Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Vụ tự ý đưa quà từ thiện ra khỏi trung tâm nuôi dưỡng trẻ em: Xử lý nghiêm, không bao che, dung túng

(Dân sinh) - “Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm nhân viên vi phạm, không bao che, dung túng cho hành vi sai trái, đồng thời chấn chỉnh ngay công tác quản lý, không để tái diễn sự việc tương tự” - ông Đỗ Đức Hồng, Giám đốcTrung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội cho biết.

Liên quan đến việc một số nhân viên chuyển quà từ thiện ra khỏi đơn vị qua tường rào, trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Đức Hồng, Giám đốc Trung tâm Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội cho biết, ngày 18/9 vừa qua, Ban giám đốc đã nhận được phản ánh của báo chí về việc nhân viên của Trung tâm tự ý vận chuyển quà từ thiện ra khỏi cơ quan vào ngày 8/9/2019.

Sau buổi làm việc, căn cứ vào tài liệu các phóng viên cung cấp, ngay lập tức ban giám đốc đã báo cáo lên Sở LĐ-TB&XH TP. Hà Nội, đồng thời Ban lãnh đạo Trung tâm đã tổ chức cuộc họp, triệu tập các cán bộ công nhân viên trực tiếp liên quan đến sự việc.

Tự ý đưa quà từ thiện ra khỏi trung tâm: Xử lý nghiêm, không bao che, dung túng - Ảnh 1.

Các nhà hảo tâm trao quà cho các em nhỏ khuyết tật, không nơi nương tựa tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội

Theo đó, có 2 nhân viên tự ý đem quà ra khỏi đơn vị, gồm: 6 dây sữa hút, 4 bịch bim bim, 12 chiếc bánh trung thu, 2 hộp bánh kẹo. Căn cứ vào Bản tường trình, Bản kiểm điểm cá nhân và Biên bản họp phòng Phục hồi chức năng và phòng Tổ chức Hành chính, chúng tôi nhận thấy việc làm của các cá nhân là vi phạm vào nội quy, quy định của đơn vị và của ngành.

Căn cứ vào sự việc trên, ngày 23/9/2019 Hội đồng kỷ luật của đơn vị đã họp và ra hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với 2 cá nhân trực tiếp vi phạm. Đối với trường hợp cán bộ bảo vệ do thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng cán bộ vi phạm nội quy, quy định đơn vị trong ca trực, chúng tôi cũng đã xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

"Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm vi phạm của cán bộ, nhân viên, không bao che, dung túng. Sự việc xảy ra ngoài giờ hành chính, vào buổi chiều tối phía cổng phụ ít người qua lại, do đó bảo vệ trung tâm đã không phát hiện được. Tuy nhiên đây cũng là thiếu sót của chúng tôi, do đó qua đây, Trung tâm xin nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời chấn chỉnh trong công tác tiếp nhận và sử dụng quà tặng từ thiện. Đồng thời thông báo đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị thực hiện nghiêm túc quy định của ngành và đơn vị, không để tái diễn sự việc tương tự" – ông Đỗ Đức Hồng cho biết.

Trao đổi với phóng viên về sự việc này, ông Hoàng Thành Thái-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, về phía Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội đã rất chủ động, kịp thời báo cáo vụ việc với lãnh đạo Sở để chấn chỉnh những cán bộ, nhân viên vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan. "Đây là sự việc đáng tiếc không mong muốn, do đó chúng tôi rất mong nhận được những tấm lòng, tình cảm, sự sẻ chia của các tổ chức, cá nhân, các cấp các ngành để giúp đỡ thêm những mảnh đời bất hạnh"-ông Thái chia sẻ..

Vụ tự ý đưa quà từ thiện ra khỏi trung tâm nuôi dưỡng trẻ em: Xử lý nghiêm, không bao che, dung túng - Ảnh 2.

Hình ảnh các đoàn từ thiện đền Trung tâm tặng quà cho đối tượng

Theo báo cáo, ngày 8/9/2019 Trung tâm đã tiếp nhận 3 đoàn khách gồm: Bà Mạc Thị Vương – Hà Nội từ thiện cho Trung tâm: 218 chiếc bánh trung thu (cấp phát trực tiếp cho đối tượng và các cháu của Trung tâm); Câu lạc bộ Thiện nguyện Hương Sen, trao quà từ thiện 334 hộp sữa hút, 334 chiếc bánh tẻ, 263 hộp bánh bông lan (cấp phát trực tiếp cho đối tượng và các cháu của Trung tâm) và Hội thiện Nguyện Thu Hiền tâm linh từ thiện cho Trung tâm: 257 chiếc bánh nướng, 334 hộp sữa hút, 334 gói bim bim (cấp phát trực tiếp cho đối tượng và các cháu của Trung tâm).

Ông Đỗ Đức Hồng cho biết, về quy định nhận quà tặng, đơn vị nhận quà tặng công khai, quản lý và sử dụng theo đúng quy định, khi tiếp nhận quà tặng phải lập biên bản để đưa vào sổ sách theo dõi, và phải ký xác nhận, sử dụng đúng mục đích của tổ chức, cá nhân tài trợ, báo cáo lên Sở LĐ-TB&XH. Việc này được trung tâm thực hiện rất nghiêm túc trong nhiều năm nay.

Chia sẻ với chúng tôi, một lãnh đạo trung tâm bảo trợ cho biết, chủ yếu vào các dịp lễ tết, có nhiều doanh nghiệp, cá nhân đến làm từ thiện, phát quà và các vật phẩm, tuy nhiên một số hàng từ thiện thời gian sử dụng ngắn nên đối tượng tại trung tâm không thể sử dụng kịp, hết hạn sử dụng ghi trên nhãn mác. "Có đoàn đến làm từ thiện họ tặng thực phẩm rất nhiều, chúng tôi phát cho đối tượng để sử dụng nhưng không dùng hết như bánh, sữa...nếu để lâu sẽ hết hạn sử dụng, khi hết hạn sử dụng thì chúng tôi loay hoay không biết xử lý thế nào, bỏ đi cũng không được, phát cho đối tượng thì cũng không xong:- vị cán bộ này phân trần.

Vụ tự ý đưa quà từ thiện ra khỏi trung tâm nuôi dưỡng trẻ em: Xử lý nghiêm, không bao che, dung túng - Ảnh 4.

Hình ảnh các đoàn từ thiện đền Trung tâm tặng quà cho đối tượng

Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội trực thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, được thành lập từ năm 1966, đóng trên địa bàn xã Thụy An - huyện Ba Vì - Thành phố Hà Nội, có chức năng nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người già cô đơn, người tàn tật, trẻ em tàn tật và trẻ bị bỏ rơi trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Từ năm 2015 – 2019 Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội chăm sóc nuôi dưỡng bình quân 330 đến 354 đối tượng bảo trợ xã hội.

Trung tâm hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 330 đối tượng bảo trợ xã hội. Trong đó: người già và người khuyết tật là 163 người trong đó, có 30 người không tự phục vụ được; 167 trẻ em, trong đó có 90 trẻ bị bại não, down.

Trong nhiều năm qua, đơn vị luôn thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho các đối tượng. Người già, người tàn tật, hàng ngày được tập luyện phục hồi chức năng, đọc sách báo từ 1 đến 2 giờ và tham gia lao động lý liệu, tăng gia sản xuất. Công tác y tế luôn được đơn vị quan tâm, với đội ngũ 10 y sĩ, y tá điều dưỡng, hàng ngày khám và điều trị cho người già, người tàn tật và trẻ em tàn tật. Những trường hợp bệnh nặng vượt quá khả năng của đơn vị đều được chuyển lên tuyến trên kịp thời. Phòng ở của đối tượng cấp đầy đủ các thiết bị cần thiết để đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông.

Đối với trẻ tàn tật, ngoài công tác phục hồi chức năng, đơn vị thường xuyên duy trì lớp học linh hoạt cho các cháu trẻ tàn tật, các cháu được học nhạc, học hoạ, học giao tiếp và các trò chơi dân gian. Trẻ đến tuổi đi học được học hòa nhập cộng đồng tại trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn. Kết quả học tập của các cháu đều đạt từ trung bình và khá trở lên. Có thể khẳng định rằng, Trung tâm luôn là nơi sưởi ấm tình người để các cháu phấn đấu học tập, rèn luyện vượt lên bệnh tật, hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng tích cực tăng gia sản xuất như trồng thêm rau xanh, nuôi lợn, thả cả... để bổ sung vào bữa ăn cho đối tượng. Nhờ vậy, chất lượng bữa ăn hàng ngày của đối tượng ngày càng được cải thiện.

Ngoài nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước cấp, vào các ngày lễ, tết đơn vị nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân đến thăm và tặng quà.

Đối tượng nuôi dưỡng của đơn vị là những đối tượng xã hội diện đặc biệt, nhiều bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo, hầu hết đối tượng là già yếu, trẻ em bại não và trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, nên đòi hỏi công tác phục vụ rất nặng nề, với thời gian liên tục 24/24giờ.

Trong quá trình quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khoẻ, số lượng đối tượng hàng năm tăng lên.