Quay lại Dân trí
Dân Sinh

TP. Hồ Chí Minh: Gỡ khó để phát triển buýt đường sông

(Dân sinh) - Hiện thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ có 1 tuyến buýt sông hoạt động, kết nối rời rạc với các loại hình vận tải hành khách khác. Từ hạn chế này, thành phố đưa ra nhiều giải pháp tháo “nút thắt” để phát triển buýt đường sông...

TP Hồ Chí Minh: Gỡ khó để phát triển buýt đường sông - Ảnh 1.

Thời gian qua, người dân mới chỉ chọn buýt trên sông để thăm quan và thưởng ngoạn cảnh Sài Gòn.

Những ngày cuối tuần, theo ghi nhận của phóng viên báo Lao động và Xã hội (báo điện tử Dân Sinh), tại bến Bạch Đằng - quận 1 (bến chính của tuyến buýt sông số 1 đi quận Thủ Đức), khá đông hành khách với đối tượng chủ yếu là hộ gia đình và du khách nước ngoài đi thưởng ngoạn vẻ đẹp của sông Sài Gòn. Còn vào những ngày thường, trên các trạm dừng chân đều vắng khách.

Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh) Hà Thanh Sơn cho biết, vận chuyển hành khách trên buýt sông (tuyến số 1) đạt 291.000 lượt hành khách/năm, chỉ chiếm chưa tới 1% so với sản lượng vận tải hành khách đường thủy. Nguyên nhân bởi mới khai thác tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng, quận 1 đi Linh Đông, quận Thủ Đức), với chiều dài gần 11km. Mặt khác, nhà đầu tư mới hoàn thành 5/9 bến kết nối trên tuyến gồm: Bến Bạch Đằng, Bình An, Thanh Đa, Hiệp Bình Chánh và Linh Đông.

TP Hồ Chí Minh: Gỡ khó để phát triển buýt đường sông - Ảnh 2.

Vào những ngày thường, trạm dừng chân bến Bạch Đằng (quận 10) đều vắng khách.

Đồng thời, thành phố Hồ Chí Minh cũng đang tiến hành triển khai hoạt động tuyến buýt sông số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm, quận 8), chiều dài hơn 10km. Tuy nhiên, tuyến buýt này bị tắc do vướng 2 dự án hạ tầng khác đang thi công nên chỉ có thể đưa vào vận hành khai thác sau năm 2020.

Hiện nhu cầu đi lại trên tuyến buýt đường sông chủ yếu là du khách, còn người dân vẫn chưa mặn mà, khiến mục tiêu mở tuyến chưa đạt như mong muốn.

TP Hồ Chí Minh: Gỡ khó để phát triển buýt đường sông - Ảnh 3.

Để người dân tìm đến tuyến buýt làm phương tiện đi lại, cần đồng bộ về nhiều mặt.

Anh N.C.L cho biết: "Tôi đưa gia đình đi buýt đường sông chủ yếu là để ngắm cảnh sông Sài Gòn và để biết cảm giác buýt trên sông. Tuy nhiên, cũng gặp trở ngại vì không có chỗ gửi xe. Để tuyến buýt trên sông được người dân thành phố chọn làm phương tiện lưu thông, ngoài việc kết hợp điều chỉnh lộ trình của một số tuyến xe buýt đường bộ để kết nối, trung chuyển khách đến các bến buýt đường sông, cũng cần phải tính đến việc xây dựng bãi trông giữ xe ô tô, xe máy cho hành khách khi tham gia tuyến buýt sông".

TP Hồ Chí Minh: Gỡ khó để phát triển buýt đường sông - Ảnh 4.

Bến tuyến buýt sông phía quận 2.

Được biết, theo kế hoạch, thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các địa phương liên quan để hoàn thành thủ tục giao thuê đất đầu tư xây dựng các bến trên tuyến buýt đường sông; tăng thêm các dịch vụ hỗ trợ hành khách trên bờ; triển khai nhanh tiến độ để xây dựng và đưa vào khai thác bến trung tâm.