Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Xuất khẩu năm 2020 hướng tới mốc 300 tỷ USD

Theo TTXVN, năm 2020, dự báo tình hình khu vực, thế giới tiếp tục có những biến động khó lường. Do đó, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đạt được mục tiêu xuất khẩu năm 2020 phải chạm mốc 300 tỷ USD, và xuất siêu đạt 15-17 tỷ USD mà Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương.

Năm 2019, lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 264 tỷ USD; xuất siêu đạt mức kỷ lục 9,94 tỷ USD. Mức tăng kim ngạch xuất khẩu cả nước so với năm 2018 là 8,1% đã vượt chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao. 

Năm 2019, đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD). Đặc biệt, Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (xuất siêu 46,4 tỷ USD); EU (xuất siêu 26,9 tỷ USD). Đây là những con số rất ấn tượng, cho thấy sự tăng trưởng và phát triển bền vững của thương mại quốc tế trong cơ cấu kinh tế Việt Nam.

Nối tiếp đà thành công đó, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương chỉ tiêu xuất khẩu trong năm 2020 phải chạm mốc 300 tỷ USD, đi liền với số đó là xuất siêu đạt 15-17 tỷ USD.

Sau nhiều năm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và GDP trên đầu người đã chạm mốc 3.000 USD/người và nhờ xuất siêu 11 tỷ USD nên dự trữ ngoại tệ Việt Nam cán mốc 80 tỷ USD. Cùng với đó, hàng loạt hiệp định thương mại tư do đã có hiệu lực cũng góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường lớn.

“Về năng lực cạnh tranh quốc gia do diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng thì Việt Nam đã đạt mốc cao nhất từ trước tới nay, đạt thứ hạng 61/141 quốc gia xếp hạng. Hơn nữa, chỉ số năng lực đổi mới sáng tạo tăng lên 3 bậc so với 2018 và động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019 là các mặt hàng công nghiệp chế biến chế tạo chứ không phải khai thác tài nguyên. Tất cả những chỉ tiêu đó hỗ trợ cho xuất khẩu và chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng mục tiêu 300 triệu USD xuất khẩu sẽ đạt được”, PGS.TS Phạm Tất Thắng nhận định.

Đánh giá tình hình năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, năm 2020 sẽ là năm có nhiều khó khăn và thách thức. Tình hình thế giới về chính trị và thương mại còn diễn biến phức tạp. Do đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay là cần tiếp tục tạo điều kiện ổn định về vĩ mô và tạo môi trường hòa bình thuận lợi để phục vụ cho hợp tác của Việt Nam với các đối tác, tiếp tục tăng cường phát triển năng lực sản xuất của nền kinh tế cũng như tham gia thương mại quốc tế.

Còn theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, để đạt được mục tiêu xuất khẩu năm 2020 thì cần tạo được tính liên kết giữa các bộ phận của nền kinh tế. Tức là để đạt 300 tỷ USD thì không chỉ có sự cố gắng của doanh nghiệp xuất khẩu mà còn phải tập trung triển khai thực hiện các biện pháp để thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics nhằm hỗ trợ, kết nối phát triển hoạt động thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và có nhiều tiềm năng; lựa chọn và tập trung xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực...