Quay lại Dân trí
Dân Sinh

1 năm thực hiện CPTPP: Kim ngạch xuất khẩu sang các nước CPTPP đạt 39,5 tỷ USD

(Dân sinh) - Bộ Công Thương vừa có Báo cáo kết quả triển khai Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của các bộ, ngành, địa phương trong năm 2019. Theo đó, năm qua, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP đạt 77,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thành viên đã thực thi CPTPP có tốc độ tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước (trừ Australia giảm 11,4% so giảm mạnh xuất khẩu dầu thô sang thị trường này).

Xuất khẩu tập trung chủ yếu vào điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị; thủy sản và dệt may. Một số thị trường mà Việt Nam chưa có quan hệ Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) như Canada và Mexico ghi nhận mức tăng mạnh ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada tăng 29,9%, sang Mexico tăng 27,6%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường các nước đã thực thi CPTPP về cơ bản là giảm hoặc tăng không đáng kể. Do đó, tác động tới cán cân thương mại đến từ hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước đã thực thi CPTPP là thặng dư 3,9 tỷ USD, tăng 135% so với cùng kỳ 2018.

“Nếu chỉ tính kim ngạch xuất nhập khẩu sang 2 thị trường mới chưa có FTA là Canada và Mehico thì trong năm 2019 Việt Nam xuất siêu hơn 5 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất siêu của Việt Nam”, Bộ Công Thương đánh giá.

Có 27/63 tỉnh đã phát sinh hoạt động xuất khẩu với các nước CPTPP trong đó đứng đầu là TP.HCM, tiếp theo là Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh và Khánh Hòa. Các mặt hàng xuất khẩu từ các địa phương sang các nước CPTPP tương đối đa dạng, từ hàng nông nghiệp, thủy sản, thủ công mỹ nghệ cho đến hàng dệt may, máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử,...

Ở một số địa phương, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang các nước CPTPP khá cao, ví dụ như Hà Nội (20,8%), Đà Nẵng (gần 40%).

Đánh giá về những tác động của Hiệp định CPTPP đối với kinh tế Việt Nam sau 1 năm thực hiện, ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM) – cho rằng, đến thời điểm này còn quá sớm để nhìn nhận đầy đủ về những tác động mang lại cho Việt Nam. 

Nhưng sau hơn 1 năm thực hiện, chúng ta có thể thấy những tác động bước đầu. Theo đó, Hiệp định CPTPP ít nhiều đã có đóng góp tích cực vào hoạt động thương mại của Việt Nam. 

Bên cạnh đó, chất lượng của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng được cải thiện đáng kể. Quy mô vốn FDI thực hiện liên tục đạt những kỷ lục mới, năm 2019 đã đạt con số kỷ lục là 20,4 tỷ USD. 

Niềm tin của các nhà đầu tư ngày càng được củng cố, môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng cải thiện theo hướng thông thoáng hơn và chính sách thu hút FDI ngày hoàn thiện. 

Ngoài ra, các cơ quan hoạch định chính sách và cộng đồng nhà đầu tư cũng sẵn sàng hơn với những cơ hội từ CPTPP mang lại.