Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tuy ảnh hưởng Covid-19, hầu hết các chỉ tiêu của ngành LĐ-TB&XH 6 tháng đầu năm đạt ở mức khá

(Dân sinh) - Cùng với những tín hiệu tương đối tích cực từ nền kinh tế, dự báo thị trường lao động sẽ sôi động trở lại nếu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt. Qua đánh giá, trừ một số chỉ tiêu trong lĩnh vực lao động - việc làm do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nên đạt thấp so với cùng kỳ, còn lại các chỉ tiêu khác của ngành LĐ-TB&XH 6 tháng đầu năm đạt ở mức khá, có khả năng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch cả năm đã đề ra.

Sáng nay 16/7/2020, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 lĩnh vực lao động người có công và xã hội. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị.

Tại điểm cầu Hà Nội, tham dự Hội nghị có các Thứ trưởng: Lê Tấn Dũng, Lê Văn Thanh, Nguyễn Thị Hà, Lê Quân và đại diện các bộ, ngành cơ quan trung ương… Cùng lãnh đạo UBND các tỉnh, sở LĐ-TB&XH tạo 63 điểm cầu địa phương.

Thị trường lao động quý III sẽ tốt hơn, đạt khoảng 55,4 triệu người - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc Hội nghị

Thị trường lao động Việt Nam phục hồi nhanh chóng

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, từ đầu năm đến nay, cùng với những khó khăn chung của cả nước do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ngành LĐ-TB&XH cũng đứng trước rất nhiều cam go, thách thức.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng, đại dịch tác động lớn đến "đứt gãy" các chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu trên toàn cầu, do đó việc "đứt chuỗi việc làm, dẫn đến tình trạng thất nghiệp, mất việc, tạm ngưng việc gia tăng", Bộ trưởng cho biết.

Do tác động của đại dịch, đã gây nên việc chưa có thời điểm nào tỷ lệ thất nghiệp cao như thời điểm này, khoảng 2,56% (trong khi cuối năm 2019, là 1,98%).

Các doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động gia tăng, nhất là khu vực du lịch, dịch vụ, hàng không, ăn uống… chịu ảnh hưởng lớn. Quy mô lao động từ 55,4 triệu người xuống còn khoảng 52 triệu.

Bộ trưởng nêu rõ, thời gian qua ngừng việc, giãn việc, thậm chí thất nghiệp ở các doanh nghiệp chủ yếu diễn ra ở các DNNVV, và một số khu vực có tính chất tạm thời. Những tác động này, Bộ trưởng dự báo, nếu không giải quyết sớm, thì thời gian tới, việc gọi là thất nghiệp chính thức sẽ diễn ra nhiều ở các khu vực FDI, các tập đoàn lớn.

"Trong bối cảnh đó, cùng với quyết tâm chung của cả hệ thống chính trị, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự đồng lòng, chung sức của cả nước, tình hình Kinh tế Xã hội 6 tháng đầu năm vẫn có những kết quả đáng ghi nhận", ông nhấn mạnh.

Với việc thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch như chống giặc nhưng vừa ưu tiên để ổn định khôi phục, phát triển, theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, Chính phủ đang thực hiện hàng loạt các chương trình, từ kích cầu kinh tế, tới các gói an sinh để hỗ trợ.

Do đó, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, sau thực hiện giãn cách xã hội, thị trường lao động Việt Nam phục hồi trở lại rất nhanh. Dự báo thị trường lao động Việt Nam quý III sẽ tốt hơn, đạt mức khoảng 55,4 triệu người tương đương quý I/2020.

Thị trường lao động quý III sẽ tốt hơn, đạt khoảng 55,4 triệu người - Ảnh 2.

Thứ trưởng Lê Tiến Dũng trình bày Báo cáo 6 tháng đầu năm 2020 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm

Trình bày khái quát tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Lê Tiến Dũng cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, Bộ đã chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch; Kiến nghị nhiều biện pháp về lao động, việc làm để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động.

Đặc biệt, Thứ trưởng cho biết, Bộ đã đề xuất ban hành và tổ chức thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tới tháng 6 Việt Nam có 30,8 triệu lao động bị "ảnh hưởng tiêu cực" bởi Covid-19 và có thể nhiều hơn vào cuối năm, trong đó, số người bị giảm thu nhập chiếm tới 57,3%.

Tuy nhiên cho tới thời điểm này, thị trường lao động Việt Nam phục hồi nhanh chóng, nhiều lĩnh vực cho thấy tín hiệu tốt, các ngành nghề, lĩnh vực bị đứt chuỗi, bị ngừng việc đã trở lại thị trường.

Bên cạnh đó, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch; khi dịch bùng phát mạnh trên thế giới, Bộ đã chỉ đạo tạm dừng tuyển chọn, đào tạo và tổ chức xuất cảnh cho người lao động đến hết tháng 5/2020.

"Mặc dù tình hình kinh tế cũng như lao động - việc làm gặp khó khăn nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc, triển khai mạnh mẽ của các cấp chính quyền và sự đồng thuận từ Nhân dân, vấn đề giải quyết việc làm cũng đã có những tín hiệu khả quan hơn", Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết.

Ước 6 tháng đầu năm cả nước tạo việc làm cho trên 574 nghìn người, đạt 35,7% kế hoạch, bằng 73,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Tiếp tục triển khai các giải pháp đổi mới, phát triển GDNN

Song song, về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tiếp tục triển khai các giải pháp đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Đồng thời, tiếp tục đào tạo thí điểm cho 22 nghề cấp độ quốc tế chuyển giao từ Đức.

Thị trường lao động quý III sẽ tốt hơn, đạt khoảng 55,4 triệu người - Ảnh 3.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc Hội nghị

Đáng chú ý, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. ..

Kết quả tuyển sinh 6 tháng đầu năm ước khoảng 776,2 nghìn người, đạt 34,3% kế hoạch; trong đó: Tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng khoảng 26,2 nghìn người; tuyển sinh trình độ sơ cấp và các hình thức đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 750 nghìn người.

Về phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; hết tháng 6/2020 có 15,17 triệu người tham gia BHXH, giảm 604 nghìn người so với thời điểm hết năm 2019 (trong đó, tham gia BHXH bắt buộc khoảng 14,534 triệu người; tham gia BHXH tự nguyện khoảng 636 nghìn người); 12,773 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, giảm 656 nghìn người so với cuối năm 2019.

Ngoài ra, hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Việt Nam tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp, nhất là thời gian đại dịch Covid- 19 bùng phát mạnh nhất.

Gói hỗ trợ an sinh 62 nghìn tỷ: Kịp thời, minh bạch, đúng đối tượng

Bộ đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ thông qua Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch.

Theo đó, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, chúng ta đã tập trung triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP bảo đảm công khai, minh bạch, thận trọng, hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng, có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn trục lợi chính sách.

Cơ bản, các địa phương đã khẩn trương rà soát, lên danh sách và chi trả trực tiếp đến các nhóm đối tượng thụ hưởng.

Tính đến ngày 13/7/2020, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Việt Nam, đã thực hiện giải ngân 11.593,816 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho 11.539.858 người và 9.425 hộ kinh doanh.

Cùng với đó, theo báo cáo của BHXH Việt Nam tính đến ngày 30/6/2020, có 1.519 đơn vị sử dụng lao động được giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 138.076 người lao động, với tổng kinh phí gần 475,33 tỷ đồng.

Đối với việc hỗ trợ người lao động và hộ kinh doanh, Báo cáo cho thấy, nhìn chung các chính sách hỗ trợ đã bao phủ tới các đối tượng thụ hưởng (chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách tạm hoãn đóng BHXH, chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động, ngừng việc,...), về cơ bản đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích, yêu cầu.

Thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với người có công

Trong bối cảnh khó khăn chung do Covid-19 gây ra, tuy thế, trong 6 tháng qua, chúng ta đảm bảo thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Rà soát, tổng hợp tình hình giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng tại các địa phương; Ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Theo đó, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 315 liệt sĩ, cấp đổi lại trên 6.500 bằng Tổ quốc ghi công. Tiếp tục thực hiện Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, chuẩn hóa thông tin mộ liệt sĩ; hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở.

Song song, tiếp tục triển khai các chương trình, đề án, chính sách trợ giúp xã hội; nhất là chính sách hỗ trợ, chăm lo đời sống người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí trên 17 nghìn tỷ đồng.

Thực hiện đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách hỗ trợ thường xuyên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Theo đó, giảm nghèo dần đi vào thực chất hơn, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm nhanh.

Công bố kết quả giảm nghèo cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2019 giảm xuống còn 3,75%, giảm 1,48% so với cuối năm 2018, riêng các huyện nghèo giảm 5,78% so với cuối năm 2018...

Đánh giá chung, đối với ngành LĐ-TB&XH, trong 6 tháng đầu năm cũng chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch, tuy thế, trong bối cảnh khó khăn chung, toàn Ngành đã tập trung, ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch; 

Đồng thời, có các giải pháp để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là các giải pháp hỗ trợ người lao động, cung ứng lao động cho doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh; thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội.

Trên cơ sở kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ 6 tháng đầu năm; cùng với những tín hiệu tương đối tích cực từ nền kinh tế, dự báo thị trường lao động sẽ sôi động trở lại nếu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt.

Qua đánh giá, trừ một số chỉ tiêu trong lĩnh vực lao động - việc làm do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nên đạt thấp so với cùng kỳ, còn lại các chỉ tiêu khác của Ngành 6 tháng đầu năm đạt ở mức khá, có khả năng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch cả năm đã đề ra.

*Báo Dân Sinh sẽ tiếp tục đưa tin về Hội nghị trong các bản tin sau.