Quay lại Dân trí
Dân Sinh

TS. Nguyễn Trí Hiếu: "Cocobay Đà Nẵng đơn phương hủy cam kết 12% là không hợp pháp"

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng đơn phương hủy cam kết 12% là điều không hợp lý và không hợp pháp, không có sự đồng thuận của khách hàng.

Cocobay Đà Nẵng ít nhất phải có tỉ lệ lấp đầy khoảng 80%

Từng nhiều lần lên tiếng về hình thức Condotel, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng đơn phương hủy cam kết 12% là một điều không hợp lý và không hợp pháp, không có sự đồng thuận của khách hàng.

"Đây là vi phạm hợp đồng giữa người mua và người bán bất động sản trước đây", ông Hiếu nhấn mạnh.

Theo ông Hiếu, chủ đầu tư và khách hàng cần đàm phán để thỏa thuận một tỉ lệ lợi nhuận thấp hơn. Nếu không đi đến được sự thống nhất, thì hai bên có thể tìm kiếm một bên thứ 3 – một trọng tài pháp lý để giải quyết vấn đề và các khách hàng của Cocobay Đà Nẵng có thể sẽ phải chuẩn bị tinh thần cho một cuộc "tranh đấu" với chủ đầu tư về hướng xử lý sự việc trong thời gian dài.

"Nếu cách cuối cùng là Cocobay Đà Nẵng và khách hàng phải ra tòa, thì sẽ có một rắc rối khá lớn, đó là phải xem xét kỹ loại hình Condotel – một hình thức hỗn hợp cả nhà ở và kinh doanh thuộc quy định nào, phân xử ra sao.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Cocobay Đà Nẵng đơn phương hủy cam kết 12% là không hợp pháp - Ảnh 1.

Chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng thừa nhận không thể trả lợi nhuận condotel như cam kết.

Ở đây có lỗi từ hai phía, đó là những khách hàng chỉ chăm chăm nhìn cam kết lợi nhuận, bỏ qua nghiên cứu về việc các nhà kinh doanh sẽ làm gì để tạo ra lợi nhuận chi trả. Trong khi nhà kinh doanh lại không tiên lượng được thị trường, cải thiện dịch vụ để hút khách. Cocobay Đà Nẵng ít nhất phải có tỉ lệ lấp đầy khoảng 80% mới có thể kinh doanh hiệu quả.", ông Hiếu phân tích.

Theo chuyên gia này, một số nhà kinh doanh đang tham vọng đưa được khách du lịch lũ lượt kéo đến nghỉ dưỡng tại Condotel để sinh lời khủng dường như là điều không tưởng.

Khách hàng nào của Cocobay Đà Nẵng chịu thiệt hại nhất?

Theo chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển, hiện nay, xu thế khách hàng mua căn hộ hay biệt thự nghỉ dưỡng tại các vùng biển nổi tiếng như Đà Nẵng, Vũng Tàu… khá nhiều. Đa phần sử dụng căn hộ thứ hai này làm nơi nghỉ ngơi cùng gia đình và kết hợp một phần đầu tư.

Tuy nhiên, ở câu chuyện CTCP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (tập đoàn Empire) vừa bất ngờ công bố không thể trả mức cam kết lợi nhuận 12%/năm cho khách hàng mua loại hình bất động sản condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng đang gây xôn xao, vị chuyên gia chỉ ra rằng, đã có ít nhất hai hệ lụy trực tiếp ảnh hưởng đến khách hàng của Cocobay và loại hình bất động sản nghỉ dưỡng.

"Ở đây, chủ đầu tư muốn thu hút loại hình khách hàng mua bất động sản sinh lời nên đưa ra các mức cam kết lợi nhuận quá cao. Trong khi đó, có những khách hàng lại chỉ tập trung kiếm lợi nhuận cao, thậm chí vay ngân hàng để mua căn hộ, đây sẽ là những người chịu thiệt hại trực tiếp nhất khi Chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng không thể trả mức lợi nhuận như cam kết.

Hai điều này, vô hình chung còn làm xấu đi hình ảnh của loại hình bất động sản nghỉ dưỡng ở những vùng biển đẹp, có nhiều tiện ích và dịch vụ phát triển và đang tạo ra khá nhiều giá trị, năng lực cư trú chất lượng cao, tạo công ăn việc làm cho người lao động", chuyên gia Thế Hiển nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Cocobay Đà Nẵng đơn phương hủy cam kết 12% là không hợp pháp - Ảnh 2.

Từ 1/1/2020, Công ty Thành Đô chấm dứt việc chi trả lợi nhuận như đã cam kết trong hợp đồng khi mua condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng.

Theo ông Hiển, nhìn vào cấu trúc kinh doanh của Cocobay Đà Nẵng thì có thể thấy, họ có thể đã không tập trung vào việc cải thiện chất lượng dịch vụ, chất lượng quản lý vận hành dự án mà dồn sức cho quảng cáo – marketing, cộng thêm mức trả lợi nhuận cho khách hàng quá lớn nên đó có thể là một trong những yếu tố khiến Cocobay "vỡ trận".

Vị chuyên gia cho rằng, một số khách hàng mua bất động sản Condotel tại Cocobay Đà Nẵng như là căn hộ thứ hai để nghỉ dưỡng và kết hợp đầu tư thì có thể sẽ chấp nhận phương án mà chủ đầu tư đề xuất, đó là chuyển đổi từ Condotel thành căn hộ chung cư thông thường và chịu phí chuyển đổi dự kiến là 15% giá trị bất động sản theo hợp đồng mua bán đã ký với chủ đầu tư.

Tuy nhiên, nếu đó là những khách đã vay vốn ngân hàng 70% hoặc thậm chí 90% thì chắc chắn là "đang ngồi trên đống lửa", họ phải kiếm nguồn tiền trả ngân hàng, nếu không sẽ mất căn nhà trong vòng thời gian ngắn.

Cocobay Đà Nẵng được chủ đầu tư là Tập đoàn Empire đầu tư 11.000 tỷ đồng, hứa hẹn sẽ trở thành tổ hợp lưu trú, di lịch, giải trí đẳng cấp tại Việt Nam. Trong hợp đồng mua bán với khách hàng, chủ đầu tư cam kết Cocobay Đà Nẵng mang lại mức lợi nhuận tối thiểu 12%/năm trong 8 năm cho khách hàng mua căn hộ khách sạn condotel.

Tuy nhiên, ngày 23/11/2019, CTCP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire), cho biết do gặp khó khăn, nên từ 1/1/2020, công ty không thể trả lợi nhuận như cam kết trước đó.