Quay lại Dân trí
Dân Sinh

TP.HCM là địa phương đầu tiên thông qua chính sách hỗ trợ cho người lao động bị mất việc vì dịch Covid-19

Người lao động trên địa bàn TPHCM bị mất việc do ảnh hưởng dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, trong thời gian 3 tháng. Như vậy TPHCM là địa phương đầu tiên thông qua chính sách hỗ trợ cho người lao động bị mất việc vì dịch Covid-19

Chiều 27/3, HĐND TP.HCM triệu tập kỳ họp bất thường thứ 19 khóa IX. Ngoài công tác nhân sự, HĐND thành phố đã biểu quyết thông qua nhiều chính sách hỗ trợ tăng thêm trong đợt dịch Covid-19 theo đề xuất của UBND TP.HCM.

Theo tờ trình đã được thông qua, TP.HCM dự kiến chi 2.753 tỷ đồng từ ngân sách dự phòng để phục vụ công tác chống dịch Covid-19. Trong đó, thành phố dự kiến sử dụng 1.800 tỷ đồng để hỗ trợ khoảng 600.000 người lao động mất việc do dịch Covid-19.

TP HCM: Chính thức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng cho lao động bị mất việc do ảnh hưởng Covid 19 - Ảnh 1.

Toàn cảnh kỳ họp HĐND TPHCM khóa XIX bất thường. Ảnh: VGP/Băng Tâm

Cụ thể, đối với người lao động mất việc do dịch Covid-19 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp Nhà nước, UBND TP.HCM đề xuất mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Việc hỗ trợ sẽ tính theo số ngày lao động thực tế đã mất, thời gian hỗ trợ không quá 3 tháng.

Đối với người đang được áp dụng biện pháp cách ly khoanh vùng tại khu dân cư và cách ly tập trung, người đang điều trị Covid-19 sẽ được hỗ trợ 90.000 đồng/người/ngày. Mức hỗ trợ trên cũng được áp dụng cho lực lượng công an, quân đội và các lực lượng tham gia phối hợp phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với đội ngũ nhân viên y tế trực tiếp tham gia phòng, chống dịch, UBND TP.HCM đề nghị hỗ trợ với mức tiền 120.000/ngày. Ngoài ra, trong trường hợp cần cách ly 10.000 người và điều trị 100 người, TP.HCM cần chi 323 tỷ đồng.

UBND TP.HCM cũng đề nghị hỗ trợ 3 chiếc khẩu trang mỗi ngày trong 3 tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân vệ sinh môi trường trên toàn địa bàn. Loại khẩu trang được cấp phát sẽ là khẩu trang kháng khuẩn, có thể giặt và tái sử dụng 10 lần.

Theo tính toán, kinh phí hỗ trợ người cách ly là 126 tỷ đồng, kinh phí trang bị 10 xe cấp cứu chuyên dụng là 135 tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ khẩu trang và phục vụ các công tác khác là 369 tỷ đồng.

Theo khảo sát, sẽ có khoảng 600.000 lao động trên địa bàn TPHCM bị mất việc do ảnh hưởng dịch Covid-19, tổng chi phí dự kiến khoảng 1.800 tỉ đồng chi từ nguồn ngân sách dự phòng của Thành phố.

Trước đó, trong các buổi họp giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19, lãnh đạo Thành phố đã nhiều lần đề nghị các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát và xây dựng chính sách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Như vậy TPHCM là địa phương đầu tiên thông qua chính sách hỗ trợ cho người lao động bị mất việc vì dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Thành phố đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng xem xét các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Cùng với cả nước, Thành phố đang bước vào giai đoạn quyết định ngăn chặn dịch Covid-19. Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong khẳng định những ngày tới Thành phố sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm hạn chế hoạt động đi lại của người dân vì mục tiêu cuối cùng là ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. "Chấp nhận hy sinh các lợi ích kinh tế trước mắt vì an toàn, sức khỏe của người dân là ưu tiên hàng đầu", ông Phong nhấn mạnh.

Tính đến 9h ngày 27/3, với 42 ca nhiễm Covid-19 trong đó 3 ca đã phục hồi, TPHCM là một trong hai địa phương có số ca nhiễm cao nhất cả nước, tuy nhiên, Thành phố quyết tâm kiềm chế dưới 150 ca nhiễm để cùng với cả nước giữ số ca nhiễm Covid-19 không quá 1.000 người.

Trước đó, Sở Công thương TP.HCM đã xây dựng kế hoạch đảm bảo cung cấp thực phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, Sở đưa ra 3 kịch bản giải định để xác định nhu cầu thực phẩm thiết yếu hằng ngày cho công tác phòng chống dịch.

Cụ thể, tình huống 1 giả định có dưới 100 người bệnh, với 10.000 người phải cách ly, TPHCM sẽ có 13.700 người cần được phục vụ với 41.100 suất ăn mỗi ngày.

Đối với tình huống có 300 người bệnh, 20.000 người cách ly, sẽ có đến 28.600 người cần được phục vụ với 85.800 suất ăn mỗi ngày. Tình huống 3 được xây dựng khi có 500 người bệnh, 40.000 người cách ly thì số lượng người cần được phục vụ lên đến 56.000 người và cần tới 186.000 suất ăn mỗi ngày.