Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Trốn cách ly, không đeo khẩu trang nơi công cộng bị xử phạt thế nào?

Theo Sở Tư pháp TP.HCM, hành vi trốn cách ly để phòng chống dịch COVID-19 có thể bị cưỡng chế thực hiện, bị phạt đến 300.000 đồng, có thể bị xử lý hình sự.

Sở Tư pháp TP.HCM vừa có tờ trình UBND TP về việc cưỡng chế áp dụng biện pháp cách ly y tế, và xử lý đối với hành vi vi phạm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, UBND TP cấm người bị cách ly rời khỏi khu vực cách ly trong thời gian thực hiện quyết định cách ly. Người không chấp hành sẽ bị cưỡng chế cách ly.

Những người từ chối hoặc trốn cách ly y tế, không thực hiện quyết định cưỡng chế cách ly y tế có thể bị phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng - Theo Báo Tuổi trẻ.

Trốn cách ly, không đeo khẩu trang nơi công cộng bị xử phạt thế nào? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trường hợp nào có dấu hiệu tội phạm hình sự thì chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xử lý theo Luật xử lý vi phạm hành chính.

Báo Tiền phong cũng đưa tin, liên qua đến vấn đề cưỡng chế, xử phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng, luật sư Lê Quang Vũ (Giám đốc Cty Luật Công Bình, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, hiện nay, trước diễn biến dịch bệnh COVID-19 đang ngày càng phức tạp và rất khó kiểm soát, Thủ tướng Chính phủ và Bộ y tế cũng đã có những thông báo, khuyến nghị, yêu cầu cá nhân phải đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Đây được xác định là hướng dẫn, yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, cơ quan y tế.

Trong khi đó, khoản 7 Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 đã nêu rõ một trong những hành vi bị nghiêm cấm là: “Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.

Điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định: Hành vi “Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 đến 300 nghìn đồng.

"Như vậy, với các căn cứ này, bất kỳ người dân nào có hành vi không đeo khẩu trang đến nơi công cộng đều bị xử phạt hành chính theo quy định nêu trên của Nghị định 176/2013/NĐ-CP", luật sư Lê Quang Vũ cho biết.

Theo luật sư Lê Quang Vũ, trường hợp người bị dịch bệnh, không đeo khẩu trang mà làm lây lan cho người khác, cho cộng đồng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" theo Điều 240 Bộ luật Hình sự. Mức phạt tù cao nhất từ 10 đến 12 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng.