể nói, trong suốt nhiều năm qua trên địa bàn Thừa Thiên – Huế có không ít những dự án "bánh vẽ", dự án "trùm mền đắp chăn" dù được động thổ, khởi công và PR vô cùng hoành tráng. Trên địa bàn TP. Huế, Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô hay các địa bàn năng động, giàu tiềm năng khác của Thừa Thiên – Huế như: Phú Vang, thị xã Hương Thủy, không khó để tìm ra những dự án chậm tiến độ hoặc chưa triển khai theo cam kết.

Thừa Thiên – Huế: Thu hồi hàng chục dự án chậm triển khai - Ảnh 3.

Dự án chế biến rác thải Hương Thủy tại Khu xử lý rác thải Phú Sơn sau lễ khởi công là chuỗi ngày đắp chăn cho đến lúc bị thu hồi

Dự án chế biến rác thải Hương Thủy tại Khu xử lý rác thải Phú Sơn sau lễ khởi công là chuỗi ngày "đắp chăn" cho đến lúc bị thu hồi

Một trong những dự án nhằm giải quyết vấn đề dân sinh đã được chủ đầu tư "vẽ ra" cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế viễn cảnh tươi đẹp là dự án dự án Nhà máy chế biến rác thải Hương Thủy. Dự án có công suất 500 tấn/ngày và đã được khởi công xây dựng (phần móng) tại xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy. Tổng diện tích của nhà máy xử lý rác thải là 20ha, công trình bao gồm 18 hạng mục với giá trị lên đến 900 tỷ đồng do Công ty TNHH môi trường An Phát làm chủ đầu tư.

Dự án cũng được "thổi phồng" với những thông tin được phát đi từ chủ đầu tư như: sử dụng nguồn nhân lực lao động tại địa phương với số lượng khoảng 130 tới 150; dự án được cấp phép tháng 5/2012 thì chủ đầu tư cho biết sẽ đưa nhà máy đi vào hoạt động vào quý 4 cùng năm; sản phẩm được chế tạo từ rác liên quan năng lượng tái tạo có nhu cầu cao trong phạm vi cả nước,…

Tuy nhiên, đến nay, nhà máy chẳng thấy đâu, chỉ có những cọc sắt hoen gỉ đứng trơ chọi giữa bãi đất trống. Do dự án chậm triển khai, nên năm 2015, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế buộc phải thu hồi giấy phép của dự án này.

Sau đó, rộ lên tin Công ty TNHH môi trường An Phát chuyển nhượng dự án cho Công ty CP đầu tư và xây dựng Hải Vân và dự án được đổi tên thành Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ BIOPLASMA Huế với công suất xử lý rác 380 tấn/ngày. Thậm chí đã có 1 bản phối cảnh rất lớn được dựng tại khu vực dự án. Tuy nhiên, Thừa Thiên – Huế phủ nhận thông tin này và khẳng định chưa hề có bất kỳ chủ trương, ý kiến chỉ đạo về việc chuyển nhượng dự án giữa hai công ty nói trên.

Thừa Thiên - Huế phủ nhận thông tin cấp phép đầu tư cho Công ty CP đầu tư và xây dựng Hải Vân , nhưng thật khó hiểu khi đơn vị này vẫn dựng một bản phối cảnh hoành tráng tại khu vực dự án của An Phát

Thừa Thiên - Huế phủ nhận thông tin cấp phép đầu tư cho Công ty CP đầu tư và xây dựng Hải Vân , nhưng thật khó hiểu khi đơn vị này vẫn dựng một bản phối cảnh "hoành tráng" tại khu vực dự án của An Phát

Sau khi thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư và thu hồi đất, để thu hút, kêu gọi đầu tư vào khu vực này, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã giao cho Ban Quản lý khu vực Phát triển đô thị làm Bên mời thầu kêu gọi đầu tư Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Phú Sơn với quy mô diện tích 11,2 ha. Qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư, Công ty China Everbright International Limited là tổ chức trúng thầu dự án, với tổng mức đầu tư gần 1.700 tỷ đồng.

Liên quan đến các dự án, tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế Khóa VII diễn ra vào ngày 10/12/2019, các đại biểu tham dự cũng đã thông qua Nghị quyết về danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh năm 2020, với tổng diện tích khoảng hơn 1.000ha.

Theo đó, HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thông qua danh mục 184 công trình, dự án cần thu hồi đất với tổng diện tích khoảng 823ha; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ sang sử dụng vào mục đích khác để thực hiện 127 công trình, dự án, với tổng diện tích khoảng 190ha.

Ngoài ra, Thừa Thiên - Huế cũng đồng ý hủy bỏ 92 công trình, dự án cần thu hồi đất với diện tích hơn 393ha và 82 công trình, dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất.