Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước: Không có chuyện PVN, EVN "mắc kẹt"

Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước khẳng định những khó khăn trong triển khai dự án của các tập đoàn, doanh nghiệp như PVN, EVN... là do vướng mắc trong việc xác định tài sản công, tài sản doanh nghiệp, Ủy ban không có thẩm quyền quyết định việc triển khai các dự án này.

Theo Lao động, thời gian vừa qua một số báo chí thông tin về việc các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam, SCIC… khó khăn trong triển khai do Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước.

Trong văn bản mới đây gửi Bộ thông tin và Truyền thông, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, các khó khăn trong việc triển khai thực hiện các dự án của các doanh nghiệp trên đều xảy ra từ trước thời điểm các doanh nghiệp chuyển về Ủy ban.

Những khó khăn này đã và đang tiếp tục đang được Chính phủ, Thường trực Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền, thậm chí một số dự án cần xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí Thư thảo luận, tìm kiếm các giải pháp xử lý.

"Đến nay, do vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, việc xác định tài sản công, tài sản doanh nghiệp, một số dự án nếu chưa được đánh giá đầy đủ, chưa có phương án đầu tư cụ thể, có nguy cơ mất vốn của nhà nước… nên chưa được cấp có thẩm quyền quyết định. Theo quy định của pháp luật Ủy ban không có thẩm quyền quyết định việc triển khai các dự án này" - văn bản nêu rõ.

Lấy ví dụ cụ thể, đối với các dự án đầu tư mới, theo quy định của Luật số 69/2019/QH13, Ủy ban chỉ phê duyệt, có ý kiến việc đầu tư các dự án từ nhóm A trở lên và các dự án có quy mô vốn lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia này là Quốc hội; các dự án lớn khác thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các dự án có sử dụng đất thậm chí thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư các dự án quan trọng quốc gia (bao gồm cả các dự án sử dụng vốn của các doanh nghiệp do ủy ban quản lý); Hội đồng thành viên quyết định đầu tư các dự án do doanh nghiệp quản lý sau khi có ý kiến của ủy ban.

Theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền, để tránh lặp lại việc quyết định đầu tư một số dự án không hiệu quả, gây mất vốn của nhà nước, đối với các dự án khởi công mới có quy mô vốn lớn, Ủy ban phải xem xét kỹ lưỡng về trình tự, thủ tục bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo đảm hiệu quả đầu tư, không để mất vốn, tài sản, tài nguyên của nhà nước. Đây là những nhiệm vụ hết sức khó khăn, va chạm đến quyền lợi, lợi ích của doanh nghiệp.

Liên quan đến quản lý vốn nhà nước, tờ Kinh tế và Đô thị có bài: "Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Cần cuộc cách mạng về tư duy"

Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước: Không có chuyện PVN, EVN "mắc kẹt" - Ảnh 1.

VNR đang phải vay ngân hàng để trả lương công nhân duy tu, bảo trì, tuần đường, gác chắn. Ảnh: Hải Nguyễn

Khối tài sản nằm trong các DN Nhà nước, DN có vốn Nhà nước đang được ước tính lên tới gần 400 tỷ USD. Hiện việc quản lý vốn nhà nước tại các DN rất phân tán và do nhiều đầu mối đảm nhận. Tình trạng các bộ và UBND tỉnh, TP thực hiện đồng thời cả 3 chức năng: Quản lý nhà nước về kinh tế, chủ quản cấp trên đối với DN và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN vẫn còn phổ biến đang là thực trạng hiện nay trong quản lý vốn nhà nước tại DN.

Theo những diễn biến của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), tháng 11/2018, Bộ GTVT đã bàn giao VNR về SCIC. Hiện, VNR không được giao công tác bảo trì, nâng cấp, trong khi vẫn được giao quản lý, vận hành, khai thác hệ thống đường sắt quốc gia. Từ ngày 1/1/2020, các DN công ích thuộc VNR đang thực hiện dịch vụ công ích của ngành (gồm: tuần đường, gác chắn, duy tu, bảo trì, sửa chữa nhỏ …) đang hoạt động mà không có kinh phí, không được ký hợp đồng… VNR đang phải vay ngân hàng để trả lương công nhân của các DN này (trung bình mỗi tháng các DN công ích cần khoảng 200 tỷ đồng cho việc bảo đảm an toàn chạy tàu).

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Tài chính DN Đặng Quyết Tiến, các quy định pháp luật đã có đầy đủ. Ngân sách đã được Bộ GTVT phân bổ, dự toán, giao Cục Đường sắt xử lý. Cục đã mời lãnh đạo VNR tới 4 lần lên Cục để bàn ký hợp đồng giải ngân vốn, song lãnh đạo VNR không lên. Lỗi ở đây là do VNR, không phải của Nhà nước. Thủ tục ký hợp đồng, trình tự ra sao, vướng mắc gì, thì Bộ GTVT cần xem xét để sửa đổi quy chế, quy định cho phù hợp. Trường hợp vượt thẩm quyền, phải sửa nghị định để bảo đảm thông thoáng hơn, thì Bộ GTVT phải trình Thủ tướng tháo gỡ. Tại cuộc họp ngày 24/2, Bộ GTVT cho biết: "Không vướng gì cả nên các bên cần phối hợp với nhau để làm…". Đặc biệt, VNR cũng cần đẩy mạnh tái cơ cấu, chuyển đổi DN theo tinh thần của Luật Đường sắt, Luật Quản lý tài sản công, Luật Ngân sách; tuân thủ quy định chuyển sang đặt hàng đấu thầu dịch vụ công, chứ không phải kéo dài tình trạng làm theo dự toán và giao ngân sách như cũ…