Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Xem xét kỷ luật vợ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang

Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang đang hoàn tất kết luận về bà Nguyễn Thị Nga, chuyên viên Sở Tài chính, vợ ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch tỉnh.

Xem xét kỷ luật vợ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang  - Ảnh 1.

Phiên tòa xét xử gian lận thi cử THPT Quốc gia tại Hà Giang.

Theo Baogiaothong.vn, ngày 22/10, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang cho biết, đơn vị này đang hoàn tất kết luận rà soát, kiểm tra cán bộ, đảng viên lần 2 liên quan vụ gian lận điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Trong số những cán bộ trong diện xem xét đợt 2 có bà Nguyễn Thị Nga, chuyên viên Sở Tài chính, là vợ ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch tỉnh Hà Giang.

Trước đó, trong phiên tòa ngày 18/10, Hội đồng xét xử công bố hàng loạt tin nhắn của bà Nga nhờ bị cáo Triệu Thị Chính, cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT giúp đỡ cháu bà, là thí sinh tham dự kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018. Trong các tin nhắn nhờ bị cáo Chính, bà Nga có gửi tên, số báo danh, tổ hợp môn thi.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính, cựu Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đặt nghi vấn vì sao bị cáo Chính chỉ nhờ xem điểm cho người thân quen, cấp trên mà bị khởi tố. Trong khi đó, hàng loạt cán bộ thuộc tỉnh như: ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh, bà Chúng Thị Chiên, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; bà Nguyễn Thị Nga (cán bộ Sở Tài chính và là vợ ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang)... không bị kỷ luật.

Xem xét kỷ luật vợ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang  - Ảnh 2.

Bị cáo Triệu Thị Chính được vợ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhờ giúp đỡ cho cháu họ. Ảnh: Việt Hùng..

"Liệu việc điều tra của Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh, các cơ quan tố tụng tỉnh Hà Giang có bỏ lọt tội phạm", đại diện luật sư nêu quan điểm trước tòa.

Tại tòa, đại diện Viện kiểm sát đối tụng với luật sư bào chữa và bị cáo Triệu Thị Chính. Qua đó, viện dẫn hàng loạt tin nhắn của bị cáo Chính với hàng lọat cán bộ, đảng viên trao đổi về nội dung nhờ nâng điểm, giúp đỡ cho thí sinh.

Viện kiểm sát  đọc công khai nội dung bà Nga trao đổi với bị cáo Chính. Cụ thể, bà Nga nhắn: "Bạn à, mình là Nga bên Sở Tài chính. Mình có đứa cháu thi trong kỳ thi này, bạn xem giúp mình nhé". Kế tiếp bà Nga gửi tên, số báo danh, phòng thi, môn thi, số chứng minh thư nhân dân thí sinh. Cùng ngày, bà Nga nhắn tiếp "bạn thông cảm nhé mình biết bạn đang chấm thi căng thẳng nên không dám gọi điện, chỉ dám nhắn tin. Cảm ơn bạn nhiều".

Bị cáo Chính trả lời: "Hôm nay em mới đọc tin nhắn. Hôm nay vẫn phải làm thi, tối còn ăn cơm với tổ công tác Bộ... Em sẽ cố gắng xem xét môn tự luận. Khó khăn lắm chị ạ, thương các cháu Hà Giang mình nhưng quy chế chặt chẽ lại chấm bằng máy nữa nên không thể làm gì được có gì chị thông cảm cho em nhé".

Sáng 1/7/2018, bà Nga tiếp tục nhắn, "Chị cảm ơn nhé, em cứ xem xét giúp được đến đâu thì giúp, chị biết mà" thì bà Chính trả lời: "Dạ, vâng ạ. Em sẽ cố gắng trong khả năng".

Viện kiểm sát khẳng định những tin nhắn này được cung cấp bởi Tập đoàn bưu chính viễn thông và đã được Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an giám định, thể hiện rõ là "nhờ nâng điểm chứ không phải xem điểm".

Cũng liên quan đến vụ việc trên, thông tin từ Zing.vn cho hay, theo tiến sĩ - luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn luật sư Hà Nội), cơ quan tố tụng đã bỏ lọt tội phạm, vi phạm nguyên tắc công bằng khi cùng một hành vi nhờ nâng điểm nhưng có người trở thành bị cáo, có người chỉ bị xử lý về mặt Đảng hay thậm chí không bị xử lý.

Ông Thiệp cho rằng trong vụ án xảy ra ở Hà Giang, người thân nhờ các bị cáo can thiệp bài thi để sửa, nâng điểm dù là một hay nhiều thí sinh, đều đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.

"Nếu đã khởi tố người này thì phải xem xét khởi tố người có cùng hành vi để xử lý nghiêm", luật sư nói và nhấn mạnh cơ quan tố tụng cần khởi tố thêm tội danh liên quan đến đưa, nhận hối lộ nếu xác định được dấu hiệu của vụ lợi.