Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Trung ương xem xét phương hướng nhân sự khóa mới

(Dân sinh) - Trong việc lựa chọn nhân sự lãnh đạo chủ chốt khóa XIII, Tổng bí thư lưu ý người được lựa chọn phải đặt sự nghiệp của Đảng, dân tộc lên trên hết, kiên quyết chống lợi ích nhóm.

Sáng 11/5, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.Hội nghị lần này, Ban chấp hành Trung ương sẽ bàn và quyết định các vấn đề: Phương hướng công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa 13, phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội 13 của Đảng và một số vấn đề quan trọng khác.

Trung ương xem xét phương hướng nhân sự khóa mới - Ảnh 1.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị Trung ương 12, sáng 11/5. Ảnh: VGP

Trình phương hướng công tác nhân sự Trung ương khóa 13

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nêu một số ý kiến, có tính chất gợi mở, vấn đề để Trung ương quan tâm nghiên cứu, thảo luận và xem xét, quyết định.

Về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nêu rõ, chúng ta phải xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội Đảng - thật sự là bộ tham mưu chiến đấu, là hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc. Đây là công việc hệ trọng có quan hệ đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nêu rõ, vừa qua, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm và bài học chuẩn bị nhân sự của các đại hội trước, đặc biệt là Đại hội XII gần đây của Đảng, đồng thời căn cứ vào yêu cầu thực tiễn, Tiểu ban Nhân sự đã chuẩn bị dự thảo Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Sau khi báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị lần đầu, Tiểu ban đã tổ chức lấy ý kiến của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương và các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Hầu hết các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và các Ủy viên Trung ương đều cơ bản nhất trí với dự thảo; cho rằng dự thảo đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, kỹ lưỡng, kế thừa có chọn lọc kinh nghiệm công tác nhân sự của các khóa trước. Tiểu ban Nhân sự đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp và báo cáo Bộ Chính trị lần thứ hai trước khi trình Hội nghị Trung ương hôm nay (11/5)

Báo cáo của Bộ Chính trị trình TƯ đã nêu khá đầy đủ về kết quả tổng kết công tác nhân sự Đại hội 12, về quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu xây dựng TƯ khóa 13 ; tiêu chuẩn ủy viên TƯ; điều kiện, cơ cấu, số lượng, quy trình giới thiệu, lựa chọn và một số vấn đề cần lãnh đạo thực hiện trong quá trình chuẩn bị và triển khai công tác nhân sự Ban chấp hành TƯ.

"Trong công tác chuẩn bị nhân sự, phải chăng cần nhấn mạnh phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự khách quan, công tâm, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, 'lợi ích nhóm', chạy chức, chạy quyền...", Tổng bí thư nói.

Trung ương xem xét phương hướng nhân sự khóa mới - Ảnh 2.

Đại biểu tham dự hội nghị Trung ương 12, sáng 11/5

Lựa chọn, bầu người thật xứng đáng vào Đại hội

Về phương hướng bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, theo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, thời gian qua Bộ Chính trị đã chỉ đạo sát sao và Đảng đoàn Quốc hội đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng Đề án về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội đã hoàn chỉnh Đề án trình Trung ương xem xét, quyết định tại Hội nghị này.

Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp là một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND sắp tới sẽ là lần thứ ba thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa X về đổi mới tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp trong cùng một thời điểm, theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013 và pháp luật về bầu cử hiện hành.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước đề nghị Trung ương thảo luận, xem xét, quyết định các vấn đề nêu trong Đề án và Tờ trình để có cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công việc bầu cử. Trong đó cần chú ý phân tích, bổ sung, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về những vấn đề cốt yếu, có ý nghĩa quyết định thành công của cuộc bầu cử.

Về số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước cho biết, theo quy định của Điều lệ Đảng, Ban Chấp hành Trung ương có nhiệm vụ quyết định việc phân bổ đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc.

Căn cứ để phân bổ đại biểu dự Đại hội Đảng dựa trên 3 tiêu chí: Đầu mối đảng bộ trực thuộc Trung ương, số lượng đảng viên của từng đảng bộ, vị trí quan trọng của một số đảng bộ. Theo kinh nghiệm các khóa trước đây, việc phân bổ đại biểu dự Đại hội toàn quốc của Đảng theo các nguyên tắc và căn cứ nêu trên về cơ bản đều được các cấp ủy, tổ chức đảng đồng tình.

"Điều quan trọng nhất là phải làm sao lựa chọn đúng và bầu được các đồng chí thật sự tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho đảng bộ dự Đại hội Đảng toàn quốc", Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nói.