Quay lại Dân trí
Dân Sinh

VinaCapital hoàn tất thoái vốn khỏi Vietjet Air, lãi gấp đôi sau hơn 2 năm đầu tư

VOF đánh giá đây là một thương vụ thoái vốn thành công tại một công ty hàng đầu trong lĩnh vực tăng trưởng cao. VOF cho biết dù không còn là cổ đông nhưng vẫn rất ưa thích Vietjet Air cũng như ban quản trị công ty và để ngỏ khả năng trở lại đầu tư vào thời điểm hợp lý.

Theo báo cáo của VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), trong tháng 8/2019, quỹ đã hoàn tất thoái vốn khỏi Vietjet Air (VJC). Trước đó trong tháng 7, VJC chiếm tỷ trọng 2,3% trong danh mục VOF, tương ứng giá trị khoảng 21,4 triệu USD.

VOF đã đầu tư khoảng 20 triệu USD vào VJC trong đợt IPO vào tháng 12/2016 và sau đó đã mua thêm lượng cổ phiếu VJC trị giá 18 triệu USD.

Khi thoái vốn VJC, quỹ đã thu về khoảng 80 triệu USD từ tiền bán cổ phiếu và cổ tức nhận về. Tỷ suất IRR (hoàn vốn nội bộ) cho thương vụ đầu tư VJC ở mức 86%.

VinaCapital hoàn tất thoái vốn khỏi Vietjet Air, lãi gấp đôi sau hơn 2 năm đầu tư - Ảnh 1.

Diễn biến cổ phiếu VJC từ khi lên sàn chứng khoán tới nay.

Được biết, VOF do VinaCapital quản lý với tổng danh mục vào thời điểm cuối tháng 8/2019 lên tới xấp xỉ 920 triệu USD. Trong danh mục VOF, Hòa Phát (HPG) hiện là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 11,1%. HDB là cái tên thay thế cho VJC trong top 10 cổ phiếu lớn nhất danh mục VOF vào cuối tháng 8 với tỷ trọng 2,2%.

VinaCapital hoàn tất thoái vốn khỏi Vietjet Air, lãi gấp đôi sau hơn 2 năm đầu tư - Ảnh 2.

HDB thay thế VJC trong top 10 danh mục VOF.

Trong tháng 8, chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm 0,7% (tính theo USD). Thị trường hiện đang giao dịch ở P/E 16.x và có mức chiết khấu 13% so với các quốc gia trong khu vực ASEAN. Giá trị danh mục ròng (NAV) của VOF giảm 1,2% trong tháng. Các cổ phiếu tác động tiêu cực tới danh mục quỹ có thể kể tới như: HPG, CTD, Ricons (OTC: RCI). Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu tăng trưởng tích cực gồm có PNJ, KDH với mức tăng lần lượt 7,1% và 8,4%.

Đánh giá về HPG, VOF cho biết diễn biến kém tích cực của cổ phiếu (giảm 1,5%) do ảnh hưởng của giá quặng sắt. Vào cuối tháng 7, giá quặng sắt lên mức 120 USD/tấn, tăng gần gấp đôi so với mức 70 USD/tấn vào đầu năm. Do HPG phải nhập khẩu quặng sắt lớn nên điều này có thể ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh quý 3.

Kể từ khi tạo đỉnh vào tháng 7, giá quặng sắt đã có dấu hiệu "hạ nhiệt" và giảm 25% còn 90 USD/tấn và điều này có lợi cho HPG. Bên cạnh đó, việc ban lãnh đạo công ty tuyên bố mua thêm cổ phiếu, cùng việc vận hành nhà máy Dung Quất sẽ là yếu tố hỗ trợ cho những biến động ngắn hạn của cổ phiếu.

Với CTD, VOF cho rằng việc cổ phiếu giảm mạnh trong tháng 8 (giảm 16,2%) có thể liên quan đến tin đồn nhóm cổ đông Kusto nâng sở hữu CTD lên 51%, qua đó sẽ ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động của doanh nghiệp.

Tại Đại hội cổ đông vào tháng 4, Kusto đã phủ quyết phương án M&A công ty liên kết Ricons. Do căng thẳng giữa nhóm cổ đông lớn và ban lãnh đạo đã khiến nhiều cổ đông thiểu số bán cổ phiếu bất kể định giá khiến CTD "lao dốc".