Quay lại Dân trí
Dân Sinh

TP.HCM: Đầu tư công nghệ xử lý rác thải thành năng lượng điện

(Dân sinh) - Cùng với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa, phát triển kinh tế - xã hội, TP.Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về quản lý đô thị, trong đó quản lý môi trường là một trong 7 chương trình đột phá của thành phố trong giai đoạn 2016 - 2020.

Ngày 26/8/2019, Sở Tài Nguyên và Môi Trường TP.Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo định hướng về xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và chuyển đổi sang công nghệ đốt điện. Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cùng đại diện các nhà đầu tư: Công ty Cổ phần Đầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa; Công ty Cổ phần Vietstar; Công ty TNHH Môi trường Tasco Củ Chi.

TP.HCM: Đầu tư công nghệ xử lý rác thải thành năng lượng điện - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Toàn Thắng (giữa) thông tin về công nghệ xử lý rác thải thành năng lượng điện.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Hiện việc xử lý chất thải của thành phố chủ yếu là chôn lấp. Một phần chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt (không thu hồi năng lượng), sản xuất phân bón và tái chế, nhưng việc này còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu của thành phố. Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đã thu gom, vận chuyển năm 2018 là 3.077.382,78 tấn, trung bình 9.213,72 tấn/ngày (tăng 4,19% so với năm 2017). Mặc dù, các bãi chôn lấp tại thành phố là chôn lấp hợp vệ sinh. Tuy nhiên, công nghệ chôn lấp phù hợp với điều kiện kinh tế của thành phố ở giai đoạn trước đây và kèm theo các vấn đề về mùi hôi.

Trên cơ sở quy hoạch định hướng hệ thống quản lý chất thải TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, hướng đến quản lý môi trường xanh; quy hoạch phát triển kinh tế và xã hội của quốc gia nói chung và TP.Hồ Chí Minh nói riêng. UBNDTP chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai ứng dụng công nghệ đốt phát điện để xử lý chất thải nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và tăng trưởng xanh.

TP.HCM: Đầu tư công nghệ xử lý rác thải thành năng lượng điện - Ảnh 3.

Dự án nhà máy đốt rác phát điện của Công ty Cổ phần Đầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa.

Công ty Cổ phần Đầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa giới thiệu tại hội thảo về nhà máy đốt rác phát điện công nghệ Martin GmHb - CHLB Đức. Công nghệ đã được ứng dụng và hiện đang hoạt động tại 34 quốc gia trên thế giới với tổng cộng 473 nhà máy; kiểm soát triệt để mùi hôi, khép kín từ khâu tiếp nhận vào nhà máy đến xả thải; khí thải, nước thải, tro bay được xử lý đạt quy chuẩn, theo quy định của hiện hành.

TP.HCM: Đầu tư công nghệ xử lý rác thải thành năng lượng điện - Ảnh 4.

Dự án nhà máy đốt rác phát điện Công ty Cổ phần Vietstar.

Công ty Cổ phần Vietstar đem tới hội thảo "Hệ thống tích hợp Vietstar" (phân loại, tái chế, đốt rác phát điện) không chôn lấp rác và thực hiện trên đất có sẵn. Chương trình này sẽ giúp cho thành phố trở nên hiện đại hơn và bảo vệ môi trường tốt hơn. Hệ thống này cũng hoàn toàn khép kín, không có mùi hôi và ô nhiễm không khí phát tán đến vùng dân cư lân cận.

TP.HCM: Đầu tư công nghệ xử lý rác thải thành năng lượng điện - Ảnh 5.

Dự án nhà máy đốt rác phát điện Công ty TNHH Môi trường Tasco Củ Chi.

Công ty TNHH Môi trường Tasco Củ Chi giới thiệu tại hội thảo về dự án điện rác tiên tiến hang đầu thế giới công nghệ của Phần Lan. Tự động phân loại rác, tự động cắt nhỏ các vật thể rác, phân loại kim loại và chất trơ giúp giảm khối lượng vật chất vào lò đốt, hiệu suất phát điện cao, khí thải thấp đạt tiêu chuẩn Châu Âu.

Nhìn chung, các nhà đầu tư đều nhập khẩu máy móc, áp dụng công nghệ tiên tiến của thế giới, thu hồi điện năng từ rác, một phần điện phục vụ cho nhà máy và phần còn lại hòa vào mạng lưới điện quốc gia; các sản phẩm tái chế như gạch không nung, vật liệu xây dựng. Giảm lượng chất thải nếu đem chôn lấp; giảm diện tích đất chôn lấp. Tạo năng lượng xanh. Giảm phát thải khí nhà kính. Ít nước rỉ rác, kiểm soát mùi dễ hơn.

Các nhà đầu tư cũng cam kết nếu được giao dự án sẽ tiến hành xây dựng trong 18 tháng, đưa vào hoạt động cuối năm 2020 với công suất 2.000 tấn/ngày và tăng lên 4.000 tấn/ngày vào năm 2021.