Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thừa Thiên - Huế: Triệt phá đường dây cho vay nặng lãi có nguồn vốn được “rót” từ Hà Nội

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa phá chuyên án 120V, bắt giữ 3 đối tượng từ Hà Nội vào Huế để hoạt động cho vay nặng lãi với tổng số tiền cho vay gần 4 tỷ đồng.


Thừa Thiên - Huế: Triệt phá đường dây cho vay nặng lãi có nguồn vốn được “rót” từ Hà Nội - Ảnh 1.

Các đối tượng tại cơ quan công an. Ảnh: Công an cung cấp

Cơ quan Công an Thừa Thiên – Huế cho biết, 3 đối tượng bị bắt giữ, gồm: Nguyễn Minh Đức (26 tuổi); Cao Huy Tiệp (28 tuổi) và Vũ Minh Hiếu (20 tuổi). Các đối tượng đều trú tại Hà Nội, vào Huế và thuê phòng trọ tại nhà trọ trên đường Nguyễn Khoa Vy (phường Vỹ Dạ, TP. Huế).

Tại thời điểm bị bắt giữ, lực lượng Công an thu giữ được 12,4 triệu đồng tiền mặt, 4 điện thoại di động, 2 xe máy. Đây là những thiết bị điện tử, phương tiện mà các đối tượng sử dụng để phục vụ việc đi thu tiền góp hàng ngày của người vay.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, từ nguồn vốn cho vay do một đối tượng ở Hà Nội cung cấp, nhóm Đức, Tiệp và Hiếu vào Huế hoạt động cho vay bắt đầu từ tháng 10/2019. Chúng tổ chức hoạt động "tín dụng đen" với thủ tục cho vay rất đơn giản. Người vay chỉ cần viết giấy vay tiền, cung cấp thông tin rồi chụp ảnh; đồng thời cung cấp các loại giấy tờ cá nhân, như: Chứng minh nhân dân, hộ khẩu, hoặc giấy phép lái xe,…cho nhóm này.

Theo cơ quan chức năng, chỉ sau 3 tháng hoạt động, nhóm của Đức, Tiệp và Hiếu đã lập 326 hợp đồng vay đối với 145 người. Tổng số tiền cho vay gần 4 tỷ đồng. Lãi suất cho vay hơn 120%/năm.

Mặt khác, để thuận lợi cho việc thu nợ và lãi, các đối tượng phân công nhau phụ trách từng khu vực, hàng ngày có nhiệm vụ tìm người vay để thu tiền.

Thừa Thiên - Huế: Triệt phá đường dây cho vay nặng lãi có nguồn vốn được “rót” từ Hà Nội - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng khám xét nơi ở của các đối tượng. Ảnh: Công an cung cấp

Điều đáng nói, khác với các nhóm cho vay nặng lãi đã bị Công an Thừa Thiên -Huế phát hiện, bắt giữ trước đây; nhóm đối tượng trên hoạt động không có trụ sở giao dịch cố định, thường xuyên thay đổi chỗ ở; không đăng tải, in phát tờ rơi quảng cáo hay lữu trữ hồ sơ, sổ sách, giấy tờ; chúng chỉ giữ lại ảnh chụp trên điện thoại. Toàn bộ quá trình cho vay được quản lý bằng các phần mềm và liên lạc, trao đổi, báo cáo tình hình cho vay, thu nợ diễn ra trên mạng, thông qua các phần mềm ứng dụng như Zalo, Messenger, Telegram… Ngoài ra, các đối tượng còn gợi ý khách hàng tìm kiếm người quen có nhu cầu vay vốn giới thiệu cho chúng để hưởng vay vốn ưu đãi hoặc có thể vay không lãi suất, không phí hồ sơ.

Hoạt động cho vay nặng lãi, "tín dụng đen" tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đang ngày càng biến tướng với nhiều thủ đoạn tinh vi. Chỉ tính trong 2 tháng đầu năm 2020, Công an tỉnh này đã triệt phá hai chuyên án, bắt giữ gần 10 đối tượng với số tiền cho vay lên đến hơn 26 tỷ đồng. Trước những diễn biến phức tạp của loại tội phạm này, Công an Thừa Thiên - Huế khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác, thận trọng, đối chiếu về mức lãi suất của các cá nhân, nhóm cá nhân cho vay ngoài pháp luật so với mức lãi suất của Ngân hàng quy định; để tránh bị sập bẫy của các đối tượng phạm tội.