Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Xử lý nghiêm trường hợp không khai báo y tế, không cách ly nghiêm túc

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tiếp tục siết toàn bộ hệ thống chống dịch các ngành y tế, quân đội, công an; đồng thời lưu ý việc rà soát, bảo vệ đối tượng người già, người có bệnh nền.

Xử lý nghiêm trường hợp không khai báo y tế, không cách ly nghiêm túc - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN).

"Yêu cầu lên án và xử lý nghiêm những trường hợp không khai báo y tế, không cách ly nghiêm túc. Mỗi một người dân phải có trách nhiệm vì cộng đồng. Các cấp chính quyền có trách nhiệm, tuyệt đối không được chủ quan".

Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp của Ban chỉ đạo vào trưa 2/8, tại Văn phòng Chính phủ.

Đề xuất phân loại các địa phương theo 3 mức độ

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 9 giờ ngày 2/8, Việt Nam ghi nhận 590 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 323 trường hợp xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam, 5 trường hợp tử vong (bệnh nhân 428; 437; 499; 524; 475 - các bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền nặng). Tổng cộng có 373 bệnh nhân đã được chữa khỏi.

Phân tích diễn biến tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định đây là ổ dịch phức tạp nên công tác đối phó căng thẳng, khó khăn hơn; dự báo kéo dài hơn so với các ổ dịch trước đó. Qua phân tích yếu tố dịch tễ, sinh học phân tử và các yếu tố liên quan, mức độ bùng phát ổ dịch Đà Nẵng nhanh hơn.

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long giải thích chủng mới của virus SARS-CoV-2 xâm nhập từ nước ngoài vào làm tăng khả năng cảm nhiễm, bám dính, lây lan nhanh. Hệ số lây nhiễm cơ bản vào khoảng 6-10 (trước đây khoảng 1,8-2,2; trong khi muốn kiểm soát dịch bệnh phải đạt hệ số dưới 1). Do đó, tỷ lệ F2 bị mắc COVID-19 tăng lên, điển hình tại Quảng Nam, các ca F2 hiện chiếm khoảng 60% tổng số ca nhiễm bệnh.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, tính từ ngày 1/7-29/7, lượng người trở về từ Đà Nẵng hoặc đi đến cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước khoảng 1,4 triệu người. Tâm dịch lớn nhất của ổ dịch Đà Nẵng là cụm 3 bệnh viện tại Đà Nẵng với khoảng 800.000 người đến khám và qua lại, trong đó có 46.000 người đến khám chữa bệnh.

"Thời gian tới, chắc chắn sẽ phát hiện thêm các ca nhiễm mới ở một số địa phương khác trên địa bàn Đà Nẵng cũng như trên cả nước," Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ.

Xử lý nghiêm trường hợp không khai báo y tế, không cách ly nghiêm túc - Ảnh 2.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN).

Trên tinh thần tập trung cao độ, tối đa nhằm kiểm soát, dập ổ dịch tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã tập trung tối đa các giải pháp như: bổ sung lực lượng tinh nhuệ điều trị; tổ chức hội nghị trực tuyến tăng cường công tác giám sát phòng, chống dịch với 63 tỉnh, thành phố; ban hành các thông báo khẩn; ban hành hướng dẫn đánh giá Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng, chống dịch...

Do tình hình ca nhiễm F1 ngày càng tăng, Cục trưởng Cục Quân Y, Bộ Quốc Phòng Nguyễn Xuân Kiên đề xuất khi hết chỗ cách ly tập trung, cho phép các ca F1 cách ly và lấy mẫu xét nghiệm sớm tại nhà; đồng thời, phong tỏa những địa điểm có đông ca F1.

Bên cạnh việc đề xuất thành lập bệnh viện dã chiến để cách ly tập trung và điều trị những ca F1 nhẹ, Cục trưởng Nguyễn Xuân Kiên đề nghị các bệnh viện kích hoạt lại hệ thống khám chữa bệnh từ xa; đưa thuốc đến tận nhà cho người bệnh.

Tại cuộc họp, các thành viên thống nhất đề xuất quy trình: Ban Chỉ đạo Quốc gia căn cứ vào đề nghị của các tỉnh, thành phố; cơ quan thường trực Bộ Y tế để trình Thủ tướng phân loại các địa phương theo 3 mức độ khác nhau: nguy cơ thấp; nguy cơ; nguy cơ cao. Các ý kiến cũng cho rằng xét trên tình hình thực tế, Đà Nẵng và Quảng Nam coi như thuộc nhóm có nguy cơ cao. 

Siết lại toàn bộ hệ thống chống dịch

Trên cơ sở xác định đúng dự báo ban đầu về tình hình của Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của lực lượng Công an, Quốc phòng, Bộ Y tế trong việc tăng cường các chuyên gia, lực lượng tham gia phòng, chống dịch tại Đà Nẵng.

Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục siết toàn bộ hệ thống chống dịch các ngành y tế, quân đội, công an; đồng thời lưu ý việc rà soát, bảo vệ đối tượng người già, người có bệnh nền; rà soát lại quy trình khám chữa bệnh trong bệnh viện, chú ý bảo vệ, phòng thủ tại những khoa có bệnh nhân nặng.

Từ kinh nghiệm không giữ lại khách du lịch, tránh tình trạng quá tải ở Đà Nẵng trong thời gian qua, Phó Thủ tướng nêu rõ bên cạnh việc tập trung xử lý tâm dịch tại cụm 3 bệnh viện ở Đà Nẵng, thời gian tới, mở rộng tập trung kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng ở Đà Nẵng cũng như các địa bàn đồng bằng thuộc tỉnh Quảng Nam; đề phòng nhiều người nhiễm trong cộng đồng được phát hiện.

Trên tinh thần cách ly tối đa ca F1, Phó Thủ tướng nêu rõ trong trường hợp hết khả năng cách ly tập trung sẽ hướng dẫn, xem xét, bổ sung phân loại nhằm cách ly F1 tại nhà (tùy vào điều kiện từng ca F1). Bên cạnh ý thức tự giác của người dân, lực lượng công an cần phối hợp với ngành y tế tăng cường kiểm soát, kiểm tra việc thực hiện cách ly tại nhà.

Trước tình hình thực tế đón người nước ngoài vào, người Việt Nam từ nước ngoài về, Phó Thủ tướng kêu gọi, bắt buộc tất cả người dân tải và sử dụng ứng dụng Bluezone (nhằm phát hiện người tiếp xúc gần với người nhiễm qua điện thoại thông minh nhanh chóng, chính xác, ít tốn kém); ứng dụng NCOVI (nhằm khai báo y tế và theo dõi sức khỏe).

Yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp không khai báo y tế, không cách ly nghiêm túc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Mỗi một người dân phải có trách nhiệm vì cộng đồng. Các cấp chính quyền có trách nhiệm, tuyệt đối không được chủ quan."

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà; giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; hạn chế đến nơi đông người khi không cần thiết. Các phương tiện công cộng đảm bảo đúng các quy định an toàn dịch bệnh.

Đối với những tỉnh có nguy cơ cao, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Y tế rà lại quy định, trên tinh thần ưu tiên tổ chức kỳ thi an toàn trên hết; đồng thời đảm bảo cơ hội vào đại học theo nguyện vọng và năng lực của học sinh.

Các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất trình Thủ tướng Chỉ thị mới theo thực tế tình hình hiện nay.