Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Vi phạm đê điều có xu hướng tăng

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt năm 2020 diễn ra ngày 26/6, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Số vụ vi phạm không giảm đi mà còn có xu hướng tăng lên và nghiêm trọng hơn.

Theo ông Hiệp, trong những năm gần đây, bão, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn càng càng khốc liệt hơn. Đặc biệt là 21 tỉnh, thành phố có đê cấp 3 trở lên khá lâu rồi cũng chưa chứng kiến lũ lớn như trước đây.

Vi phạm đê điều có xu hướng tăng - Ảnh 1.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều diễn ra hết sức phức tạp.

Hiện trên cả nước có hơn 9.000km đê từ cấp 3 trở lên, trong đó có 230 trọng điểm đê điều xung yếu, cần đặc biệt chú ý trong mùa lũ, bão. "Đặc biệt, các vi phạm đê điều ngày càng tăng. Tình hình vi phạm pháp luật về đê điều diễn ra hết sức phức tạp, việc ngăn chặn, xử lý còn hạn chế, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm sử dụng trái phép bãi sông để xây nhà ở, nhà xưởng, công trình, xe quá tải trọng được phép đi trên đê làm hư hỏng mặt đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ", Thứ trưởng cho biết.

Trong 10 năm qua, xảy ra hơn 10.000 vụ vi phạm đê điều, vẫn còn tồn đọng 7.400 vụ chưa được xử lý. Hiện nay, số vụ vi phạm không giảm đi mà còn có xu hướng tăng lên và nghiêm trọng hơn. Thứ hai, lâu rồi không có trận lũ lớn, nên một số địa phương chủ quan, dù vẫn tu bổ đê điều nhưng để thử sức chịu đựng của đê điều trước lũ lớn thì chưa có. Do đó đây là một nguy cơ khó lường khi xảy ra lũ lớn.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), qua theo dõi những năm gần đây việc tổ chức và thực hiện công tác tuần tra canh gác đê theo cấp báo động đang bị lơ là, xem nhẹ và thực hiện không đầy đủ. Phương án bảo vệ trọng điểm, phương án hộ đê chưa sát thực tế, tình huống có thể xẩy ra; lực lượng tham gia hộ đê lúng túng.

Vai trò của Chủ tịch UBND cấp huyện rất quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai, không những chỉ trong giai đoạn ứng phó, mà còn trong cả giai đoạn phòng ngừa và khắc phục hậu quả sau thiên tai. Những nhiệm vụ trọng tâm mà Chủ tịch UBND cấp huyện cần tập trung quan tâm, chỉ đạo như: Các hoạt động kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, phân công, phân nhiệm cho các thành viên, tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức của người dân, kiểm tra, giám sát, kiểm soát an toàn các công trình phòng, chống thiên tai và cơ sở hạ tầng đảm bảo an toàn trước thiên tai.

Nhất là đảm bảo an toàn cho 9.078km đê, hàng nghìn kè, cống; trong đó 2.726km đê từ cấp IIIđến cấp đặc biệt với 230 trọng điểm đê điều xung yếu; xử lý 7.402 vụ vi phạm pháp luật về đê điều còn tồn đọng và ngăn chặn tình trạng tái diễn, vi phạm mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019; xây dựng các kịch bản, phương án, tổ chức huy động lực lượng kịp thời ứng phó, nhanh chóng khắc phục hậu quả đảm bảo sớm ổn định đời sống sản xuất và tái thiết sau thiên tai.