Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Xuất khẩu gạo sẽ phải đối mặt với diễn biến khó lường

(Dân sinh) - Bộ Công Thương vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng về kết quả xuất khẩu gạo năm 2019 và định hướng năm 2020. Hai tháng đầu năm, dịch Covid-19 diễn biến nhanh và nghiêm trọng, do đó dự báo, trong năm 2020, xuất khẩu gạo sẽ phải đối mặt với diễn biến khó lường, đa chiều của các yếu tố thị trường, tình hình dịch bệnh, thiên tai, đặc biệt là những động thái xuất nhập khẩu gạo từ Trung Quốc.

Về khó khăn, theo phân tích của Bộ Công Thương, thị trường toàn cầu chưa có dấu hiệu khởi sắc do dịch bệnh tại Trung Quốc lan rộng. Diễn biến của dịch Covid-19 là nguyên nhân tác động đến khả năng xuất khẩu gạo và khả năng, nhu cầu, thời điểm nhập khẩu gạo của Trung Quốc. 

Nhu cầu từ Trung Quốc (trong cả nhập khẩu và xuất khẩu) sẽ tác động đến giá cả thị trường thế giới cũng như giá cả trong nước.

Mặc dù Trung Quốc luôn duy trì lượng gạo tồn kho lớn nhưng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, việc trồng, sản xuất tại nước này có thể sẽ chịu tác động. Trung Quốc vẫn có nhu cầu nhập khẩu nhằm duy trì ổn định an ninh lương thực trong nước. 

Do vậy, thời điểm Trung Quốc tiến hành nhập khẩu gạo sẽ tác động đến tình hình giá cả trong nước cũng như thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, do lo ngại dịch bệnh Covid-19, nhiều hãng tàu không nhận đơn vận chuyển và nhiều giao dịch đều được yêu cầu chuyển cảng nhận hàng. Điều này sẽ làm phát sinh chi phí vận chuyển.

Ngoài Trung Quốc, Bộ Công Thương nhấn mạnh, hiện thị trường xuất khẩu gạo truyền thống của Việt Nam là Philippines cũng đã tăng cường kiểm soát nhập khẩu thông qua động thái tiến hành đánh giá lại “Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm đối với gạo xay xát nhập khẩu vào Philippines”; cử đoàn đánh giá làm việc tại Việt Nam.

Điều này sẽ tạo ra không ít tác động đến tâm lý của thị trường gạo Việt Nam khi Philippines là thị trường truyền thống, hàng năm có nhu cầu nhập khẩu lớn từ Việt Nam.

Tuy nhiên, dự báo, thương mại gạo toàn cầu năm 2020 là 46,0 triệu tấn, tăng 2% so với dự báo năm 2019; nhập khẩu gạo sẽ gia tăng tại Philippines, châu Phi cận Sahara và Indonesia. Trong khi đó, sản lượng gạo của Thái Lan giảm so với mọi năm do hạn hán.

Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt tận dụng, cạnh tranh về giá tại các thị trường, nhất là một số thị trường gạo trung chuyển lớn như Singapore, Hồng Kông. 

Cùng với việc giá gạo của Thái Lan đang ở mức cao đây có thể là cơ hội để gạo Việt Nam tiếp tục thâm nhập, mở rộng thị phần tại thị trường này.

Đó là chưa kể, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2020,việc tận dụng hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm mà EU dành cho Việt Nam sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam thu hẹp bất lợi trong cạnh tranh và mở rộng thị trường gạo cao cấp này.

Từ thực tế này, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT theo dõi, thống kê sát thực về tình hình sản xuất, cơ cấu, sản lượng, nguồn thóc, gạo hàng hóa theo từng chủng loại, từng mùa vụ trong năm và thường xuyên cập nhật với Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và UBND các tỉnh để định hướng sản xuất, cân đối nguồn thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của thương nhân đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo, cơ sở sấy thóc tại vùng nguyên liệu; thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo xây dựng vùng nguyên liệu; người sản xuất lúa trong vùng nguyên liệu, người sản xuất lúa có liên kết sản xuất.

Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại đối với mặt hàng gạo tại các thị trường có khả năng chuyển đổi, trong đó chú trọng các thị trường mới, tiềm năng như châu Phi, Trung Mỹ…