Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Từ một giang hồ khét tiếng từ bỏ ma túy trở thành giám đốc doanh nghiệp giúp đỡ hàng trăm người có việc làm

(Dân sinh) - Tìm về huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh hỏi đến xưởng mộc của ông Hùng “Sầu” không ai là không biết, bởi vì ông Hùng từng là một giang hồ khét tiếng nhưng với nghị lực phấn đấu và quyết tâm làm lại cuộc đời ông Hùng “Sầu” đã từ bỏ ma túy trở thành nghệ nhân điêu khắc có tiếng. Hiện ông Hùng là Giám đốc Công ty TNHH Điêu kắc mộc mỹ nghệ Dương Hùng, là nơi cưu mang, dạy nghề cho những phận đời lầm lỗi giúp họ làm lại cuộc đời.

Giang hồ khét tiếng từ bỏ ma túy để làm lại cuộc đời

Người mà chúng tôi nói đến là ông Lê Thừa Dương Hùng (sinh năm 1973, biệt danh là Hùng "Sầu") sinh ra và lớn lên ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Tiếp chuyện và tâm sự với phóng viên báo Dân sinh, ông Hùng kể, từ khi sinh ra cuộc sống của ông đã kém may mắn không được sự yêu thương từ gia đình nên năm lên 9 tuổi ông đã phải rời xa gia đình vào Huế làm đủ nghề để kiếm sống lay lắt qua ngày nhưng vì dòng đời xô đẩy đã đưa ông vào con đường đầy tệ nạn xã hội rồi đến năm 15 tuổi, ông bị đưa vào trường giáo dưỡng.

Sau đó ông tiếp tục sa đà vào các băng nhóm giang hồ, chuyên đi bảo kê, đòi nợ thuê, sớm nghiện ma túy, chìm đắm trong làn khói trắng 6 năm.

Từ một giang hồ khét tiếng từ bỏ ma túy trở thành giám đốc doanh nghiệp giúp đỡ hàng trăm người có việc làm - Ảnh 1.

Ông Lê Thừa Dương Hùng (sinh năm 1973, biệt danh là Hùng "Sầu"), người đã quyết tâm từ bỏ ma túy thành công làm lại cuộc đời.

Trong một lần hút ma túy, người yêu của ông Hùng "Sầu" bị sốc thuốc rồi chết ngay trước mặt ông, tận mắt thấy người yêu chết thảm vì ma túy, những tưởng Hùng "Sầu" sẽ làm lại cuộc đời. Thế nhưng để trốn sự đau đớn, kèm theo những uất hận khi người con gái bỏ mình ra đi, Hùng sầu càng ngang tàn, khát máu, Hùng "Sầu" còn chìm sâu vào những thói ăn chơi vô độ không ai sánh kịp. Từ đó, Hùng "Sầu" được biết đến với cái tên Hùng "Sa đọa".

Cũng bắt đầu từ đây, Hùng "Sa đọa" luôn đối mặt với những cuộc thanh trừ đẫm máu rồi ông Hùng bị bắt đi tù 10 năm. Những ngày đứng sau song sắt, ông mong muốn thay đổi cuộc đời, được tái hòa nhập với cộng đồng nhưng khi ra tù ông đi xin việc làm không ai nhận ông làm thuê vì sợ. Ông tìm đến mẹ thì hay tin mẹ đã đau khổ bán nhà ra đi và mất sớm vì bệnh. Thế là ông Hùng quyết tâm từ bỏ ma túy.

Quyết là làm, ông Hùng đã nhờ bạn khóa cửa phòng, đưa mì tôm, nước uống cho mình. Ông nằm đúng 16 ngày để cắt cơn, đói thì nhai mì, khỏe thì nấu mì ăn. Nhờ sự quyết tâm, và sự giúp đỡ của những người xung quanh ông đã bỏ được ma túy rồi bắt đầu học nghề.

Tư nghề tạc tượng tạc lại những cuộc đời lầm lỡ

Nhờ sự quyết tâm, ông đã bỏ được ma túy và bắt đầu học nghề trong 9 tháng, sau đó đi làm thuê ở cơ sở điêu khắc 3 năm thì ra nghề, mở cơ sở riêng. Từ khi mở cơ sở riêng ông Hùng tu chí làm ăn và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn… nhưng vì giới giang hồ luôn muốn lôi kéo anh quay lại, chúng đã tìm đủ mọi cách phá hoại, ngăn cấm người khác mua hàng.

Không nản lòng, ông Hùng treo bảng dạy nghề miễn phí cho bất kỳ ai muốn học, nhất là những người đã từng phạm tội. Rồi tự mình đi khắp hang cùng ngõ hẻm của Sài Gòn, đến các tỉnh lân cận để giới thiệu sản phẩm. Miễn có người mua, lỗ bao nhiêu anh cũng bán để kiếm từng đồng ít ỏi duy trì xưởng.

Nhiều người vừa mua vừa cười vào mặt anh, không ai tin rằng ông có thể thành công khi làm việc với những kẻ vào tù ra trại, hình xăm đầy mình đáng sợ.

Từ một giang hồ khét tiếng từ bỏ ma túy trở thành giám đốc doanh nghiệp giúp đỡ hàng trăm người có việc làm - Ảnh 2.

Tính đến nay ông Hùng đã truyền nghề cho hơn 400 người.

Kể đến đây ông Hùng trầm tư nói: "Tôi nhận dạy nghề vì không muốn xã hội có thêm nhiều đại ca khác, tôi muốn giúp các thế hệ trẻ biết quay đầu làm lại cuộc đời không bị sa đà vào tệ nạn rồi bị xã hội xa lánh. Sau khi tôi truyền nghề những em nào muốn về quê lập nghiệp tôi đều hỗ trợ hết mình. Hiện nay đã rất nhiều học trò của tôi lập nghiệp thành công có nhà lầu, xe hơi cuộc sống rất giàu có, các em ấy lại tiếp tục giúp đỡ các mãnh đời khác".

Ở xưởng gỗ của anh những đứa nhỏ gọi anh bằng ba, xưởng không phân biệt chủ tớ mà như một đại gia đình. Từ khi mở xưởng đến nay đã hơn 14 năm, hiện uy tín của ông Hùng ngày càng lan rộng, nhất là ở vùng Tây Nam Bộ. Nhiều bức tượng gỗ của ông đã được vinh danh là sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh hoa làng nghề, do Ban chấp hành Trung ương hiệp hội làng nghề Việt Nam trao tặng.

Ngoài việc cưu mang những con người lầm lỡ, ông Hùng còn đi từ thiện, sẵn sàng tài trợ cho những chương trình từ thiện xã hội, người khuyết tật… Vì những việc làm đó, ông đã được Bộ trưởng Bộ Công an khen tặng, động viên trong công cuộc giúp đỡ người lầm lỡ tái hòa nhập.

Tính đến nay, đã có hơn 400 con người lầm lỡ từ khắp các tỉnh thành đến xin ông dạy nghề. Cũng có người gia đình mang con đến nhờ ông dạy nghề và rèn dưỡng.

Hiện tại, ông Hùng có cuộc sống hạnh phúc khi giấc mơ thành hiện thực. Ông càng ấm lòng hơn khi có một người vợ hiểu chồng, một đứa con trai nhỏ hiếu động và lanh lợi.

Trao đổi với phóng viên đại diện UBND xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn cho biết, từ khi về lập nghiệp trên địa bàn xã ông Hùng đã trở thành người công dân tốt, là người công dân làm ăn lương thiện và hòa nhập thân thiện với mọi người xung quanh. Bên cạnh tu chí làm ăn trở thành người có ích cho xã hội ông Hùng còn cưu mang, dạy nghề cho rất nhiều người từng vi phạm pháp luật giúp nhìn nhận lại bản thân và quyết tâm học nghề.