Quay lại Dân trí
Dân Sinh

TP.HCM: Hai phương án hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi người lao động trước khó khăn hiện nay

(Dân sinh) - Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên phải cắt giảm lao động dẫn đến tình trạng hàng nghìn lao động mất việc. Trước tình trạng này, TP.HCM đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi người lao động.

Theo báo cáo mới đây về tình huống doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 cho nhiều người lao động thôi việc trên địa bàn thành phố trong 6 tháng cuối năm 2020 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết trong 6 tháng đầu năm, toàn thành phố có gần 328.000 người lao động nghỉ việc. Trong đó, số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 90.041 người. 

Qua khảo sát của Cục Thống kê tại 16.300 doanh nghiệp cho thấy gần 14.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19. Do thiếu nguyên liêu, đơn hàng, khoảng 8.400 doanh nghiệp có khả năng dừng hoạt động phải cắt giảm lượng lớn lao động.

Trước tình hình này, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM đưa ra hai kịch bản, tham mưu cho UBND thành phố phương án ngăn chặn tình trạng lao động mất việc, hỗ trợ người lao động trong 6 tháng cuối năm.

TP.HCM: Hai phương án hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi người lao động trước khó khăn hiện nay  - Ảnh 1.

Sở Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra hai kịch bản, tham mưu cho UBND thành phố phương án ngăn chặn tình trạng lao động mất việc, hỗ trợ người lao động trong 6 tháng cuối năm.

Ở kịch bản tích cực là Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, là cơ sở để gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động, hạn chế lao động ngừng việc, mất việc. Tuy nhiên, ngành dịch vụ, du lịch, ngành công nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng do xuất nhập khẩu gián đoạn. Dự báo khoảng 4.400 doanh nghiệp tại TP HCM bị ảnh hưởng với 100.000-120.000 lao động bị ngừng việc, thôi việc.

Thứ hai, trường hợp dịch Covid-19 diễn biến theo chiều hướng tích cực tác động đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, việc kiểm soát tốt dịch tễ, tình hình doanh nghiệp khởi sắc trong những tháng cuối năm 2020. Đây cũng là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại phục vụ các dịp lễ, Tết, nhiều việc làm ngắn hạn, tạm thời thu hút lao động, điều này giúp hạn chế tình trạng lao động ngừng việc, mất việc.

Tuy nhiên, khu vực dịch vụ (ngành lưu trú, ăn uống, du lịch), khu vực công nghiệp (ngành dệt may, giày da, chế biến gỗ…) vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giao thương (xuất – nhập) bị gián đoạn, thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp, không tìm được đối tác triển khai đơn hàng tại các thị trường ngoài nước.

Dự kiến, khoảng 4.400 doanh nghiệp bị ảnh hưởng với khoảng 100.000-120.000 người lao động ngừng việc, nghỉ việc.

TP.HCM: Hai phương án hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi người lao động trước khó khăn hiện nay  - Ảnh 2.

Dự kiến, khoảng 4.400 doanh nghiệp bị ảnh hưởng với khoảng 100.000-120.000 người lao động ngừng việc, nghỉ việc.

"Để đảm bảo quyền lợi người lao động, chúng tôi thành lập các tổ công tác, trực tiếp làm việc, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo chính sách với người lao động đúng pháp luật. Cụ thể, doanh nghiệp cho công nhân thôi việc phải thông báo trước 45 ngày, đảm bảo lương tối thiểu theo quy định.

Ngoài việc đưa ra hai phương án nhằm ứng phó với việc cắt giảm lao động trước dịch bệnh, chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ thêm, có lợi cho lao động bị thôi việc, đảm bảo công việc cho lao động yếu thế như người lớn tuổi, mang thai, có con nhỏ gặp khó khăn...

Đối với những người có nhu cầu đào tạo nghề sau khi mất việc, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ đưa họ vào hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp nghề để có thể chuyển đổi nghề nghiệp trong tương lai. Người lao động được tạo điều kiện vay vốn làm ăn từ các nguồn quỹ quốc gia về việc làm, tổ chức tài chính CEP dành cho công nhân...", ông Tấn chia sẻ.

Trong số 8.400 doanh nghiệp gặp khó khăn, mới đây Thành ủy và UBND thành phố chỉ đạo 90% trong số này phải nhận được gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ và Nghị quyết 02 của HĐND thành phố vào tháng 9 tới. Doanh nghiệp lấy nguồn kinh phí từ hai chương trình này trả lương công nhân, giúp họ đứng vững, không cắt giảm lao động.

Doanh nghiệp còn được Chính phủ đồng ý dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất, quỹ công đoàn (2%) đến hết tháng 12 để giữ chân lao động vì khi công nhân đã nghỉ việc khả năng quay lại rất khó.