Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tiền Giang: Ấm lòng phần cơm chay miễn phí tặng người nghèo mùa dịch Covid - 19

(Dân sinh) - Bên cạnh những chính sách hỗ trợ từ nhà nước, chính quyền địa phương, nhằm giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, nhiều người dân cũng đã góp phần hỗ trợ người nghèo với tinh thần “lá lành đùm lá rách” đầy ý nghĩa.

Việc dừng các hoạt động xổ số kiến thiết, một số hàng quán phải tạm đóng cửa thực hiện lệnh cách ly toàn xã hội để phòng chống dịch bệnh..., đã khiến người lao động nghèo lâm vào cảnh khó khăn chồng chất khi không còn chỗ để giúp việc, làm thuê hay bán vé số dạo… Bên cạnh những chính sách hỗ trợ từ nhà nước, chính quyền địa phương, nhằm giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, nhiều người dân cũng đã góp phần hỗ trợ người nghèo với tinh thần "lá lành đùm lá rách" thật ý nghĩa.

Tiền Giang: Ấm lòng phần cơm chay miễn phí tặng người nghèo mùa dịch Covid - 19 - Ảnh 1.

Mỗi người đến chỉ nhận một phần cơm, những phần còn lại để cho những người cần nó nhất.

Trao yêu thương

Mấy ngày nay tiệm cơm chay Thanh Long (số 198 đường Trần Hưng Đạo, Phường 4, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) gần chợ Hàng Còng đã trở thành điểm đến yêu thương cho những mảnh đời khó khăn.

Trong những ngày nghỉ giản cách xã hội phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, quán cơm chay Thanh Long cũng trương bảng nghỉ bán bằng tờ giấy A4 với dòng chữ viết tay "Quán tạm nghỉ" ở 1 bên của quán. Tuy nhiên sau 3 ngày nghỉ bán, quán quyết định nấu cơm phục vụ miễn phí bà con lao động nghèo, người bán vé số nhằm giúp họ vượt qua khó khăn trong hoàn cảnh hiện tại. Ngày 3/4 trước cửa chính của quán xuất hiện1 bảng viết tay trên tờ bìa carton "Cơm chay miễn phí, mỗi người 1 hộp, mỗi ngày phát từ 10 giờ đến 11 giờ từ 4/4 đến 15/4 dành cho các hoàn cảnh khó khăn".

Tiền Giang: Ấm lòng phần cơm chay miễn phí tặng người nghèo mùa dịch Covid - 19 - Ảnh 2.

Những phần cơm không lớn những hỗ trợ kịp thòi những người nghèo trong mùa dịch bệnh.

Có mặt tại quán cơm chay Thanh Long lúc 9 giờ, chúng tôi thấy 8 đầu bếp của quán đang tất bật cho những khâu cuối cùng cho buổi phát cơm. Mỗi người một khâu làm việc khá nhịp nhàng và chuyên nghiệp. Họ đang chuẩn bị hơn 300 suất cơm để phát miễn phí cho bà con nghèo từ lúc 10 giờ. Đây là những đầu bếp của quán. Thường ngày, họ nấu hơn 20 món để phục vụ thực khách ăn chay đến quán từ bình dân đến cao cấp.

Gần 10 giờ, theo quan sát của chúng tôi, một số hộp cơm đầu tiên đã được hoàn thành. Mỗi hộp gồm 2 món (kho, xào hoặc canh) được đóng vào hộp và bên ngoài bọc lại bằng túi nilon. Chị Phan Thị Lệ Tâm, thành viên của quán cho biết: quán sử dụng hộp giấy bảo vệ môi trường làm từ bả mía được nhập từ Thái Lan, bên ngoài là bao nylong cũng thuộc loại tự phân hủy. Đây là loại hộp và túi mà quán sử dụng thường ngày sau khi được tuyên truyền sử dụng túi môi trường để giảm tác hại của rác thải nhựa.

Chị Lệ Tâm cũng cho biết thêm chị ăn chay hơn 20 năm và quán chay gia đình được duy trì ngót ngét những 20 năm. Quán không chỉ bán thức ăn chay đã chế biến mà còn bán nguyên liệu nấu đồ ăn chay.

Thông tin quán cơm chay Thanh Long phát cơm miễn phí được lan tỏa trên mạng xã hội, nhiều người ở trong và ngoài nước người đến gởi tiền hoặc xin số tài khoản để chuyển tiền hỗ trợ nhưng gia đình chị Tâm cương quyết không nhận. Chị nói: chúng tôi tặng những phần cơm miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn theo khả năng của gia đình mình. Quán chỉ nhận rau củ do họ lỡ mua mang đến chứ nhất quyết không nhận tiền. Nhận tiền rồi chúng tôi phải công khai các khoản chi tiêu…Tôi ngại nhận những phản hồi thiếu hiểu biết nên không tập trung cho công việc được. Mỗi ngày chúng tôi cố gắng có một món mặn, món xào hay món canh khác nhau để khách ăn không ngán và được thưởng thức đầy đủ các món chay khác nhau.

Ấm áp những sự sẻ chia

Đại diện quán chay chia sẻ: "350 phần cơm mỗi ngày với giá thành khoảng hơn 20 ngàn đồng/phần là tấm lòng mà quán cơm chay Thanh Long nhỏ xíu này gửi đến bà con nghèo. Tuy nó không đáng là bao nhưng mình cảm thấy rất vui vì đã hỗ trợ phần nào đó đến với những người bán vé số, cơ nhỡ nhất là người già, người khuyết tật. Trước họ đã vất vả, giờ càng vất vả hơn trong lúc dịch bệnh như thế này. Chỉ mong mọi người cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Ai cần thì nhận, ai ổn thì nhường cho người khác. Mong dịch bệnh qua mau để mọi thứ trở lại bình thường".

Những hộp cơm chay được gói ghém cẩn thận, sạch sẽ để trao tận tay những người cần nó.

Mới hơn 9 giờ sáng, bà Nguyễn Thị Ba (75 tuổi, bán vé số dạo) đã có mặt chờ nhận phần cơm yêu thương. Bà Ba cho biết do con cái làm ăn thua lỗ, nên tuổi này bà phải vất vả đi bán vé số. Bà bộc bạch: "15 ngày tạm ngưng bán vé số theo quy định để phòng chống dịch bệnh, tôi không biết xoay xở thế nào. Bao năm bán vé số, làm gì có dư vì tuổi già mang lắm thứ bệnh . May có những nơi từ thiện như thế này để cho chúng tôi bám víu, số tiền hỗ trợ của nhà nước trang trải chút tiền điện, nước, nhà trọ... Hôm nay tôi tranh thủ đến sớm vì sợ không còn như hôm trước".

Bà Nguyễn Thị Tốt (72 tuổi) với chiếc xe mini hơn 30 năm tuổi cho biết: thường ngày bà đi nhặt ve chai, nhưng những ngày cách ly toàn xã hội đã cao nên bà hạn chế ra đường để phòng dịch, bệnh, không nhặt và cũng không bán được ve chai do các điểm thu mua đóng cửa. Nhà bà có 4 người nhưng bà chỉ xin nhận một phần để nhường cho người khác.

Hai chị em cô Đặng Thị Hồng bán vừa xong hàng bánh về đứng tần ngần trước quán, khi được mời nhận cơm vì hôm nay có dư, 2 cô mới dám vào vì sợ mình lấy mất phần của người khác.

Để an toàn trong mùa dịch, UBND Phường 4 đã cử thành viên đội dân quân tự vệ đến hỗ trợ quán để đảm bảo được khoảng cách người đứng xếp hàng nhận cơm và không phải chen lấn nhau. Có không ít người khi nhận cơm trên tay còn xề bánh cam, mớ rau, ít trái cây vườn…chưa bán hết.

Rút kinh nghiệm ngày 7/4 (nhằm ngày 15-3 âm lịch), do phát sớm để giải tỏa lượng khách nên 350 suất cơm hộp đã hết chỉ hơn 10 giờ 10 phút; không ít người đến sau đành ra về tay không, nên chủ quán dán thêm trên 2 tờ giấy A4 với dòng chữ: "Đúng 10 giờ phát cơm" và "Miễn nhận giùm" để bảo đảm đủ phần cơm cho mọi người cần thiết.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi cũng không ít người đến vẫn xin nhận giùm dù đã có bảng thông báo để ngay tại bàn nhận cơm. Quán cũng linh động giải quyết cho một số ít trường hợp khi biết chắc họ còn có mẹ già, hay người khuyết tật ở nhà…Cũng không ít người không đến nổi nào thiếu thốn: đi xe sang, ăn mặc đẹp nhưng vẫn đến nhận hay thậm chí có cha mẹ xúi con cái nhận rồi quay lại nhận lần nữa mặc dù đã được người phát cơm hay bảo vệ nhắc nhở: có rồi còn để cho người khác có cái ăn…