Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Trẻ em khởi xướng và thực hiện nhiều mô hình sáng tạo

(Dân sinh) - Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai các một số mô hình do trẻ em khởi xướng và thực hiện. Qua đó, góp phần thực hiện quyền tham gia của trẻ em cũng như việc ứng dụng các ý tưởng sáng tạo của trẻ em vào cuộc sống.

Từ năm 2017 đến năm 2020, tỉnh đã hỗ trợ 4 trường THCS triển khai mô hình do trẻ em khởi xướng và thực hiện tại trường học từ các giải thưởng của Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh.

Trẻ em khởi xướng và thực hiện nhiều mô hình  - Ảnh 1.

THCS Nguyễn Đức Cảnh - thị xã Đông Triều tuyên truyền về phòng tránh tệ nạn ma túy cho học sinh.

Mô hình "Nhận biết và phòng tránh tệ nạn ma túy cho học sinh lớp 9" được triển khai từ đầu năm 2019 tại trường THCS Nguyễn Đức Cảnh - thị xã Đông Triều. Câu lạc bộ đã thành lập Ban điều hành hoạt động; xây dựng trang Blog để tuyên truyền phòng, chống ma túy. Đồng thời, tổ chức điều tra thực trạng nhận thức của 600 học sinh về vấn đề ma túy và cách phòng tránh tại 3 trường THCS trên địa bàn thị xã Đông Triều. Thành lập 3 Câu lạc bộ thuộc 3 trường THCS. CLB cũng đã tổ chức các buổi sinh hoạt, hội thảo, tọa đàm tại trường về trách nhiệm của mọi người đối với vấn đề nhận biết và phòng tránh ma túy. Biên soạn và phát tờ rơi các nội dung tuyên truyền kỹ năng, kiến thức phòng, chống ma túy cho các em học sinh, cha mẹ học sinh.

Đặc biệt, CLB đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như: Tổ chức cho học sinh vẽ tranh tuyên truyền kỹ năng, kiến thức phòng chống ma túy; tổ chức các cuộc thi sáng tác thơ văn về đề tài phòng chống tệ nạn xã hội. Thiết lập đường dây nóng để học sinh, phụ huynh học sinh cung cấp thông tin, tham gia phòng chống ma túy, tố giác tội phạm và thông báo những hiện tượng, những bạn có nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ vào các tệ nạn xã hội. Đồng thời, giúp cho học sinh có thể gửi thông tin, yêu cầu tư vấn, hỗ trợ thêm về kiến thức. Qua mô hình đã nâng cao nhận thức của học sinh nhà trường về vấn nạn ma túy; có kiến thức và có kỹ năng phòng tránh ma túy cho bản thân và bạn bè; tạo dựng được môi trường sống lành mạnh có văn hóa. Các em chính là thành viên tích cực để tuyên truyền tới cộng đồng về các vấn đề liên quan đến ma túy học đường - một trong những mối quan tâm, lo ngại lớn của nhà trường và các bậc phụ huynh học sinh hiện nay.

Tại huyện Ba Chẽ mô hình "Bảo tồn và phát huy tác dụng một số cây thuốc nam quý hiếm trên địa bàn huyện" được triển khai ở trường THCS thị trấn (năm 2017), trường Phổ thông dân tộc nội trú (năm 2018) với nhiều cây thuốc nam quý hiếm được trồng và chăm sóc như: Cây dành dành, cây xó nhà, cây bồ chác, gốc kim ngân, cây bọ mẩy tía,…. do học sinh triển khai. Với sự nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, khu vườn bảo tồn các các em đã được lắp hệ thống tưới tự động và xây dựng hệ thống hàng rào bảo vệ. Nhà trường tổ chức giới thiệu về mô hình với học sinh toàn trường, đồng thời tổ chức giờ ngoại khóa môn Sinh học cho học sinh ngay tại vườn cây thuốc quý. Thông qua mô hình, đã góp phần tích cực vào việc cải tạo cảnh quan môi trường nhà trường cũng như việc bảo tồn và phát huy giá trị của một số loại cây thuốc nam quý hiếm ở địa phương. Đồng thời, giáo dục hướng nghiệp, kỹ năng sống cho học sinh một cách thiết thực và hiệu quả. Mô hình thành nơi học tập, nghiên cứu, trải nghiệm sáng tạo; giáo dục học sinh ý thức lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Cùng với đó, năm 2019, tỉnh đã triển khai mô hình "Nâng cao nhận thức của học sinh trung học cơ sở về vấn nạn ấu dâm" tại trường THCS Phong Cốc, thị xã Quảng Yên. Một trong những hoạt động nổi bật của mô hình là tổ chức Hội thi "Tuyên truyền kiến thức, kĩ năng phòng chống vấn nạn ấu dâm". Hội thi đã tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích với những tiểu phẩm và tình huống rất thực tế giúp các em học sinh có được những kiến thức, kĩ năng phòng chống vấn nạn ấu dâm.

Năm 2019, Ban giám hiệu nhà trường đã thành lập Ban điều hành hoạt động mô hình và xây dựng trang Blog để tuyên truyền phòng, chống nạn ấu dâm. Cùng với đó, biên soạn các nội dung tuyên truyền kỹ năng, kiến thức phòng, chống vấn nạn ấu dâm trên các tờ rơi. Tổ chức cho học sinh vẽ tranh tuyên truyền kỹ năng, kiến thức về ấu dâm. Đặc biệt, để thu hút đông đảo học sinh, mô hình đa dạng các hình tuyên truyền như: Sân khấu hóa, kết hợp tuyên truyền trong các dịp chào cờ, ngoại khóa. Thông qua mô hình đã nâng cao nhận thức của học sinh nhà trường về vấn nạn ấu dâm. Các em có kiến thức, kỹ năng phòng tránh ấu dâm cho bản thân và tuyên truyển tới cộng đồng.

Có thể khẳng định các mô hình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện giúp cho trẻ phát huy quyền tham gia của mình. Đồng thời, giúp cho trẻ em tự tin, trưởng thành hơn, trẻ biết đoàn kết, yêu thương, chia sẻ, trách nhiệm đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Hy vọng trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục nhân rộng nhiều hoạt động do trẻ em khởi xướng để thúc đẩy quyền của trẻ em.