Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Xây dựng thành phố Huế "không tiếng còi xe"

Những năm gần đây, TP. Huế đang từng bước khẳng định đô thị văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Trong đó, việc đầu tư phát triển các tuyến đạp xe với nhiều mục tiêu khác nhau đã có được nhiều tác động tích cực, đóng vai trò là công cụ thúc đẩy gia tăng chất lượng sức khỏe cộng đồng, môi trường và hoạt động kinh tế trong tương lai.

Huế xây dựng thành phố xanh từ giao thông xanh - Ảnh 1.

Huế muốn trở thành thành phố của xe đạp.

Ngày 10/6, tại TP. Huế đã diễn ra hội thảo "Huế, thành phố xe đạp - bản sắc cộng đồng và hình ảnh thành phố đạp xe thân thiện với môi trường". Hội thảo nhằm chia sẻ những kinh nghiệm trong nước và trên thế giới về định hướng phát triển xây dựng thành phố Huế trở thành "Thành phố xe đạp" (Cycling City).

Đặc biệt, trong bối cảnh Thừa Thiên - Huế đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ về việc xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh đã thể hiện rõ nét con đường, định hướng phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế thời gian tới.

"Để xây dựng thành phố thông minh không phải bắt đầu từ những trang thiết bị hay công nghệ, mà trước hết là thông minh trong cách thức chúng ta lựa chọn đường lối, phong cách sống của mình. Và lựa chọn nào đó tôn trọng tự nhiên nhất, ít tác động đến tự nhiên nhất thì chúng tôi cho rằng đó là lựa chọn thông minh. Vì vậy, việc đi xe đạp là hướng đến mục tiêu như vậy", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thiên Định chia sẻ.

Theo ông Định, xe đạp sẽ làm thay đổi cách thức con người tương tác với nhau, xã hội, tự nhiên và chính với bản thân. Mối quan hệ con người chúng ta trong xã hội sẽ gần gũi hơn so với việc sử dụng xe máy, ô tô như hiện nay.

Ông Fred Yound, Giám đốc điều hành Công ty Alta Go Planning Company khu vực Đông Nam Á nhận định, Huế là một trong những thành phố có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đi xe đạp trong người dân cũng như khách du lịch. Nhất là người đi xe đạp có thể trải nghiệm được văn hóa Huế, các địa điểm di tích chỉ với khoảng cách 9km từ trung tâm thành phố Huế đến các khu du lịch ngoại vi thành phố. Với chặng đường như vậy, người dân và du khách còn có thể giúp gia tăng sức khỏe và cải thiện chất lượng không khí, giảm tiếng ồn và thân thiện với môi trường.

Bà Bùi Thu Hiền, Đồng sáng lập Trung tâm Kết nối Thông minh (SICC) cho hay, việc hình thành các chương trình, sự kiện đạp xe sẽ giúp tăng cường số lượng người thường xuyên đạp xe và người ít đạp xe; giảm tắc nghẽn giao thông và cải thiện chất lượng không khí, môi trường cũng như tăng cường sức khỏe, thể lực cho người dân. Đồng thời thông qua các sự kiện đạp xe sẽ giúp phát triển, cũng cố bản sắc văn hóa, phục hồi và đa dạng hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Huế xây dựng thành phố xanh từ giao thông xanh - Ảnh 3.

Huế là một trong những thành phố có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đi xe đạp trong người dân cũng như khách du lịch.

Hiện nay, Huế cũng đã và đang tiến hành chỉnh trang các tuyến phố chính bao gồm cả vỉa hè và kẻ lại vạch trên lề để đảm bảo cho kết nối các tuyến xe đạp nhằm hướng đến phát triển các phong trào, tạo động lực cho người dân tham gia giao thông bằng xe đạp một cách tự nhiên. 

Các tuyến đường kết nối 2 bờ sông Hương cũng đã và đang được triển khai nhằm xây dựng 1 thành phố xanh – sạch – sáng…; đồng thời tiếp tục cuộc vận động thành phố Huế "không tiếng còi xe" và văn hóa nhường đường cho người đi bộ qua đường; phấn đấu là thành phố đầu tiên triển khai hiệu quả vấn đề này, từ đó làm thay đổi, nâng cao văn hóa giao thông trong mỗi người dân.

Huế xây dựng thành phố xanh từ giao thông xanh - Ảnh 4.

Xây dựng Huế "không tiếng còi xe".