Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thừa Thiên – Huế xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường vụ hàng chục lô đất bị cấp trái thẩm quyền tại xã Lộc An

Liên quan đến vụ việc hàng chục lô đất được cấp trái thẩm quyền theo diện "đóng tiền xây dựng quê hương" tại xã Lộc An (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế, với các trường hợp còn lại chưa xây dựng nhà, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu văn bản báo cáo và xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường để xử lý.

Thừa Thiên – Huế xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường vụ hàng chục lô đất bị cấp trái thẩm quyền tại xã Lộc An - Ảnh 1.

Thừa Thiên - Huế thống nhất xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường phương hướng xử lý đối với những lô đất được cấp trái thẩm quyền nhưng chưa xây dựng nhà ở

Liên quan đến vụ việc hàng chục lô đất được cấp trái thẩm quyền theo diện "đóng tiền xây dựng quê hương" tại xã Lộc An (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế) mà báo Dân Sinh đã nhiều lần phản ánh, hiện nay, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thống nhất trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xin chủ trương xử lý.

Cụ thể, ông Nguyễn Đình Bách, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã có báo cáo số 171/BC-STNMT-TTr về vấn đề nói trên. Theo nội dung báo cáo, sau khi rà soát, UBND huyện Phú Lộc cho biết có tất cả 76 lô đất xin cấp giấy chứng nhận trong báo cáo đều không đủ căn cứ để cấp cho người dân vì đất được giao không đúng thẩm quyền, không có hồ sơ giao nhận đất.

Về phương hướng giải quyết, có 16 trường hợp được UBND xã xét giao đất không đúng thẩm quyền trước ngày 1/7/2004 sẽ được xử lý theo quy định tại Khoản 19 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Tức sẽ được thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

60 trường hợp được UBND xã xét giao đất không đúng thẩm quyền sau ngày 1/7/2004 đến trước 1/7/2014 (trong đó, 6 trường hợp không có hộ khẩu thường trú tại địa phương, 12 trường hợp đã có nhà ở tại vị trí khác tại địa phương, 42 trường hợp chưa có nhà ở nào khác tại địa phương), có 2 trường hợp giải quyết.

Cụ thể, đối với 7 trường hợp đã xây dựng nhà ở sử dụng ổn định, sẽ được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Đối với các trường hợp còn lại chưa xây dựng nhà, Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên – Huế kiến nghị UBND tỉnh xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn về trình tự thủ tục giao đất ở cho hộ gia đình cá nhân không qua hình thức đấu giá để vận dụng theo Điều 118 Luật Đất đai năm 2013.

Từ báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, ngày 13/11/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành Công văn số 8538/UBND-ĐC.

Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế thống nhất phương án giải quyết theo báo cáo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế giao UBND huyện Phú Lộc căn cứ Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường để xem xét giải quyết theo thẩm quyền đối với 16 trường hợp được UBND xã xét giao đất không đúng thẩm quyền trước ngày 1/7/2004 và 7 trường hợp được UBND xã xét giao đất không đúng thẩm quyền trong giai đoạn từ ngày 1/7/2004 đến trước ngày 1/7/2014 nhưng đã xây dựng nhà ở và sử dụng ổn định.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh văn bản báo cáo và xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp chưa xây dựng nhà ở còn lại.

Cũng liên quan đến vụ việc, theo UBND huyện Phú Lộc, việc giao đất ở Lộc An chủ yếu là do lãnh đạo UBND xã qua các thời kỳ không thực hiện đúng các quy định hiện hành.

Quan điểm xử lý của huyện là sẽ làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với người giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật và sẽ không để người dân chịu thiệt thòi.