Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tiểu thương kinh doanh ế ẩm do giá nhiều mặt hàng ‘nhảy múa” tăng theo thịt lợn

Thời gian gần đây, giá thịt lợn lên cao đỉnh điểm, nhiều mặt hàng như giò, chả, nem… cũng được đà tăng giá chóng mặt khiến hoạt động kinh doanh của nhiều tiểu thương gặp khó khăn.

Theo ghi nhận của phóng viên, giá thịt lợn tại 1 số chợ dân sinh khu vực Hà Nội đang dao động từ 170.000 - 200.000 đồng/kg đối với ba thịt ba chỉ và những loại sườn ngon. Các loại xương ống, thịt chân giò, thịt vai có giá 160.000 đồng/kg tăng 30.000 đồng/kg so với những ngày trước.

Điều này đã kéo theo 1 số thực phẩm được làm từ thịt lợn như giò, chả, lạp xưởng hay nem cũng tăng thêm 10 – 20% so với trước kia. Theo đó, giò lụa loại thường tăng thêm 30.000 đồng/kg, riêng loại ngon có giá 210.000 đồng/kg tăng 60.000 đồng/kg.

Tiểu thương kinh doanh ế ẩm do giá nhiều mặt hàng ‘nhảy múa” tăng theo thịt lợn - Ảnh 1.

Giá thịt lợn tăng cao trong thời gian gần đây khiến tiểu thương buôn bán mặt hàng này cũng rơi vào tình trạng không mua được nhiều thịt từ các lò mổ.

Chủ 1 số cửa hàng chuyên bán mặt hàng giò chả lí giải, do thời gian gần đây giá thịt lợn móc hàm tăng cao nên giá giò chả cũng tăng. "Nguyên liệu thịt mua vào quá cao, không thể giữ giá như trước kia được, vì nếu không tăng thì chúng tôi không có lãi", chị Nguyễn Thị Khánh, tiểu thương bán giò chả tại chợ Vĩnh Hồ, Hà Nội cho biết.

Việc những sản phẩm làm từ thịt lợn tăng giá nên tình hình kinh doanh của những cửa hàng buôn bán mặt hàng này rơi vào tình trạng ế khách.

Tiểu thương kinh doanh ế ẩm do giá nhiều mặt hàng ‘nhảy múa” tăng theo thịt lợn - Ảnh 2.

Các mặt hàng giò chả, ruốc cũng tăng giá theo thịt lợn.

Chị Nguyễn Thu Trang, tiểu thương tại chợ Kim Giang, Hà Nội chia sẻ, từ khi thịt lợn tăng giá, sạp hàng của chị rất ế khách. Trước kia, mỗi ngày sạp hàng có thể bán được 20 – 30kg giò chả nhưng hiện tại, con số này chỉ khoảng 10kg. Nhiều khách hàng đã chuyển sang sử dụng các thực phẩm khác như thịt gà, trứng, thịt bò… thay thế.

Liên quan đến tình hình giá thịt lợn tăng giá trong thời gian qua, mới đây Bộ Công Thương cho biết, nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi lây nhiễm tại Việt Nam. Số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy lớn cùng với việc không thể tái đàn ở các vùng dịch đã tác động lớn đến nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong nước.

Tiểu thương kinh doanh ế ẩm do giá nhiều mặt hàng ‘nhảy múa” tăng theo thịt lợn - Ảnh 3.

Đã gần trưa nhưng 1 sạp hàng bán giò chả vẫn còn rất nhiều.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp, xét về tổng lượng thịt các loại trong năm 2019, ước đạt 5,14 triệu tấn, giảm 4,1%.

Tuy nhiên, thịt lợn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%) trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm, sản lượng thịt lợn giảm 380 nghìn tấn, tương đương từ 9-10% so với năm 2018. Điều này ảnh hưởng lớn đến thị trường thực phẩm trong nước.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động tham mưu hoặc có phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán và có phương án hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn khi có có nhu cầu...