Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Vĩnh Phúc: Điểm sáng về giảm nghèo và an sinh xã hội

Năm 2019, tỉnh Vĩnh Phúc đạt và vượt tất cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Trong thành tựu chung của tỉnh có sự đóng góp quan trọng của ngành LĐ-TB&XH, mà điểm sáng là lĩnh vực giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Báo điện tử Dân sinh đã có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc Nguyễn Việt Phương về công tác giảm nghèo của tỉnh.

*Xin ông cho biết những kết quả trong công tác giảm nghèo của tỉnh năm 2019?

- Ông Nguyễn Việt Phương: Năm 2019, toàn tỉnh giảm được 1.835 hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 1,46%, tương đương với tỷ lệ giảm 0,65%; không có hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công. Hỗ trợ 154 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền 8.412 triệu đồng, trong đó hỗ trợ xây mới 127 căn nhà và sửa chữa 27 căn. Công tác vận động ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" nhận được sự quan tâm ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, với số tiền 35.475 triệu đồng (tính đến 31/10/2019).

Vĩnh Phúc: Điểm sáng về giảm nghèo và an sinh xã hội - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Việt Phương – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc

9 tháng đầu năm 2019 đã có 19.541 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận vốn vay từ Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh; giải quyết việc làm cho 2.142 lao động, 269 lượt hộ vay vốn đi xuất khẩu lao động, cải tạo xây dựng 10.608 công trình nước sạch và công trình vệ sinh nông thôn, 36 hộ vay vốn nhà ở xã hội, 849 lượt hộ vay vốn hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, 13 hộ vay vốn làm nhà ở…góp phần tích cực vào công tác an sinh xã hội của tỉnh.

Công tác xã hội hóa chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau nhận được sự hưởng ứng của nhiều tầng lớp trong cộng đồng như: Công ty cổ phần tiến bộ Quốc tế (AIC) tài trợ với 200 suất học bổng dành cho con em hộ gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và 1.000 lượt khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên toàn tỉnh; 2.058 suất quà tết Nguyên đán 2019 dành tặng cho hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Vĩnh Phúc: Điểm sáng về giảm nghèo và an sinh xã hội - Ảnh 2.

Một góc thị trấn Tam Đảo - Vĩnh Phúc

*Ông có thể chia sẻ những tồn tại và hạn chế trong công tác giảm nghèo nhìn từ thực tiễn tại địa phương?

- Chúng tôi nhìn nhận thẳng thắn trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo, một số địa phương xác định được những nguyên nhân nghèo chính, nhưng trong giải pháp để giải quyết giảm nghèo theo nguyên nhân còn chưa cụ thể, rõ ràng; Kế hoạch lồng ghép các chương trình, dự án giảm nghèo còn chưa đồng bộ, quá trình triển khai mang tính độc lập. Mặc dù chính sách của tỉnh có nhiều ưu đãi, nhưng đa số lao động, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo không có nghề, chủ yếu vẫn là lao động phổ thông. Do vậy số lao động này công việc thường không ổn định. Bản thân lao động trong hộ nghèo chưa tập trung học nghề, chỉ muốn đi làm, kiếm tiền ngay. Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo tại cấp cơ sở phải kiêm nhiệm nhiều việc, bất cập ở đây là cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn thì thiếu kỹ năng chuyên môn, cán bộ có kỹ năng chuyên môn thì lại thiếu kinh nghiệm thực tiễn.

Vĩnh Phúc: Điểm sáng về giảm nghèo và an sinh xã hội - Ảnh 3.

Nuôi ong lấy mật giúp giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số

Về đối tượng được thụ hưởng chính sách, hiện nay chỉ áp dụng đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, trong khi đó các hộ sinh sống xen kẽ cùng địa bàn có đời sống khó khăn lại không được hưởng chính sách, điều này là chưa phù hợp, chính sách nên áp dụng theo vùng, cả các đối tượng sinh sống ở miền núi. 

*Xin ông cho biết mục tiêu và giải pháp công tác giảm nghèo mà cả hệ thống chính trị của tỉnh sẽ vào cuộc thực hiện trong năm 2020?

- Vĩnh Phúc đặt mục tiêu năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%; tỷ lệ hộ cận nghèo còn dưới 2%. Về giải pháp, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo, người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là dịch vụ cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế gia đình, ưu tiên người nghèo ở các xã vùng khó khăn, thôn khó khăn, ưu tiên phụ nữ nghèo phát triển kinh tế. Triển khai thực hiện hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội đối với hộ cận nghèo.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết mới của HĐND tỉnh, trong đó ưu tiên đẩy mạnh hỗ trợ người nghèo học nghề và giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Tổ chức thực hiện lồng ghép có hiệu quả các dự án, chính sách, nội dung hoạt động của chương trình giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh, chương trình xây dựng nông thôn mới…

Vĩnh Phúc: Điểm sáng về giảm nghèo và an sinh xã hội - Ảnh 4.

Vĩnh Phúc ưu tiên hỗ trợ người nghèo học nghề và giải quyết việc làm

*Từ kinh nghiệm của Vĩnh Phúc, tỉnh có đề xuất, kiến nghị gì với Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ về các chính sách giảm nghèo?

- Đề nghị Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ nâng mức hỗ trợ vay vốn sản xuất đối với hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số nghèo vùng đặc biệt khó khăn và hỗ trợ lãi xuất vay vốn của hộ gia đình cận nghèo như mức hỗ trợ lãi xuất vay vốn đối với hộ gia đình nghèo. Vì thực tế tuy là hộ cận nghèo nhưng điều kiện sống, điều kiện kinh tế của các hộ này rất gần với hộ nghèo và để hạn chế tái nghèo.

*Xin cảm ơn ông!