Quay lại Dân trí
Dân Sinh

TP. Hồ Chí Minh: Sẽ xử lý trách nhiệm cán bộ sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

(Dân sinh) - Sáng ngày 9/1, tại buổi gặp mặt báo chí đầu năm 2020, ông Nguyễn Thiện Nhân Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, "sẽ xử lý trách nhiệm cán bộ sau khi có kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương".

TP. Hồ Chí Minh: Sẽ Xử lý trách nhiệm cán bộ sau khi có kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã vào làm việc với Đảng bộ Thành phố, trong đó chủ yếu là Ban Thường vụ Thành ủy và các sở ngành liên quan khác trong thời gian khoảng 3 tháng. Trên cơ sở điều tra, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận và công bố vào chiều 8/1 vừa qua.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết thêm, sắp tới, sau khi nhận được bản kết luận chính thức của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cán bộ, tổ chức có liên quan đến các sai phạm và chuyển báo cáo kết quả kiểm điểm cho Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

TP. Hồ Chí Minh: Sẽ Xử lý trách nhiệm cán bộ sau khi có kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương - Ảnh 2.

Quang cảnh buổi họp mặt thân mật báo chí đầu năm 2020.

"Về việc xử lý đối với các cán bộ thuộc Bộ Chính trị quản lý, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương sẽ họp và báo cáo lại với Bộ Chính trị để có hình thức kỷ luật hay không kỷ luật. Khi nhận được kết luận chi tiết, nếu nội dung nào thuộc cấp Thành phố tự xử lý, Thành phố sẽ tổ chức kiểm điểm và tự ra quyết định kỷ luật", Bí thư Thành ủy Thành phố nhấn mạnh.

Cũng tại buổi họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân thừa nhận những kết luận vừa qua của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã để lại những bài học về công tác cán bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

"Qua quá trình làm việc, kiểm tra chúng tôi đã nhận thức ra được, thứ nhất trên nguyên tắc là phải làm đúng quy chế của các cấp. Thành ủy có quy chế hoạt động của Ban chấp hành, Ban thường vụ, Ban Thường trực trong đó quy định việc gì phải bàn với Thường trực, Thường vụ để quyết định thì Uỷ ban nhân dân Thành phố mới làm…", Bí thư Thành ủy Thành phố cho biết thêm.

Đồng thời, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra ví dụ, "việc dự án di dời trên 1.000 dân thì phải có ý kiến của Thường vụ, rồi Uỷ ban nhân dân mới trình lên Hội đồng Nhân dân thông qua cũng như góp ý để làm... Bên cạnh đó, phải làm đúng luật pháp, hiện nay luật pháp cơ bản đã rõ ràng, chỉ cần làm đúng, còn những vấn đề chồng chéo thì cần được thảo luận và bàn bạc", Bí thư Thành ủy Thành phố nói.