Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tình trạng mua bán người trong giai đoạn hiện nay

(Dân sinh) - Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng về tính chất nghiêm trọng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trong cả nước. Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một số chị em nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số, bọn tội phạm đã dụ dỗ, lôi kéo và lừa bán họ để trục lợi, gây tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.

Nhẹ dạ, cả tin là một trong những nguyên nhân phụ nữ rơi vào tay bọn mua bán người

Phát biểu tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số số 09/2013/NĐ-CP, ông Nguyễn Xuân Lập – Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết: Theo thống kê chưa đầy đủ, từ tháng 6/2013 đến tháng 6/2019, các Bộ, ngành và tỉnh, thành phố đã tổ chức gần 1 triệu cuộc truyền thông cộng đồng với trên 41,5 triệu lượt người tham dự; tổ chức hơn 1.500 lớp tập huấn cho 132.864 lượt người tham gia; xây dựng 23.000 pano, 68.500 áp phích; cấp phát trên 3 triệu tờ rơi, 730.000 sách mỏng có nội dung về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân.

“Thời gian qua, các đơn vị trực thuộc và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện kế hoạch hỗ trợ nạn nhân ổn định cuộc sống; huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng, tránh sự kỳ thị, phân biệt đối xử; tăng cường các biện pháp hỗ trợ phòng ngừa theo chức năng nhiệm vụ của ngành thông qua các chương trình xóa đói, giảm nghèo, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm; rà soát, đánh giá thực trạng dịch vụ, cơ sở vật chất hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; đề xuất nâng cấp trang thiết bị đảm bảo phục vụ công tác này, đồng thời, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân ở các địa phương theo quy định. Ông Lập cho hay.

Tình trạng mua bán người trong giai đoạn hiện nay - Ảnh 1.

Nguyễn Xuân Lập – Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội

Theo đại diện Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng, từ năm 2013 đến nay, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới, vùng biển, đảo luôn diễn biến phức tạp. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt.

Các đối tượng triệt để lợi dụng điều kiện kinh tế khó khăn, nhu cầu tìm việc làm của một bộ phận thanh niên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, thông qua điện thoại di động, mạng xã hội (Zalo, Facebook…), sử dụng nick ảo, tên, tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, môi giới tìm việc làm, môi giới hôn nhân, vờ yêu đương rồi lừa bán nạn nhân ra nước ngoài nhằm bóc lột sức lao động, kết hôn trái pháp luật, bóc lột tình dục...

Báo cáo của Bộ Quốc phòng cho biết, từ năm 2013 đến tháng 6/2019, lực lượng Bộ đội biên phòng xác minh, giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho 1.154 nạn nhân, trong đó, phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước giải cứu 613 nạn nhân, tiếp nhận 335 nạn nhân từ nước ngoài trao trả, 186 nạn nhân tự trở về.

 Hoặc tạo nhóm, diễn đàn kín trên mạng xã hội với hình thức môi giới mua - bán trứng, đẻ thuê… nhưng thực chất là dụ dỗ, lôi kéo những phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn đưa sang Trung Quốc mang thai hộ. Một số đối tượng còn trực tiếp đến các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới để tìm những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn hoặc đang có thai nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn để đưa sang Trung Quốc sinh và bán trẻ sơ sinh. Nhiều đối tượng lợi dụng sơ hở của pháp luật về cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài để "thu mua" trẻ sơ sinh, rồi móc nối với các trung tâm núp dưới sự trợ giúp pháp lý nhân đạo, lập hồ sơ để hợp pháp hóa, rồi tìm cách chuyển ra nước ngoài bán…

Những khó khăn, vướng mắt trong công tác hỗ trợ nạn nhân mua bán người

Đa số các đại biểu tại Hội nghị cho rằng, công tác phòng chống mua bán người hiện nay còn vướng một số khó khăn cần sớm được tháo gỡ.

Đại diện Sở Lao động- Thương binh và Xã hội  tỉnh Kiên Giang đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tham mưu Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi Nghị định số 09/2013/NĐ-CP, ngày 11/01/2013 của Chính phủ chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống mua bán người về chế độ, chính sách về hỗ trợ nạn nhân cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Cục phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức tập huấn cho cán bộ phòng, chống tệ nạn xã hội cấp tỉnh, huyện về công tác tiếp nhận, xác minh hỗ trợ nạn nhân và một số kỹ năng trong công tác tiếp nhận hỗ trợ.

Đại diện Sở Lao động- Thương binh và Xã hội  tỉnh Nghệ An cho rằng: Tình hình tội phạm mua bán người còn phức tạp, số lượng nạn nhân bị mua bán nhiều nhưng số được hỗ trợ còn hạn chế, hầu hết chỉ mới dừng lại ở việc hỗ trợ tiếp nhận, hỗ trợ tiền tàu xe về gia đình theo quy định của Nhà nước. Hầu hết các nạn nhân chưa tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ (vay vốn, học nghề, tạo việc làm...); nguyên nhân chính là do phần lớn nạn nhân còn mặc cảm tâm lý, không khai báo với chính quyền địa phương để đề nghị được hỗ trợ sau khi trở về.

Tình trạng mua bán người trong giai đoạn hiện nay - Ảnh 4.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai phối hợp với Biên phòng Trung Quốc giải cứu các cô gái bị buôn bán. Ảnh: CAND

Công tác tuyên truyền còn hạn chế, chưa đến được với nhóm đối tượng có nguy cơ cao, có nơi hình thức tuyên truyền còn nghèo nàn và chưa phù hợp với từng đối tượng, trình độ, lứa tuổi và phong tục tập quán nên chưa phát huy được hiệu quả của công tác này, nhất là với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 Đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tại các huyện, thành, thị còn thiếu; chủ yếu làm kiêm nhiệm nên việc nắm bắt thông tin và cập nhật số liệu về nạn nhân bị mua bán trở về và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho họ còn chưa kịp thời. Công tác tư vấn tâm lý ban đầu, đánh giá nhu cầu, tìm hiểu rõ hoàn cảnh, thân nhân của nạn nhân trong các cơ sở tiếp nhận ban đầu và cơ sở hỗ trợ nạn nhân còn hạn chế, vì vậy việc hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân chưa thực sự bền vững.

Tại Nghệ An, nguồn kinh phí để triển khai hoạt động Đề án 3 – Chương trình 130/CP hàng năm được bố trí trong nguồn ngân sách chi thường xuyên, nhưng nguồn kinh phí này không giải ngân được do không lập được hồ sơ hỗ trợ được cho đối tượng nào. Sau khi Nghị định số 09/2013/NĐ-CP có hiệu lực đã giao công tác hỗ trợ khó khăn ban đầu cho các huyện, thành, thị nhưng đến nay các huyện chưa quyết định hỗ trợ được trường hợp nào vì không có kinh phí. 

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên chưa thành lập Cơ sở hỗ trợ nạn nhân riêng biệt, việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân giao cho Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thực hiện. Trong những năm qua công tác đầu tư để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo phục vụ công tác hỗ trợ nạn nhân còn hạn chế. Nguyên nhân: Điện Biên là tỉnh nghèo, trên 90% kinh phí phụ thuộc vào Trung ương, vì nguồn kinh phí địa phương rất hạn hẹp, nên gặp khó khăn trong bố trí kinh phí để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo phục vụ công tác hỗ trợ nạn nhân. Mức trợ cấp khó khăn ban đầu đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo khi trở về nơi cư trú còn thấp. Công tác hỗ trợ tạo việc làm cho nạn nhân bị mua bán trở về hiện nay còn gặp nhiều khó khăn - Đại diện Sở Lao động- Thương binh và Xã hội  tỉnh Điện Biên cho hay.