Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để trẻ em được phát triển toàn diện

Phát triển toàn diện trong những tháng, năm đầu đời có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển trong cả cuộc đời của mỗi đứa trẻ. Nhận thức được tầm quan trọng của việc chăm sóc trẻ trong giai đoạn đầu đời, Chính phủ đã phê duyệt Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 – 2025.

Theo đó, Đề án hướng đến mục tiêu: Bảo đảm cho trẻ em đến 8 tuổi được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần; được bình đẳng tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện theo độ tuổi nhằm thực hiện các quyền của trẻ em, góp phần phát triển nguồn nhân lực quốc gia.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để trẻ em được phát triển toàn diện - Ảnh 1.

Bảo đảm cho trẻ em đến 8 tuổi được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần.

Đề án tiếp cận trẻ em theo các giai đoạn phát triển đầu đời đến 8 tuổi, đây là cách tiếp cận rộng theo xu thế được UNICEF và nhiều tổ chức quốc tế hoạt động về trẻ em khuyến nghị. Các nhiệm vụ trọng tâm và hoạt động của Đề án đòi hỏi sự phối hợp và lồng ghép đồng bộ các dịch vụ đang có về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, giáo dục mầm non, trợ giúp xã hội, bảo vệ phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em, nước sạch và vệ sinh môi trường. Mặt khác, cần tạo ra một mạng lưới kết nối giữa các cấp, các tuyến dịch vụ và thiết lập mô hình gói dịch vụ chăm sóc, phát triển trẻ thơ toàn diện tại cộng đồng cho gia đình có trẻ em dưới 8 tuổi, ưu tiên nhóm trẻ em giai đoạn 1.000 ngày đầu đời.

Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Hoa Nam cho biết, phát triển toàn diện trẻ thơ là việc hỗ trợ để trẻ em được cung cấp đầy đủ các dịch vụ về sức khoẻ và dinh dưỡng, kích thích tương tác thông qua giáo dục sớm, nuôi dưỡng chăm sóc, bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng, bị bỏ rơi và bị tai nạn thương tích. Trẻ được tiếp cận với việc học tập thông qua vui chơi trong suốt lứa tuổi mầm non cho đến khi chuyển sang tiểu học. Trong đó, nhóm tuổi được ưu tiên chăm sóc những năm đầu đời bao gồm từ khi bà mẹ mang thai đến khi trẻ được 8 tuổi.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể và chỉ đạo các địa phương án triển khai đề án: Ban hành văn bản hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Chương trình, Đề án hoặc Kế hoạch thực hiện chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em giai đoạn 2018 - 2025 của địa phương và kế hoạch thực hiện cụ thể hằng năm. Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã gửi văn bản đề nghị các bộ, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ LĐ-TB&XH đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức Hội thảo triển khai Đề án đồng thời tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác trẻ em tại cấp tỉnh về tham mưu, phối hợp xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án. Đến nay, đã có 50/63 tỉnh, thành phố xây dựng Chương trình, Đề án, Kế hoạch trình UBND cấp tỉnh phê duyệt thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Các hoạt động xây dựng tài liệu, sản phẩm truyền thông, tài liệu tập huấn cho cha mẹ về nâng cao nhận thức, cập nhật kỹ năng chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời cũng đã được khởi động. Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với UNICEF đang triển khai chương trình tư vấn, hướng dẫn, giáo dục cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em các kiến thức, kỹ năng chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em đến 8 tuổi. Hoàn thành tài liệu tập huấn cha mẹ với tên gọi "Không ai hoàn hảo" và đã đào tạo một đội ngũ giảng viên nòng cốt của chương trình. Đồng thời, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT xây dựng các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật triển khai thực hiện Đề án và xây dựng cơ chế phối hợp, mạng lưới kết nối, lồng ghép các dịch vụ phát triển toàn diện trẻ em giai đoạn đầu đời.

Sắp tới, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và ban hành cơ chế phối hợp liên ngành trong triển khai các hoạt động chăm sóc vì phát triển toàn diện trẻ em tại các cấp, các ngành; xây dựng và ban hành tài liệu hướng dẫn chung để triển khai các hoạt động chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em. Rà soát và sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan đến việc hỗ trợ gia đình và trẻ em, ưu tiên các chính sách thúc đẩy chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời; 

Triển khai xây dựng Chương trình tư vấn, giáo dục làm cha mẹ về chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời, từng bước nhân rộng trên phạm vi toàn quốc; Xây dựng bộ chỉ số tối thiểu phản ánh việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em và đánh giá được mức độ hợp tác liên ngành trong triển khai hoạt động chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em; Kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tại cơ sở đặc biệt là cán bộ bảo vệ trẻ em, đội ngũ cộng tác viên cộng đồng để hỗ trợ triển khai Đề án; Xác định cụ thể nguồn ngân sách trung ương và địa phương, nguồn vận động và đóng góp của xã hội cho triển khai thực hiện Đề án tại các cấp. Đồng thời, nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình có hiệu quả từ các tổ chức quốc tế và các quốc gia…