Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Trẻ em đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa trong cuộc sống

Trong bức thư ngỏ nhân kỷ niệm 30 năm ngày thông qua Công ước Quyền trẻ em, Giám đốc Điều hành UNICEF lên tiếng báo động về những thách thức ngày càng lớn cho tương lai của trẻ em.

Theo Giám đốc điều hành UNCIEF Henrietta Fore, xung đột kéo dài, khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng, sự gia tăng của bệnh tâm thần ở thanh thiếu niên, những thông tin sai lệch trên mạng nằm trong số những nguy cơ mới đáng lo ngại cho trẻ em trên toàn cầu.

Trẻ em đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa trong cuộc sống - Ảnh 1.

Trẻ em trên thế giới đang phải đối mặt với khủng hoảng khí hậu.

Bên cạnh những vấn đề mà thanh thiếu niên đang phải đối mặt, như: Tiếp cận giáo dục, nghèo đói, bất bình đẳng và bị phân biệt đối xử, bức thư ngỏ đã đề cập đến những mối đe dọa mới về quyền trẻ em và đưa ra đường lối tăng cường những nỗ lực giải quyết. Bức thư là sự khởi đầu của các hoạt động kỷ niệm 30 năm Công ước Quyền trẻ em – văn bản về quyền con người được phê chuẩn rộng rãi nhất trên thế giới. 

"Và thế hệ các em, trẻ em của ngày hôm nay đang phải đối mặt với một loạt những thách thức và chuyển đổi toàn cầu mà cha mẹ các em không mường tượng được. Khí hậu biến đổi đến mức khó nhận thấy. Bất bình đẳng ngày càng sâu sắc. Công nghệ đang thay đổi cách chúng ta nhìn nhận thế giới. Và có nhiều gia đình di cư hơn bao giờ hết. Tuổi thơ đã thay đổi, chúng ta cũng cần thay đổi cách tiếp cận", bà Fore viết.

Bức thư đưa ra 8 thách thức ngày càng lớn đối với trẻ em toàn cầu: Xung đột kéo dài; ô nhiễm và khủng hoảng khí hậu; sức khỏe tâm thần đi xuống, di cư ồ ạt và chuyển dịch dân số; tình trạng không quốc tịch; kỹ năng cần thiết cho việc làm trong tương lai; quyền về số liệu và quyền riêng tư trên mạng; thông tin sai lệch trên mạng.

Về vấn đề xung đột, bức thư ghi nhận số lượng các quốc gia có xung đột cao nhất kể từ ngày thông qua Công ước Quyền trẻ em năm 1989 và 1/4 trẻ em đang sống ở các nước bị ảnh hưởng bởi chiến tranh hoặc thiên tai.

Về biến đổi khí hậu, bức thư báo động rằng trẻ em đã và đang phải vật lộn với sự tàn phá khủng khiếp hành tinh và khủng hoảng khí hậu toàn cầu có thể làm giảm đi những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực sống còn và phát triển của trẻ em trong 30 năm qua. Sự gia tăng của thời tiết cực đoan và ô nhiễm không khí, hạn hạn kéo dài và lũ quét chính là một phần của khủng hoảng này và những điều này đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới những trẻ em nghèo nhất, dễ bị tổn thương nhất.

Trẻ em đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa trong cuộc sống - Ảnh 2.

Trẻ em trở thành nạn nhân của xung đột kéo dài.

UNICEF đang hành động để giảm thiểu những tác hại của khủng hoảng khí hậu ở các nước trên toàn thế giới. "Chính phủ và các doanh nghiệp cần phải hợp tác với nhau để giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, xây dựng một nền nông nghiệp, công nghệp và giao thông sạch hơn và đầu tư nhằm nhân rộng các nguồn năng lượng có thể tái tạo", bà Fore viết.

Bức thư cũng bày tỏ sự lo ngại rằng, phần lớn trẻ em sẽ lớn lên và trở thành công dân của một môi trường kỹ thuật số bị chi phối bới các thông tin sai lệch trên mạng. Ví dụ, cái gọi là công nghệ "giả mạo tinh xảo" (deep fake) sử dụng kỹ thuật trí tuệ nhân tạo để làm giả một cách dễ dàng những video và ghi âm rất thuyết phục. Bức thư cũng cảnh báo rằng môi trường mạng, nơi thật giả lẫn lộn có khả năng làm giảm niềm tin vào các tổ chức và các nguồn tin, thực tế cho thấy các thông tin trên mạng đã làm ảnh hưởng tới các cuộc tranh luận dân chủ, tới các quyết định của cử tri và tạo ra sự ngờ vực về chủng tộc, tôn giáo và các nhóm xã hội.

Bức thư cũng cảnh báo, những thông tin sai lệch trên mạng đã làm tăng nguy cơ trẻ bị dụ dỗ, xâm hại và các hình thức bóc lột khác, làm thiên lệch các tranh luận dân chủ; thậm chí đã làm cho các bệnh gây chết người quay trở lại vì xúi giục ngưng sử dụng vắc xin. Kết quả của việc này là có thể tạo ra một thế hệ công dân hoàn toàn không tin vào cái gì. Để vượt qua những thách thức này, UNICEF đã thực hiện thí điểm một chương trình nâng cao nhận thức cho giới truyền thông, ví dụ: Chương trình phóng viên trẻ ở Montenegro với mục đích dạy cho thanh niên về các thông tin sai lệch trên mang, cách kiểm tra nhanh nội dung trên mạng, cũng như vai trò và kỹ năng cần có của nhà báo có trách nhiệm.

"Chúng ta không còn có thể nghỉ ngơi trên sự đảm bảo ngây thơ rằng sự thật có thể chiến thắng sự giả dối trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Vì vậy, chúng ta, cũng như toàn xã hội phải xây dựng khả năng chống chịu đối với các thông tin sai lệch và sự giả mạo diễn ra hàng ngày trên mạng. Chúng ta cần phải bắt đầu trang bị cho lớp trẻ những khả năng nhận biết có thể tin được ai và cái gì trên mạng, để họ có thể trở thành các công dân năng động và tham gia nhiệt tình vào xã hội", bà Fore nhấn mạnh.

Về vấn đề sức khỏe tâm thần, lá thư đưa ra lời cảnh báo là bệnh tâm thần trong vị thành niên đang tăng lên trong những năm sau khi thông qua Công ước, hiện nay trầm cảm là một trong những nguyên nhân chính gây khuyết tật ở người trẻ tuổi. Bức thư thúc giục cần ưu tiên những biện pháp tăng cường, phòng ngừa điều trị và phục hồi phù hợp cho trẻ em và thanh niên bị ảnh hưởng bởi các vấn đề sức khỏe tâm thần và cần dẹp bỏ những kỳ thị và định kiến liên quan đến bệnh tâm thần để có thể tiến hành điều trị và hỗ trợ cần thiết cho những người bị ảnh hưởng.

Cuối cùng, bức thư công nhận rằng trẻ em và thanh niên đã xây dựng được các phong trào trên khắp thế giới để kiếm tìm những giải pháp nhằm vượt qua những thách thức mà họ và những người đồng trang lứa gặp phải, kêu gọi các nhà lãnh đạo hãy làm theo sự hướng dẫn của họ. "Trẻ em và thanh niên của hôm nay đang chủ động yêu cầu cần phải có những hành động khẩn trương. Hãy tạo cho mình khả năng học hỏi và kiến tạo tạo thế giới xung quanh các bạn. Các bạn đã tỏ rõ quan điểm, chúng tôi lắng nghe", bà Fore viết.