Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tính đến 6h sáng 28/3: Thế giới gần 27.000 người tử vong, Mỹ vượt mốc 100.000 ca nhiễm COVID-19

Đại dịch COVID-19 đang khiến cả thế giới bàng hoàng khi số ca nhiễm tăng vọt lên trên 590.000, trong đó gần 27.000 người tử vong.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Dresden, Đức ngày 26/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Dresden, Đức ngày 26/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tính đến 6h sáng 28/3, thống kê của trang worldometers.info, tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới là hơn 590.713 người, trong khi số ca tử vong là 26.970 người. Trên thế giới đã có 132.490 ca phục hồi sức khỏe.

Tại Mỹ theo báo Tiền phong, số ca mắc COVID-19 đã gia tăng chóng mặt, vượt mốc 100.000 ca, chiếm 1/6 tổng số ca bệnh toàn cầu. Trong 24 giờ qua, nước Mỹ đã ghi nhận thêm 16.217 ca mắc COVID-19, nâng tổng số người nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) lên 101.652 ca. Nước này cũng có thêm 292 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 1.587 người. Với số ca nhiễm mới liên tục tăng vọt qua các ngày, Mỹ đã vượt và bỏ xa Trung Quốc, nơi khởi phát và từng là điểm nóng dịch, trở thành "ổ dịch" lớn nhất thế giới. Trong đó, riêng thành phố New York tới nay đã có ít nhất 25.573 ca mắc COVID-19.

Thị trưởng Bill de Blasio cho biết thành phố đã nhận 2.500 máy thở trong tuần qua, nhưng vẫn cần thêm 15.000 chiếc, trong khi bang New York cần thêm 30.000 máy thở. Trước tình hình đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ đảm bảo thêm 100.000 máy thở trong vòng 100 ngày tới. Rạng sáng 28/3, ông Trump đã chỉ định Cố vấn kinh tế Peter Navarro làm người điều phối Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, nhằm huy động các nguồn lực sản xuất phục vụ chống đại dịch như trong thời chiến.

Hạ viện Mỹ ngày 27/3 (rạng sáng 28/3 giờ Việt Nam) đã bỏ phiếu thông qua "Đạo luật hỗ trợ, cứu trợ chống dịch COVID-19 và bảo đảm an ninh kinh tế" (CARES Act) có qui mô 2.000 tỷ USD nhằm đối phó với những ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 gây ra. Ngay sau đó, Tổng thống Donald Trump đã ký phê chuẩn.dự luật này. Đây là dự luật hỗ trợ thứ ba và là dự luật có số tiền lớn nhất của Chính phủ Mỹ nhằm đối phó với dịch COVID-19. Dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các quan cơ y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch, trong khi dự luật thứ 2 trị giá 104 tỷ USD được Tổng thống Donald Trump ký ngày 18/3 nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng. Gói cứu trợ 2.000 tỷ USD sẽ hỗ trợ tiền trực tiếp cho mỗi gia đình người dân Mỹ, hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp mở rộng, các khoản vay và ưu đãi cho các doanh nghiệp và các nguồn lực y tế cho các bệnh viện, các bang và các vùng lãnh thổ. Ngoài ra, dự luật này cũng yêu cầu các nhà cung cấp bảo hiểm phải chi trả các dịch vụ ngăn ngừa COVID-19...

Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày đã thông qua tuyên bố tình trạng đại thảm họa đối với bang Illinois. Trước đó, ông cũng ra tuyên bố tương tự đối với các bang New York, California, Florida, Washington và Louisiana.

Tính đến 6h sáng 28/3: Thế giới gần 27.000 người tử vong, Mỹ vượt mốc 100.000 ca nhiễm COVID-19  - Ảnh 2.

Nhân viên cứu hỏa phun thuốc khử trùng nhằm phòng ngừa sự lây lan của dịch COVID-19 tại bang Bangalore, Ấn Độ ngày 24/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Italy, nước này hôm qua ghi nhận mức tăng số ca tử vong cao nhất từ trước đến nay, với 919 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 9.134 ca,

Cùng lúc đó, tổng số ca bệnh của nước này đã lên tới 86.498 ca, vượt qua Trung Quốc. Như vậy, Trung Quốc hiện là quốc gia có số ca mắc COVID-19 đứng thứ ba thế giới, sau Mỹ và Iitaly.

Tuy nhiên, theo dự đoán của giới chức Italy, dịch COVID-19 ở nước này vẫn chưa "đạt đỉnh". Do đó, các biện pháp phong tỏa phải được gia hạn.

Đáng chú ý, đã có tổng cộng 51 y bác sĩ Italy tử vong vì SARS-CoV-2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát, theo Hiệp hội Bác sĩ Italy. Tổng số y bác sĩ nhiễm bệnh là 6.414 người.

Tại Anh hôm qua một lần nữa ghi nhận mức tăng số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất từ trước đến nay, với 181 ca. Một ngày trước đó, số ca tử vong vì COVID-19 ở Anh là 115 ca. Tổng cộng, Anh đã ghi nhận 14.579 ca mắc COVID-19, với 759 ca tử vong.

Sân bay Birmingham (miền Trung nước Anh) trong thời gian tới sẽ được trưng dụng làm nhà xác tạm thời, với sức chứa khoảng 1.500 thi thể, nhưng có thể được mở rộng để xử lý tất cả các trường hợp tử vong ở khu vực Tây Midlands.

Pháp: Đã có thêm 299 ca tử vong vì COVID-19 ở Pháp trong vòng 24 giờ qua, theo Jérôme Salomon, người đứng đầu cơ quan y tế Pháp. Nước này đã xác nhận 32.964 ca mắc COVID-19, tăng hơn 3.809 ca so với ngày trước đó. Trong ngày 27/3, chính phủ Pháp đã tuyên bố sẽ kéo dài lệnh phong tỏa đến ngày 15/4.

Tại Tây Ban Nha theo trang Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam), số ca tử vong cao thứ hai thế giới.Dịch COVID-19 tại nước này diễn biến ngày càng phức tạp khi nước này ghi nhận tới 773 ca tử vong trong 24 giờ qua. Hiện tổng số ca tử vong trong đại dịch COVID ở Tây Ban Nha đã lên tới con số 5.138 người, chỉ đứng sau Italy. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng lên 65.719 ca, tăng thêm 7.933 ca so với một ngày trước.

Trong khi đó, ổ dịch đầu tiên của NATO tại Litva cũng đã được ghi nhận. Ngày 27/3, nhiều quốc gia tham gia sứ mệnh tăng cường sự hiện diện quân sự của Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại các nước tiền đồn (vùng Baltic và Ba Lan), đã thông báo về những trường hợp lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong binh sĩ của họ ở Litva. Hà Lan cho biết một số quân nhân của nước này đóng tại Litva đã mắc COVID-19. Trong khi đó, Đức, quốc gia chỉ huy tiểu đoàn này, thông báo có 66 trường hợp nghi mắc COVID-19. Tiểu đoàn đầu tiên của NATO xuất hiện các ca nhiễm SARS-CoV-2 có quân số 1.200 binh sĩ, với nhiều quốc tịch khác nhau như Croatia, Na Uy, CH Séc, Luxembourg, Hà Lan và Đức.

Tại Đức: Ngày 27/3/2020, Thượng viện Đức đã thông qua gói cứu trợ dịch COVID-19, mở đường cho việc giải ngân 1.100 tỷ euro (khoảng 1.200 tỷ USD) hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện đang lâm vào khủng hoảng do đại dịch này. Trước đó, ngày 25/3, Hạ viện Đức cũng đã phê chuẩn gói cứu trợ kinh tế này và văn kiện sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/4 tới.

Chính phủ Nga cũng ban bố sắc lệnh đóng cửa tất cả các quán cà phê và nhà hàng và các địa điểm nghỉ dưỡng công cộng của nước này từ ngày 28/3 cho đến ngày 1/6, đồng thời yêu cầu chính quyền các tỉnh, thành khuyến nghị người dân hạn chế đi lại, kể cả đi du lịch và nghỉ dưỡng.

Đáng chú ý, theo Thông tấn xã Việt Nam, ngày 27/3, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận ca lây nhiễm nội địa đầu tiên sau 3 ngày không ghi nhận ca mới trong nước nào. Trong số 55 ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc đại lục trong ngày 26/3 đó 54 ca là người nhập cảnh từ nước ngoài và một ca lây nhiễm trong nước ở tỉnh Chiết Giang. Trong nỗ lực ngăn tình trạng "nhập khẩu virus", kể từ 0h ngày 28/3, Trung Quốc tạm dừng nhập cảnh với người nước ngoài đã có thị thực và giấy phép cư trú tại nước này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thông báo tạm dừng nhập cảnh đối với người nước ngoài có thẻ du lịch thương mại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC); ngừng miễn thị thực cho các nhóm khách du lịch từ ASEAN) nhập cảnh Quảng Tây... Trường hợp nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ, hoặc có thị thực hạng C không bị ảnh hưởng bởi quyết định này.

Hàn Quốc cũng phát hiện ổ dịch mới ngay tại bệnh viện.Thành phố Daegu, tâm dịch của Hàn Quốc hồi giữa tháng 1/2020, ngày 27/3 thông báo phát hiện ổ dịch COVID-19 mới tại bệnh viện Miju, với 61 bệnh nhân của bệnh viện có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Tại thời điểm phát hiện dịch COVID-19 bùng phát tại đây, bệnh viện có 350 bệnh nhân và nhân viên y tế. Cơ quan y tế thành phố Daegu cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở bệnh viện nói trên có khả năng còn tăng do nhiều người chưa có kết quả xét nghiệm.