Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tiễn ông Táo về trời: Đốt vàng mã vào giờ nào để rước lộc cả năm

(Dân sinh) - Lễ cúng ông Công, ông Táo diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Tuy nhiên, khi cúng xong có phải đốt vàng mã luôn hay không là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Theo tín ngưỡng dân gian, lễ cúng ông Công ông Táo thường được tiến hành vào 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp, là thời điểm ông Công ông Táo đã bay về chầu trời. Vì vây, việc cúng lễ cần tiến hành trước giờ này.

Ngày ông Công ông Táo theo người dân quan niệm là thời gian nghỉ ngơi, bàn giao của Hành khiển và Táo Quân nên các gia đình cũng dọn dẹp sạch trên bàn thờ trong gia đình, đốt hết chân nhang cũ, lau chùi bát hương để chuẩn bị đón năm mới.

Tiễn ông Táo về trời: Đốt vàng mã đúng cách để rước lộc cả năm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Các vị Táo Quân được thờ trên bàn thờ riêng cao hơn bàn thờ tổ tiên, trên đó thờ bộ mũ, hia. Người dân thường cho rằng, ông Công là thần thổ công, vị thần cai quản đất đai trong nhà, cần được cúng trên bàn thờ chính trong nhà. Ông Táo là 23 vị đầu rau trông coi việc bếp núc nên sẽ được cúng ở dưới bếp.

Cũng không nhất thiết cứ phải đúng ngày 23 tháng Chạp mới làm lễ cúng ông Công ông Táo. Nếu điều kiện thời gian không cho phép, gia chủ cũng có thể tiến hành làm lễ  bắt đầu từ ngày 21 tháng Chạp, và giờ giới hạn là trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp. 

Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh cho rằng, khi cúng ông Công ông Táo, gia chủ tuyệt đối không đốt quá nhiều tiền âm phủ. Ngoài ra, trong dịp này, nhiều gia đình cũng sẵn sàng bỏ hàng triệu đồng mua vàng mã về đốt. Họ tin rằng dâng mâm cao cỗ đầy sẽ được Táo quân ban nhiều phước lộc, bỏ qua những việc làm xấu trong năm. Tuy nhiên, điều này không chỉ gây tốn kém tiền của, không có lợi ích mà còn ảnh hưởng đến môi trường.

Khi hương cháy hết 2/3 là có thể hóa vàng mã, phóng sinh cá chép để tiễn ông Táo về trời.

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng khuyên rằng, người được lựa chọn để dọn dẹp ban thờ, rút chân hương cũng phải tắm rửa sạch sẽ, thực hiện nghi lễ với sự thành tâm.Sau khi thắp một nén hương xin phép trên bàn thờ, gia chủ sẽ rút từng chân hương một, cho đến khi còn lại một vài chân hương đẹp nhất thường là ở số lẻ: 3, 5, 7, 9. Tiếp đó, số chân hương này sẽ được mang ra hóa tro, đổ xuống sông vùi vào gốc cây. Hoàn thành xong, gia chủ sẽ vào bẩm báo với các cụ.

Bài văn khấn khi đốt vàng mã:

Nam mô A-di-đà Phật

Nam mô A-di-đà Phật

Nam mô A-di-đà Phật

Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương

Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp năm …………………

Chúng con là: ……………………………tuổi………………

Hiện cư ngụ tại ……………………………………………….

Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần.

Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.

Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Nam mô A di đà Phật!

Nam mô A di đà Phật!

Nam mô A di đà Phật!