Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước xin vắng tiếp xúc cử tri vì bận đột xuất

Sáng nay (7/12), thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội Đoàn TP. Hà Nội đã có buổi tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử số 1 quân Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội).




Tổng Bí thư, Chủ tịch nước xin vắng tiếp xúc cử tri vì bận đột xuất - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trong lần tiếp túc cử tri cuối năm 2018 (ảnh có tính minh họa, ảnh IT).

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) dự Hội nghị tiếp xúc cử tri gồm, bà Bùi Huyền Mai, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội; Trung tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng; bà Trần Thị Phương Hoa, Bí thư Quận ủy Cầu Giấy. Theo ông Lê Hồng Phú, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc quận Hoàn Kiếm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, ĐBQH Nguyễn Phú Trọng xin vắng mặt vì lý do bận công tác đột xuất.

Tại Hội tiếp xúc cử tri, ĐBQH Bùi Huyền Mai thông báo: Thiếu tướng, ĐBQH Nguyễn Hồng Thái do nhận công tác mới là Tư lệnh Quân khu 1 nên ông đã chuyển sinh hoạt ĐBQH từ Đoàn TP. Hà Nội về Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn; Trung tướng, ĐBQH Trần Việt Khoa sẽ về đơn vị bầu cử số 1 TP. Hà Nội.

Tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV của Quốc hội có 3 ĐBQH trúng cử ở đơn vị bầu cử số 1 TP. Hà Nội (quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ) là ĐBQH Nguyễn Phú Trọng, ĐBQH Trần Thị Phương Hoa, ĐBQH Nguyễn Doãn Anh. Sau đó, ĐB Nguyễn Doãn Anh được luân chuyển, điều động làm Tư lệnh Quân khu 4 nên ông đã chuyển sinh hoạt ĐBQH về Đoàn Nghệ An.

Tiếp đó, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái được điều động về giữ chức Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội nên ông đã chuyển sinh hoạt từ Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ về Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội. Đến nay ông chuyển tiếp sinh hoạt về Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.

Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri, ĐBQH Bùi Huyền Mai đã trình bày thông báo về kết quả kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. Cụ thể, sau 28 ngày làm việc, Quốc hội thông qua 11 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến về 10 dự án luật; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác.

Các luật được Quốc hội thông qua, cụ thể, Bộ luật Lao động được sửa đổi nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển thị trường lao động cũng như xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định ở nước ta, tiệm cận với nhiều nội dung và nguyên tắc cơ bản của các Công ước cơ bản về lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế. Bộ luật gồm 17 chương, 220 điều với nhiều quy định mới, quan trọng, trong đó, lần đầu tiên mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với người làm việc không có quan hệ lao động; luật hóa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và tham gia xây dựng quan hệ lao động của các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động; quy định lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035 nhằm chuẩn bị, ứng phó với quá trình già hóa dân số, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; bổ sung một ngày nghỉ trong năm vào ngày liền kề với Ngày Quốc khánh 2/9; quy định cụ thể các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ; mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động; nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp; các quy định về giải quyết tranh chấp lao động linh hoạt hơn, tạo thuận lợi cho cả người lao động và người sử dụng lao động;…

Luật Chứng khoán được sửa đổi để góp phần thực hiện mục tiêu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch.

Luật Dân quân tự vệ được sửa đổi nhằm xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp cùng với Quân đội nhân dân Việt Nam làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự.

Luật Lực lượng dự bị động viên được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, nâng cao chất lượng lực lượng dự bị động viên, tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao hiệu quả trong tổ chức thực hiện.

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam thời gian qua.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương được ban hành nhằm bảo đảm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được ban hành nhằm tiếp tục đổi mới công tác xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức, đáp ứng yêu cầu trong điều kiện hiện nay...