Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Xe container kéo sập dầm cầu bộ hành: Do độ thùng xe hay lỗi kỹ thuật thi công cầu?

(Dân sinh) - Liên quan đến vụ xe container kéo sập dầm cầu bộ hành trên đường song hành trên quốc lộ 1, đoạn đối diện Khu Du lịch Suối Tiên. Hiện nay dư luận đang rất quan tâm đến chiều cao của chiếc container cao mấy mét, thùng xe có được độ thêm hay không.

Vụ việc xe container kéo sập dầm cầu bộ hành hiện nay cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra nguyên nhân chính thức. Công an quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh đã vào cuộc điều tra làm rõ theo quy định pháp luật.

Thông tin trên báo Giao thông, thùng container sau khi được cơ quan công an khám nghiệm xong hiện trường đã được trùm bạt đặt cách chân cầu vượt hiện hữu khoảng 10m. Để tiếp tục tìm hiểu và giải đáp dư luận về nguyên nhân vụ tai nạn, chúng tôi đã dùng thước dây (dùng trong xây dựng) để đo chiều cao thùng container này.

Chúng tôi đã tiến hành đo phần đuôi thùng container, kéo thước đo từ chốt khóa thùng đến chốt gù gắn vào rơ-moóc. Kết quả cho thấy chiều dài đo được dao động từ 2,7 - 2,8m. Dĩ nhiên đây là kết quả không thể chính xác hoàn toàn do phần giữa thùng container bị bẹp dúm, biến dạng sau khi thanh dầm nặng hàng chục tấn đè vào.

Tuy vậy, thông số mà PV Báo Giao thông đo đạc khá khớp với thông số mà cơ quan chức năng đã đo. Nguồn tin của Báo Giao thông cho biết, sau khi xảy ra sự cố, cơ quan chức năng đã đo đạc chiều cao của chiếc xe container, theo đó thùng container có chiều cao 2,896m.

Chiếc sơ-mi rơ-moóc biển số 51R-23262, có điểm cao nhất đầu rơ-moóc đo từ mặt đất là 1,67m; điểm cao nhất phía đuôi rơ-móc từ mặt đất lên là 1,37m. Như vậy, tổng chiều cao của sơ-mi rơ-moóc và cả thùng container ở phía đầu rơ móc là 4,566m, còn phía đuôi là 4,256m.

Nguồn tin của Báo Giao thông cũng cho biết, số liệu đo của cơ quan chức năng sau khi xảy ra sự cố, chiều cao từ mặt đường lên đáy dầm điểm cao nhất là 4,45m.

Như vậy đã rõ. Tĩnh không của cầu chỉ cao 4,45m, chiều cao của xe container chở theo rơ-moóc cao 4,566m. Vì vậy, khi xe đi qua cầu đã dẫn đến va chạm khiến dầm cầu bị rơi.

Theo thông tin tư vấn từ một cán bộ đăng kiểm ở TP.HCM, theo tiêu chuẩn quy định một xe sơ-mi rơ-moóc thông thường có chiều từ dưới bánh xe lên khung rơ-moóc tối đa tổng thể là 1,530m.

Đối với thùng container 40 feet theo tiêu chuẩn loại phổ thông có chiều cao 2,6m. Loại này hiện chiếm khoảng 80% thị trường Việt Nam. Có một số loại có thể đạt chiều cao đạt 2,895m, loại này chiếm khoảng 20% thị trường. Cộng cả thùng container và rơ móc theo tiêu chuẩn đạt khoảng 4,126m, xê dịch có thể cao đến 4,3m.

Khi được hỏi về khả năng thùng container có thể độ chế cao thêm hay không, vị cán bộ này cho hay: "Khả năng này rất khó nhưng không ngoại trừ. Cũng có trường hợp chủ hàng hoặc chủ xe chở hàng rời can thiệp kỹ thuật để nâng độ cao của thùng nhưng cũng rất khó xảy ra việc này!?", vị này nói.

Cũng liên quan đến vụ việc xe container kéo sập dầm cầu bộ hành, báo Dân sinh đã phỏng vấn một chuyên gia (giấu tên) có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực giao thông, vị này phân tích:

Thứ nhất: thiết kế mặt đường song hành hướng lên dốc, trong khi tư vấn thiết kế dầm cầu chui dưới đường trên cao Metro kiểu sàn ngang, còn đường không phẳng mà lên dốc, nghĩa là không thay đổi cao độ cầu theo đường dốc. Vì thiết kế dầm cầu đi bộ không cho cao đều song song theo đường mà san ngang cao độ. Lý do này làm mất đi 16cm tĩnh không, vì độ dốc của đường là 1,78 độ (tương đương độ dốc gần 4%).

Về quy trình: Tư vấn thiết kế Thiết kế làm tờ trình trình sở GTVT TPHCM, chủ đầu tư, Sở GTVT TPHCM khi thẩm định có lẽ đã bỏ sót vấn đề này nên thông qua cho nhà thầu thực hiện, nhà thầu triển khai theo đúng thiết kế và biện pháp thi công, đảm bảo ATGT được phê duyệt.

Thứ 2: Đường song hành dưới cầu đi bộ thuộc dự án khác tách rời khỏi hạng mục cầu bộ hành phía trên, do Khu QLĐT số 2 quản lý (nay là ban BQL đầu tư xây dựng công trình giao thông - đô thị TP), nhà thầu thi công do Công ty cổ phần Thăng Long 17 Xây lắp triển khai thi công. Thời điểm hiện tại cao độ mặt đường song hành tại gầm cầu đi bộ cao hơn thiết kế đến 13cm. Như vậy mặt đường bị đôn cao thêm 13cm, còn tĩnh không cầu lùn đi 16cm. Do vậy tĩnh không thực tế đã mất đi 29cm (13cm +16cm) và còn lại là 4,55m. Trách nhiệm này cần được xem xét trước tiên ở chủ đầu tư, và đơn vị kiểm tra cuối cùng khâu thiết kế.

Thứ ba: Cơ quan đăng kiểm xác nhận xe container có thiết kế chiều cao tối đa chỉ 4,3m nếu đối chiếu với tĩnh không cầu thực tế là 4,55m thì cũng không xảy ra tai nạn nói trên. Tuy nhiên xe container gây ra sự cố, đo đạc tại hiện trường có chiều cao 4,59m, nghĩa là cao hơn thiết kế cho phép 29cm. Cao hơn tĩnh không hiện tại của cầu 35cm, nguyên nhân gây ra vụ tai nạn va đâm rơi dầm cầu.

Về trách nhiệm thật sự cơ quan chức năng sẽ xem xét, riêng về giải pháp thì chuyên gia nhận định không phức tạp lắm: về mặt đường cho cào bóc trả lại cao độ 13cm bị tôn cao so với thiết kế, còn với dầm cũ bị rơi sẽ không sử dụng lại vì khả năng chịu lực giảm sút, nâng kê gối cầu cao thêm độ cao thì cotainer đi dưới vẫn còn thoải mái.

Với hạng mục cầu vượt bộ hàng nói trên là dạng hợp đồng điểu chỉnh giá, thời gian kéo dài là điểm bất lợi cho đơn vị thi công, vấn đề bảo hiểm công trình với bên thứ 3 sẽ như thế nào cần được mổ xẻ thêm để làm rõ trách nhiệm thuộc về ai.