Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Xuân về nơi cửa biển

(Dân sinh) - Khi đào, mai vừa hé nụ và những hạt mưa bụi bắt đầu vỡ ra như bong bóng xà phòng lung linh dưới nắng xuân, thì từ phía cảng Vũng Áng- Sơn Dương, những cơn sóng dữ dằn lại thi nhau dồn về cửa bể Hải Phong, như muốn nuốt chửng lấy làng chài nhỏ bé nằm lọt thỏm giữa 2 ngọn núi mồ côi Cao Vọng và Ô Tôn.

Xuân về nơi cửa biển  - Ảnh 1.

Cảng Vũng Áng vào đêm

Mùa xuân bao giờ cũng là mùa bận rộn đối với người làng chài Hải Phong, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Bởi đây là thời khắc chuyển giao tiết mùa, khởi đầu cho một năm hoạt động đánh bắt mới từ tháng giêng đến tháng chín, và cũng là mùa "lộc biển" nên bà con ngư dân dồn hết công việc của mình tập trung cho ghề biển, thậm chí nhiều người ở đây đã sẵn sàng chuẩn bị tinh thần cho việc đón Tết ngay trên biển, với hi vọng có được những mẻ chài, mẻ lưới bội thu.

Trước đây, làng chài Hải Phong được biết đến như là vùng 'phên dậu", quanh năm điêu bái và quạnh hiu! Với vị trí địa lí, địa hình bị án ngự dưới dãy đèo Ngang, trước mặt là cửa biển Vũng Áng- Eo Bạch nên muốn vào Nam ra Bắc bằng đường bộ hay đường thủy nhất thiết phải qua nơi eo thắt này. Trong lúc đó, chưa đầy nửa thế kỉ trước, đèo Ngang còn dốc cao vực thẳm, rừng núi thâm u độc địa, lắm thú dữ; cửa biển Vũng Áng - Eo Bạch lại thường xuyên sóng dữ, còn được gọi là nơi "tục sóng" luôn cũng rình rập hiểm nguy, bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào!

Vậy nhưng, người Hải Phong luôn tự hào về tổ tiên của họ với bảy ông trung quan họ Chu. Những ông quan này từng phò Hồ Quý Li, nhưng sau khi nhà Hồ bị giặc Minh thu phục họ rủ nhau vào đèo Ngang lập nghiệp. Và Hải Phong chính là vùng đất lí tưởng để những người họ Chu đầu tiên chọn làm chốn dừng chân. Như vậy, rất có thể làng Hải Phong được hình thành từ nửa đầu thế kỉ thứ XV, và nghề chài lưới của họ cũng được các ông tổ họ Chu tạo dựng nên từ đó.

Nghề biển ở Hải Phong nhờ vào lợi thế có được chính là Vũng Áng, một ngư trường vô cùng thuận lợi. Đây là vũng vịnh kín, có độ sâu tốt, không bị bồi lấp, đặc biệt có rạn san hô rất lớn là điều kiện hết sức lí tưởng cho các loài hải sản hội về sinh trú. Bởi vậy, chẳng cần đi đâu xa, cứ sáng xách lưới ra, trưa, chiều về là mỗi nhóm đi nghề có thể kiếm được cả tạ tôm, cá, mực, cua, ghẹ... dễ dàng.

Cũng nhờ lợi thế đó nên từ hàng trăm năm nay người Hải Phong đã tự soạn ra cho mình "luật làng" bất thành văn, trong việc phân chia lịch trình đánh bắt hải sản cho các thành viên của làng ngay tại vựa cá Vũng Áng, mà họ thường gọi là "trộ cá". Ở Vũng Áng có 2 trộ cá chính và phụ. Trộ cá chính còn gọi là "Giằm cá" lúc nào cũng lắm cá, và rất lạ là càng đánh bắt, tôm, cá, mực... lại về càng nhiều! Hết đời này sang đời nọ, người Hải Phong khai thác nguồn lợi hải sản ở Giằm cá chẳng bao giờ cạn. Còn trộ cá phụ gọi là "Độ đắp" cũng là vựa cá lớn như của trời cho chỉ dành riêng cho người Hải Phong mà thôi!

Sau này, khi Hải Phong thành lập các Hợp tác xã ngư nghiệp thì các hợp tác xã này tiếp tục điều hành từng nhóm thuyền chài, đánh bắt tuần tự theo từng phiên, bằng hình thức cuốn chiếu, càng khẳng định phương thức này như một thiết chế vững chắc riêng biệt của làng. Cứ thế, năm này sang năm khác người làng chài Hải Phong luân phiên thay nhau khai thác hải sản tại 2 trộ cá, mang lại thu nhập ổn định, thậm chí còn sung túc hơn so với rất nhiều vùng quê biển khác ở Hà Tĩnh.

Cũng chính vì nhờ có "lộc trời" ban phát cho 2 trộ cá lớn ngay cửa làng, nên trước đây người Hải Phong chẳng bao giờ nghĩ tới việc sắm sửa thuyền to, lưới lớn vượt ra khỏi Eo Bạch. Đó cũng là một hạn chế của họ khi 2 trộ cá chính và phụ không còn tồn tại nữa. Bởi, khoảng 10 năm nay, các nhà đầu tư đổ xô về Vũng Áng xây dựng nhiều cụm cầu cảng biển sâu, trong đó vị trí của cầu cảng số 1 được xây dựng ngay tại Giằm cá, và cầu cảng số 2 xây dựng ngay tại Độ đắp đã phá vỡ hoàn toàn hệ sinh thái rạn san hô, ảnh đến nguồn lợi đánh bắt quen thuộc của họ.

Ông Chu Văn Cành (68 tuổi) một ngư dân ở làng Hải Phong 2 từng làm nghề biển từ năm 15 tuổi tâm sự rằng, việc xây dựng các cầu cảng không những ảnh hưởng trực tiếp đến nghề biển của họ, mà nguy hại hơn gần đây tại ngư trường Vũng Áng còn xuất hiện hàng loạt các đội tàu dã cào từ các địa phương khác đến khuấy đảo tan tành! Họ dùng kích điện khai thác hải sản một cách tận diệt, không hề thương tiếc đến cả những con tôm, con cá vừa mới li ti. Không những vậy, khi tàu dã cào đổ bộ tới càn quét tận đáy biển còn làm đứt, rách hết toàn bộ lưới dằng, lưới xăm... của ngư dân trong làng, mà mỗi vằng lưới như thế có giá trị hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, khiến nhiều gia đình bỗng dưng lâm vào cảnh trắng tay.

Xuân về nơi cửa biển  - Ảnh 2.

Làng Hải Phong

Trước sự đổi thay nhanh chóng đó khiến cho người Hải Phong tỏ ra ngơ ngác khi phải thay đổi lại tư duy nghề biển với việc, làm thế nào để ra khơi xa đánh bắt dài ngày. Biết rằng, để chuẩn bị cho người làng chài Hải Phong thay đổi được thói quen cũ, các cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh đã có lộ trình rõ ràng, trong đó tạo điều kiện thuận lợi cho bà con vay vốn ưu đãi để mua sắm thuyền, lưới, ngư cụ... hiện đại, đồng thời hỗ trợ đào tạo nghề đi biển và có nhiều chính sách khác khuyến khích họ tiếp tục bám biển...

Dẫu sao thì nghề biển đã ăn sâu vào máu thịt của người Hải Phong, và hơn thế nếu không đi biển thì họ cũng không biết làm gì. Vậy nên, sau khi cảng biển Vũng Áng được đưa vào sử dụng, một số người vẫn tiếp tục bám ngư trường quen thuộc của mình vì lí do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình và những mối ràng buộc tâm linh khác... Ngược lại, nhiều người đã chung nhau mua sắm, cải hoán thuyền lớn vươn ra khơi xa. Tuy nhiên, trở ngại nhất của họ mỗi khi xuất hành hay trở về làng nhất thiết phải vượt qua eo Bạch tục sóng tại cữa ngõ của Vũng Áng.

Người Hải Phong ví eo Bạch như một mụ "phù thủy" tính nết bất thường! Bởi có nhiều lúc trời yên, biển lặng, bỗng dưng dở chứng dựng lên những con sóng dữ ầm ầm ập đến như muốn ngoạm lấy cả ngọn núi Ô Tôn khổng lồ, và dìm tất cả bất cứ những thứ gì sót lại trên mặt biển xuống lòng đại dương!

Nỗi ám ảnh của eo Bạch đã đeo bám trong tâm tưởng người dân Hải Phong từ xa xưa! Chính nơi eo biển tục sóng này đã dìm chiến tàu của cung phi Nguyễn Thị Bích Châu, trong lúc bà hộ giá Vua Trần Duệ Tông đem quân vào chinh phạt Chiêm Thành vào năm Long Khánh thứ 4, (năm 1376). Xác của cung phi Bích Châu sau đó dạt vào mép biển, được người dân địa phương vớt lên đưa vào cồn Rước Thánh bên khe Trôốc Mõm dưới chân núi Cao Vọng làm lễ cầu siêu 3 ngày, 3 đêm, sau đó rước về mai táng dưới chân núi Ô Tôn.

Để tưởng nhớ công đức của bà Bích Châu, trai tráng làng Hải Phong thay nhau lặn xuống eo Bạch lấy san hô đem lên đốt vôi, lấy đá cùng các loại vật liệu khác trên núi Ô Tôn để xây mộ và xây Đền Eo Bạch thờ phụng bà. Trải qua nhiều lần trung tu, đến nay Đền Eo Bạch càng uy nghiêm, cây cối rậm rạp, và càng trở thành nơi bất khả xâm phạm trong tín ngưỡng thờ cúng của người dân Hải Phong.

Giờ thì người Hải Phong đang cầu nguyện một "phép màu" nào đó để tiếp tục nghiệp biển. Vậy mà eo Bạch tục sóng ngày càng trở nên hung hãng hơn bao giờ hết. Gần đây, ngày 31, tháng 10, năm 2019, tàu Thành Công 999 có trọng tải 6.000 tấn, hành trình từ Thanh Hóa khi sắp vào tới cảng Sơn Dương nhập hàng bất ngờ bị đánh chìm tại chỗ. Nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Vũng Áng đã phối hợp các lực lượng chức năng tổ chức ứng cứu, cứu sống được 10 thủy thủ, nhưng vẫn còn 1 thủy thủ khác không may bị dìm xuốn biển khơi.

Không lâu sau đó, vào ngày 28, tháng 11, năm 2019, tàu Nordana Sophia của Thái Lan có trọng tải gần 9.000 tấn, trong lúc đang trên đường từ Đài Loan vào gần cập cảng Vũng Áng - Sơn Dương cũng bất ngờ bị đánh chìm. Nhận được tín hiệu, các lực lượng chức năng đã nhanh chóng triển khai công tác cứu nạn, kịp thời cứu sống được toàn bộ 18 thủy thủ trên tàu đều mang quốc tịch Thái Lan đưa vào bờ an toàn...

Những co tàu lớn đến thế chẳng nghĩa lí gì khi eo Bạch lên cơn cuồng nộ! Vậy thì liệu hơn 60 con thuyền được cải hoán và đóng mới nhỏ bé với công suất chỉ từ 24CV đến 90 CV của bà con Hải Phong có thể đủ sức vượt qua eo Bạch để chinh phục những ngư trường ngoài khơi xa hay không? Đó quả là một thách thức quá sức tưởng tượng của họ!

Xuân về nơi cửa biển  - Ảnh 3.

Thuyền về

Biết rằng, không phải lúc nào eo Bạch cũng gầm vang sóng dữ, nhưng với những người đi biển có kinh nghiệm thì những lúc biển động sóng, bắt đầu báo hiệu cho một đợt gió mùa hay bão tố là thời điểm lí tưởng, còn gọi là "thời điểm vàng". Bởi vì lúc này các loại hải sản bỗng sôi lên từng đàn, chính là cơ hội để họ tranh thủ ra khơi đánh những mẻ lưới đậm. Cũng vì những thời điểm vàng như thế mà không biết bao người chưa kịp thu lưới trở về đã phải vĩnh viễn bỏ lại thân mạng của mình giữa miền tục sóng.

Trước sự đổi thay nhanh chóng trong những năm gần đây, rất nhiều người trong lứa tuổi lao động ở Hải Phong đã chủ động chuyển đổi nghề nghiệp vào làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp của Khu kinh tế Vũng Áng, hay tham gia xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, Hàn Quốc...và nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh, buôn bán khác được ra đời... trong số đó có một số hộ gia đình đã nhanh chóng chuyển sang kinh doanh dịch vụ ăn uống hàng hải sản trên bè nổi, đã tạo nên thương hiệu món mực nhảy Vũng Áng nổi tiếng khắp cả nước.

Tuy nhiên, với nghề biển đã thấm vào máu thịt của mọi thế hệ người Hải Phong ngay từ lúc họ đang còn nằm trong bào thai mẹ thì dễ gì một sớm, một chiều có thể làm vợi đi nỗi nhớ lưới, chài da diết được! Theo tục lệ của làng, cứ đến sáng Mồng một Tết mọi người mang lễ vật ra đặt ngay ngắn lên những chiếc thuyền ngoài cửa bể làm lễ tạ thần linh; sáng mồng 10 tháng 2 hàng năm, (ngày kị của bà Bích Châu), cả làng lại tựu về Đền Eo Bạch khói hương cầu cúng và tham gia lễ hội truyền thống của làng. Đó là 2 dịp lễ tế đặc biệt quan trọng liên quan đến mọi sinh hoạt của làng nghề Hải Phong bao đời nay thì muôn đời vẫn thế bất di, bất dịch!

Chỉ cần nhắc đến nghề chế biến nước mắm nổi tiếng ở Hải Phong với đặc sản nước mắm cá tho nếm vào là "véo răng"! Mới hơn 10 năm trước, cá tho lúc nào cũng sôi lên từng đàn ở Vũng Áng. Chỉ cần đem vằng lưới xăm ra thả vài giờ cũng dễ dàng kiếm được cả chục kg cá này, nhưng bây giờ càng trở nên khan hiếm. Bữa cơm của người làng chài Hải Phong giờ đây tuy đã khác trước nhiều, song khi cơn gió lạnh tê tái ngoài biển khơi đang thổi về, ai chẳng chợt thèm có được thìa nước mắm cá tho thơm ngon chính họ làm ra đem chan với bát cơm gạo chiêm đang nóng hổi, mà và vào miệng một miếng thật to cho ấm ran lên cả người thì sướng biết mấy! Biết rằng, thứ đó chỉ còn lại trong kí ức của người Hải Phong, nhưng ai hay họ cho đến trước lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn còn tục luyến!

Tôi trở lại Hải Phong khi mùa xuân đang nao nức! Ngoài kia những cơn sóng dữ dằn đang thi nhau dồn tới như muốn nuốt chửng lấy làng chài nhỏ bé này. Nhưng chẳng có gì lạ khi hàng chục chiếc thuyền vẫn đang bám ngoài Vũng Áng như muốn mót lấy những mẻ cá đầu xuân để lấy lộc cầu may, với hy vọng, bước sang một năm mới sẽ vượt qua muôn trùng cơn tục sóng chinh phục biển khơi!