Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Trình độ kỹ năng nghề của người lao động là mục tiêu, động lực trong phát triển kinh tế - xã hội

Đó là phát biểu của Vụ trưởng Vụ kỹ năng nghề - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Chí Trường ở Hội thảo “Phát triển đào tạo kỹ năng nghề” diễn ra sáng 26/6 tại thành phố Huế.

Trình độ kỹ năng nghề của người lao động là mục tiêu, động lực trong phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 1.

Ký kết Quy chế phối hợp nhằm tăng cường sự kết nối giữa các doanh nghiệp và hệ thống cơ quan Nhà nước các cấp trong phát triển đào tạo kỹ năng nghề nghiệp

Theo đó, sáng ngày 26/6/2020, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ban Quản lý Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp tỉnh tổ chức Hội thảo "Phát triển đào tạo kỹ năng nghề".

Hội thảo là diễn đàn trao đổi giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), doanh nghiệp và tổ chức xã hội nghề nghiệp để đưa ra các giải pháp hiệu quả nhất gắn kết doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong công tác xác định ngành, nghề đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp.

Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thừa Thiên - Huế cho biết, năm 2019, chỉ số đào tạo lao động của tỉnh xếp thứ 7/63 tỉnh, thành; tăng 28 bậc. Đây là chỉ số có vị trí xếp hạng cao nhất của tỉnh trong 10 chỉ số thành phần của tỉnh. Trong đó, có đến 8/11 chỉ số con có số điểm cao hơn mức bình quân của cả nước.

Một số Kết quả đánh giá chỉ số đào tạo lao động năm 2019 nổi bật của tỉnh Thừa Thiên - Huế, như: Chất lượng giáo dục phổ thông được đánh giá tốt hơn; Chất lượng giáo dục dạy nghề được cải thiện; 92% doanh nghiệp đánh giá lao động tại tỉnh đáp ứng được nhu cầu sử dụng; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đang làm việc tại doanh nghiệp đạt 60%.

Trình độ kỹ năng nghề của người lao động là mục tiêu, động lực trong phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 3.

Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thừa Thiên - Huế báo cáo kết quả chương trình GDNN của tỉnh

Theo ông Phúc, ba chỉ tiêu thành phần của chỉ số đào tạo lao động cần tập trung phát triển trong năm 2020 là sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ giới thiệu việc làm; sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm và chi phí dành cho đào tạo lao động. Vì vậy, thời gian đến, các Trung tâm dịch vụ việc làm và dạy nghề trên địa bàn tỉnh phải chú trọng nâng cao dịch vụ; đẩy mạnh xã hội hóa việc thành lập các trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm đồng thời tổ chức đối thoại giữa các đơn vị làm công tác giới thiệu việc làm, cung ứng lao động với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân lực và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo của các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là có sự tham dự của đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các chuyên gia và các doanh nghiệp đã cho thấy sự quan tâm cũng như mong muốn đóng góp nhiều ý kiến thực tiễn và đề xuất nhiều giải pháp tích cực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu về phát triển và cải thiện chất lượng chỉ số đào tạo lao động của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian đến, góp phần nâng hạng năng lực cạnh tranh của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020 cao hơn năm trước.

Trình độ kỹ năng nghề của người lao động là mục tiêu, động lực trong phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 4.

Trình độ kỹ năng nghề của người lao động đóng vai trò quan trọng

Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề Nguyễn Chí Trường ghi nhận, trong những năm qua, GDNN Thừa Thiên - Huế đã đạt được nhiều thành tựu, trong đó một số cơ sở GDNN đã có nhiều thành tích trong tuyển sinh, gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề. Có những thí sinh các trường thuộc tỉnh đạt thành tích thi kỹ năng nghề quốc gia, ASEAN và thế giới …

Mặc dù vậy, theo Vụ trưởng, GDNN tại Thừa Thiền - Huế vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, Huế hiện chưa có trung tâm đánh giá kỹ năng nghề.

Trong thời gian tới, Vụ trưởng đề nghị Thừa Thiên - Huế tiếp tục thúc đẩy phát triển kỹ năng nghề theo hướng "chuẩn hóa, chuyên môn hóa, chuyển nghiệp hóa, hiện đại, công bằng, dân chủ, văn minh và hội nhập". Tăng cường thúc đẩy hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề tại địa phương đồng bộ với nhu cầu chuẩn hóa và phát triển kỹ năng nghề. Chỉ đạo, khuyến khích các Doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc "công nhận, tuyển dụng, sự dung, trả tiền lương, tiền công dựa vào kỹ năng nghề hay năng lực hành nghề", đồng thời dự báo nhu cầu việc làm mới và kỹ năng tương lai theo xu thế mới.

Đối với GDNN, Vụ trưởng cho rằng, Thừa Thiên - Huế cần phát triển theo hướng mở, lấy trình độ kỹ năng của người lao động làm mục tiêu, động lực để đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội; Xác định đối tượng học chương trình GDNN bao gồm toàn bộ lực lượng lao động của tỉnh. Coi doanh nghiệp là ngôi trường dạy nghề thứ hai, là một chủ thể chính trong quá trình đào tạo phát triển kỹ năng; Thực hiện hướng nghiệp cho người lao động học tập suốt đời dựa vào kỹ năng, thay vì bằng cấp và theo khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia. Mặt khác, Huế cần chú trọng thực hiện đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cấp kỹ năng, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp theo khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia và thích ứng với nhu cầu của thế giới việc làm trong tỉnh và địa bàn lân cận.

Trình độ kỹ năng nghề của người lao động là mục tiêu, động lực trong phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 5.

Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề Nguyễn Chí Trường phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo cũng đã nhận được nhiều ý kiến, tham luận của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các doanh nghiệp về các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nghề nghiệp,thu hút nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Dự báo dự báo các ngành nghề thu hút nhân lực cao, các giải pháp thúc đẩy người lao động tìm được việc làm thông qua hệ thống trực tuyến. Đề xuất những mô hình liên kết, hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp với các cơ sở GDNN sau thời gian bị ảnh hưởng dịch, bệnh Covid 19,…

Trong khuôn khổ Hội thảo cũng đã diễn ra lễ ký kết Quy chế phối hợp nhằm tăng cường sự kết nối giữa các doanh nghiệp và hệ thống cơ quan Nhà nước các cấp trong phát triển đào tạo kỹ năng nghề nghiệp và ký kết thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2020.