Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Trước giờ thông qua Bộ Luật lao động (sửa đổi): Đã tiếp thu tất cả các ý kiến của đại biểu Quốc hội

(Dân sinh) - Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 19/11, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, đến thời điểm này, một ngày trước khi Bộ luật lao động (sửa đổi) được bấm nút thông qua, mọi ý kiến của đại biểu Quốc hội đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp thu đầy đủ…

Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: Trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) mới nhất trình Quốc hội thông qua vào ngày mai sẽ giữ nguyên giờ làm việc bình thường là 48h/ tuần và không tăng giờ làm thêm (giữ nguyên thời gian làm thêm tối đa là 300h/ năm như hiện nay). Đây là quyết định để đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa các bên. Nếu không tăng thời gian làm thêm mà giảm giờ làm việc bình thường thì sẽ tác động đến tăng trưởng của nên kinh tế. Chính phủ không trình việc giảm giờ làm việc xuống 44h/ tuần. Khi lấy ý kiến thì nhiều nơi cũng không muốn giảm đi 4h vì đó là cơ hội để người lao động tăng thu nhập. Như Chính phủ nói, nếu như chưa đánh giá tác động mà giảm xuống 44h, một năm sẽ giảm 208h thì nền kinh tế sẽ giảm 0,5% tăng trưởng GDP. 

Vì thế, Quốc hội ra Nghị quyết chung giao cho Chính phủ căn cứ vào điều kiện kinh tế- xã hội khi năng suất lao động tăng lên, khi điều kiện kinh tế phát triển hơn và người lao động có nhu cầu thì sẽ đánh giá tác động để giảm giờ làm việc xuống 44h, thậm chí 40h/ tuần. Còn trong quy định về giờ làm việc bình thường của Dự thảo Bộ luật vẫn giữ lại câu "nhà nước khuyến khích cho chủ sử dụng lao động thương lượng để giảm thời gian làm việc xuống 40h/ tuần"… Đây là cơ chế mở, nếu như công đoàn mạnh, công đoàn thương lượng với chủ sử dụng lao động để giảm giờ làm xuống 4h hay 8h làm việc trong tuần thì thì hoàn toàn có điều kiện để làm được...

Trước giờ thông qua Bộ Luật lao động (sửa đổi): Đã tiếp thu tất cả các ý kiến của đại biểu Quốc hôi - Ảnh 1.

Phó Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội của QH trao đổi với phóng viên bên hành lang sáng 19/11

Thế còn vấn đề tuổi nghỉ hưu, thưa ông?

Tuổi nghỉ hưu vẫn "chốt" như phương án 1 Chính phủ trình, theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.

 Bên cạnh đó, Dự thảo Bộ luật cũng quy định "người lao động làm việc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm và những ngành nghề khác do Chính phủ quy định sẽ giảm tối đa 5 năm trừ trường hợp pháp luật khác quy định". Rõ ràng, có những quy định tuổi nghỉ hưu giảm xuống 50 đối với nam và 45 đối với nữ. Như vậy, một số trường hợp người lao động có thể không chỉ được nghỉ hưu sớm 5 năm mà có thể lên đến 10-12 năm. Bên cạnh đó " tuổi nghỉ hưu của người lao động có thể kéo dài thời gian thêm 5 năm và trừ các trường hợp pháp luật khá quy định", như vậy ví dụ như với ngành giáo dục, y tế người ta quy định đến 72 tuổi thì đâu phải kéo dài tuổi nghỉ hưu muộn hơn sau 5 năm mà từ 7-10 năm.

Chỉ có điều là bây giờ phải đẩy mạnh tuyên truyền vì hầu người lao động cứ nghe và cho rằng tuổi nghỉ hưu của nam là 62, nữ là 60 và cố định là như thế. Hiện nay, đã có 1810 ngành nghề nặng nhọc, độc mà Chính phủ đã ban hành, một số trường hợp không phải nặng nhọc độc hại mà suy giảm khả năng lao động Chính phủ vẫn có quyền cho nghỉ hưu sớm, có ảnh hưởng gì đâu. Vì không hiểu rõ nên người lao động hoảng, bản thân công đoàn cũng không tuyên truyền điều đó, thành ra nhiều người lao động cứ nghĩ là nam 62, nữ 60 và phản ứng. Nhưng có phải vậy đâu, thậm chí sẽ đến lúc mà người lao động muốn làm thêm mà không làm được vì Luật chỉ quy định có thế.

Đến giờ phút này, liệu cơ quan thẩm tra đã tiếp thu đầy đủ tất cả những ý kiến mà các bên đưa ra ?

Tất cả các ý kiến đều đã được tiếp thu hết, chẳng hạn, lúc đầu chúng ta nói phụ nữ mang thai, miền núi vùng núi vùng sâu vùng xa có thể thỏa thuận để đi làm việc ban đêm, nhưng giờ thì cấm luôn, không có thỏa thuận gì hết, tất cả các trường hợp như thế là họ phải được nghỉ. Hay ý kiến của đại biểu phải ưu tiên cho phụ nữ khi hết hợp đồng lao động nhưng đang mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ. Về nguyên tắc, đây là hợp đồng dân sự, hết hợp đồng thì phải dừng. Nhưng trong Dự thảo Bộ luật vẫn đưa vào một điểm tại Điều 137 nói rằng, người lao động nữ mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ mà hết hợp đồng lao động thì doanh nghiệp phải ưu tiên để ký kết hợp đồng mới nếu như doanh nghiệp có việc.

Với đề xuất thêm một ngày nghỉ trong năm, trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) mới nhất cũng đã lựa chọn thêm một ngày nghỉ vào dịp Tết độc lập, như vậy người lao động sẽ được nghỉ hai ngày thay vì một ngày như hiện nay. Chính phủ sẽ lựa chọn một này liền kề, trước hoặc sau ngày 2/9 (có thể nghỉ vào ngày mùng 1 hoặc mùng 3) và công bố như lịch nghỉ Tết dương lịch, âm lịch. Đây cũng là tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội khi cho rằng, cần tăng thêm một ngày nghỉ trong năm. Lựa chọn ngày này là để Tết độc lập sẽ được nghỉ dài hơn, để các gia đình có điều kiện chuẩn bị sách vở cho con cái đi học, học sinh sinh viên cũng có điều kiện để sum họp gia đình trước khi bước vào năm học mới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!