Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Việt Nam là một trong những điểm sáng về phòng, chống HIV/AIDS

(Dân sinh) - “Chúng ta bước vào thời kỳ phải nỗ lực ở chặng đường cuối cùng để cùng với cả thế giới chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Chặng đường cuối cùng bao giờ cũng khó hơn, và đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, vì nếu buông lơi thì căn bệnh này, đại dịch này sẽ bùng phát trở lại", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm nhấn mạnh.

Phát biểu tại Lễ mít tinh hưởng ứng "Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS" và "Ngày thế giới phòng, chống AIDS" năm 2019 do Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức ngày 1/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh để phòng, chống HIV/AIDS cần phải nói không với ma túy, mại dâm và có các biện pháp để tất cả mọi người phòng ngừa lây nhiễm. Những người bị lây nhiễm nhất định phải được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Làm được điều đấy, chúng ta cần sự chung tay của tất cả các cấp chính quyền, cần có hệ thống tài chính ổn định, hệ thống phát hiện, điều trị kịp thời, đảm bảo sự riêng tư của người bệnh.

Để đạt được mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, Việt Nam cần có kế hoạch cụ thể và tập trung vào việc phòng và điều trị. Chắc chắn trong năm 2020 Việt Nam phải đạt được 90% số người nhiễm HIV/AIDS được điều trị bằng ARV. Do đó, các ngành chức năng cần tích cực tuyên truyền, vận động và có các biện pháp tiếp cận đảm bảo quyền riêng tư và lợi ích cho người nhiễm HIV.

"Tôi mong rằng bằng hành động, chúng ta sẽ thực hiện tốt cam kết của Chính phủ với các tổ chức liên hợp quốc, chúng ta sẽ là một trong những quốc gia đi đầu trong việc kết thúc đại dịch này" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc phòng chống HIV/AIDS, ông Eamonn Murphy- Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV và AIDS (UNAIDS) khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết giai đoạn 2010-2018 Việt Nam đã đạt được kết quả giảm 65% số ca nhiễm HIV mới, đây là bước tiến lớn nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong việc khống chế sự lây lan của HIV. Năm 2019 cũng đánh dấu 20 năm chương trình điều trị kháng HIV ở Việt Nam, chương trình đã không ngừng mở rộng độ bao phủ trên toàn quốc và liên tục có những bước phát triển vững chắc.

Việt Nam là một trong những điểm sáng về phòng, chống HIV/AIDS - Ảnh 1.

Việt Nam cũng là một điểm sáng trong khu vực với việc nhanh chóng áp dụng các sáng kiến mới nhằm mang đến nhiều lựa chọn hơn trong sử dụng dịch vụ cũng như thúc đẩy việc tiếp cận dễ dàng hơn tới các dịch vụ phòng chống HIV thân thiện với khách hàng. Có thể kể đến các dịch vụ như xét nghiệm không chuyên do cộng đồng thực hiện, tự xét nghiệm, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện gồm Methadone và Buprenorphin. Những dịch vụ này đều đang được nhanh chóng mở rộng độ bao phủ, không chỉ giúp cộng đồng ở Việt Nam khỏe mạnh hơn, sống tốt hơn, mà còn giúp đưa ra những bài học kinh nghiệm quí báu cho các quốc gia khác học hỏi. Việt Nam đã tiến một bước dài hướng tới duy trì bền vững chương trình điều trị HIV thông qua sử dụng nguồn tài chính từ chương trình bảo hiểm y tế quốc gia.

Với việc sửa đổi, bổ sung Luật phòng chống HIV/AIDS và xây dựng Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2030, Việt Nam có cơ hội thúc đẩy và thể chế hóa những cách tiếp cận táo bạo, dựa trên bằng chứng và quyền, huy động được trí tuệ, công sức của cộng đồng và toàn xã hội, để hướng đến mục tiêu lớn lao về kết thúc dịch AIDS.

"Tôi mong rằng những văn bản mang tính chiến lược này của Việt Nam sẽ tiếp tục lấy người dân làm trung tâm, và đảm bảo được nguồn lực đầu tư thích đáng cả về tài chính và con người để có thể lấp hết các khoảng trống đang tồn tại và hiện thực hóa quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam về kết thúc dịch AIDS vào năm 2030", ông Eamonn Murphy nhấn mạnh.

Việt Nam là một trong những điểm sáng về phòng, chống HIV/AIDS - Ảnh 2.

Theo báo cáo Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV và AIDS (UNAIDS), mỗi ngày qua đi, thế giới có khoảng 5.000 người nhiễm mới HIV; mỗi năm thế giới có khoảng 1,7 triệu người nhiễm mới và khoảng 770.000 người tử vong do AIDS.

Riêng ở Việt Nam, mỗi năm có gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện; khoảng 2.000-3.000 người tử vong do AIDS. Năm 2019 là năm thứ 11 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được khống chế, giảm cả 3 tiêu chí về số người nhiễm mới, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong do AIDS.

Việt Nam đã và đang triển khai toàn diện, có hiệu quả các dịch vụ can thiệp dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV. Nhiều mô hình hiệu quả của thế giới đang được áp dụng tại Việt Nam, điển hình là việc áp dụng khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới  điều trị thuốc ARV ngay cho người nhiễm HIV không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4, cấp thuốc ARV 3 tháng một lần cho những người tuân thủ điều trị tốt; tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm; Điều trị dự phòng bằng thuốc ARV trước phơi nhiễm HIV (PrEP); Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và Buprenorphine. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã chi trả điều trị HIV/AIDS bao gồm cả thuốc ARV thông qua Quỹ bảo hiểm y tế để đảm bảo sự tiếp cận cho người nhiễm HIV và tính bền vững của chương trình...

Hiện nay hơn 140.000 nghìn người nhiễm HIV đang được điều trị ARV; Gần 5.000 người đang được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV; hơn 54 nghìn người nghiện ma túy đang được điều trị bằng thuốc Methadone; Mỗi năm chúng ta đã xét nghiệm HIV cho khoảng 3 triệu người; hàng chục triệu lượt người được tiếp cận truyền thông, bao cao su, bơm kim tiêm. Việt Nam là nước đứng đầu trong các nước được PEPFAR hỗ trợ đạt được tỷ lệ cao nhất về tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (trên 93%). Cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những điểm sáng về phòng, chống HIV/AIDS, là nước áp dụng được nhiều sáng kiến mới trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS.