Quay lại Dân trí
Dân Sinh

TP. Hồ Chí Minh: Gần 4 triệu lao động được đào tạo nghề chuẩn Asean

(Dân sinh) - Năm 2019 TP.HCM có số lao động đang làm việc đã qua đào tạo là 247.366/180.000 người (đạt 137,34% kế hoạch năm), nâng tổng số lao động đã qua đào tạo đến nay đạt 3.906.818/4.607.312 người (đạt 84,79%/83% kế hoạch) với chất lượng đào tạo đạt tiêu chuẩn của Asean.

TP. Hồ Chí Minh: gần 4 triệu lao động được đào tạo nghề chuẩn Asean - Ảnh 1.

Hội nghị trực tuyến - đầu cầu TP.HCM

Trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến triển khai công tác Lao động, Người có công và Xã hội năm 2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ngày 25/12/2019, Ủy viên Trung Ương đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, bày tỏ sự đồng tình và nhất trí với báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020. 

Người đứng đầu chính quyền TP cho biết năm qua lãnh đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Quốc hội và Chính phủ giao, nổi bật ở các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đúng với phương châm 8 chữ hành động của Ngành "Đoàn kết – Kỷ cương – Sáng tạo – Hiệu quả".

Hai vấn đề nổi bật của Thành phố Hồ Chí Minh năm qua là Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, công tác Hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển quan hệ lao động ổn định, hài hòa.

TP. Hồ Chí Minh: gần 4 triệu lao động được đào tạo nghề chuẩn Asean - Ảnh 2.

Ủy viên TW đảng, chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì đầu cầu TP.HCM

Kết quả, trong năm số lao động đang làm việc đã qua đào tạo là 247.366/180.000 người (đạt 137,34% kế hoạch năm), nâng tổng số lao động đã qua đào tạo đến nay đạt 3.906.818/4.607.312 người (đạt 84,79%/83% kế hoạch) với chất lượng đào tạo đạt tiêu chuẩn của Asean, tỷ lệ lao động qua đào tạo làm việc trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ trình độ cao và trong các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của Thành phố đạt 84,56%.

Nâng cao và đổi mới trong công tác giáo dục nghề nghiệp, kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo song hành khoảng 80% học sinh, sinh viên tốt nghiệp có chất lượng và có việc làm, đáp ứng nguồn lao động có chất lượng cao cho doanh nghiệp góp phần tăng năng suất lao động gần gấp 3 lần so với cả nước.

TP. Hồ Chí Minh: gần 4 triệu lao động được đào tạo nghề chuẩn Asean - Ảnh 3.

TP. Hồ Chí Minh gần 4 triệu lao động được đào tạo nghề chuẩn Asean

Thành phố quan tâm đầu tư đến các trường nghề chất lượng cao và trường có nghề trọng điểm đầu tư tập trung đồng bộ về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, đội ngũ nhà giáo đồng thời, huy động các nguồn lực khác trong xã hội cùng với Ngân sách nhà nước tổ chức đào tạo các ngành, nghề trọng điểm để người học sau khi học xong sẽ có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp tiếp cận với các nước tiên tiến trên thế giới. Chuyển mạnh đào tạo theo năng lực thực hiện, chú trọng phát triển năng lực sáng tạo trong dạy và học; gắn kết chặt chẽ đào tạo với doanh nghiệp, thị trường lao động và việc làm bền vững. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bên cạnh đó tổ chức nhiều sàn giao dịch ngày hội việc làm gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trong giới thiệu việc làm đã góp phần giải quyết việc làm cho 315.486/300.000 lao động (đạt 105,1%) và tạo việc làm mới cho 136.285/130.000 chỗ (đạt 104,8%); kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị tại thành phố 3,68%.

Công tác xây dựng và phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển nhiều mặt của đời sống xã hội - Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.

Trong công tác Hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển quan hệ lao động  ổn định, hài hòa, chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo Chỉ đạo xây dựng Đảng, tổ chức chính trị - xã hội và quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp từ thành phố đến quận huyện và Ban chỉ đạo ngày càng cũng cố, nâng chất và chủ động thực hiện các nhóm giải pháp trong công tác phòng ngừa và giải quyết các cuộc tranh chấp lao động, đình công xảy ra trên địa bàn.

TP. Hồ Chí Minh: gần 4 triệu lao động được đào tạo nghề chuẩn Asean - Ảnh 5.

Các đơn vị trong nhành LĐ-TB&XH tham dự đầu cầu TP.HCM

Năm 2019, Thành phố có 4.410 lượt doanh nghiệp xây dựng mới thỏa ước lao động tập thể; 15.221 doanh nghiệp rà soát, xây dựng thang, bảng lương; và hơn 2.800 lượt doanh nghiệp xây dựng mới nội quy lao động. Bên cạnh đó Việc triển khai Đề án Phát triển quan hệ lao động tại Thành phố giai đoạn 2014 - 2020 đã mang lại kết quả rất tích cực, số vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công giảm rõ rệt (từ năm 2015 đến năm 2018 số vụ đình lãn công giảm đáng kể theo từng năm), riêng trong năm 2019 trên địa bàn thành phố xảy ra 15 vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công với tổng số người tham gia là 6.609 người, giảm 10 vụ và giảm 176 người tham gia so với cùng kỳ năm 2018.

Để đạt được một số kết quả trên là do Thành phố thường xuyên kiện toàn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên lao động; công tác tuyên truyền pháp luật, hoạt động đối thoại giữa các cơ quan nhà nước với các hiệp hội, các doanh nghiệp tổ chức thường xuyên; thực hiện công tác giám sát, nắm tình hình quan hệ lao động, chủ động phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công. Các hoạt động chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, người lao động trên địa bàn Thành phố, nhất là ở các khu chế xuất - khu công nghiệp tập trung đông công nhân lao động được quan tâm nhiều hơn.

Tuy nhiên TP.HCM cũng đối diện nhiều thách thức. Do thành phố có mật độ tập trung công nghiệp cao nhất cả nước, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến việc làm, lao động, những thay đổi trong pháp luật về lao động theo các chuẩn mực quốc tế… trong đó có nhiều điểm "rất mới" liên quan đến quan hệ lao động sẽ tạo ra thách thức trong thời gian tới. 

Vì vậy, Thành phố cần chủ động rà soát, củng cố hệ thống thiết chế quan hệ lao động theo quy định của Bộ luật Lao động 2019; nâng cao hiệu quả hoạt động đối thoại, thương lượng, ký thỏa ước lao động tập thể; cải thiện, phát triển các yếu tố môi trường kinh tế - văn hóa - xã hội có tác động đến quan hệ lao động, đồng hành cùng doanh nghiệp trong chăm lo tốt hơn đời sống cho người lao động. Tổng kết thực hiện Đề án Phát triển quan hệ lao động trên địa bàn thành phố giai đoạn 2014 - 2020 để rút kinh nghiệm và trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kết hợp với dự báo tình hình của thành phố để xây dựng những giải pháp phù hợp cho giai đoạn 2021 - 2025.

Thông qua hội nghị hôm nay TP.HCM kiến nghị Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn kịp thời, đồng bộ để thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn, triển khai đưa Bộ luật Lao động năm 2019 đi vào cuộc sống. Mong muốn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục quan tâm, hỗ trợ TP.HCM trong việc tổng kết, xây dựng Đề án Phát triển quan hệ lao động cho giai đoạn tiếp theo, nhằm đưa quan hệ lao động trên địa bàn thành phố ngày càng hài hòa, ổn định và tiến bộ.