Quay lại Dân trí
Dân Sinh

10 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt gần 2,72 tỷ USD

(Dân sinh) - Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu (XK) nông sản Việt Nam chỉ đạt 2,72 tỷ USD, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Hiệp hội Rau quả Việt Nam lý giải, XK nông sản sụt giảm là do dịch Covid-19 và những thay đổi trong chính sách nhập khẩu của các nước.

Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam, chiếm 57,5% thị phần với giá trị xuất khẩu đạt 1,43 tỷ USD, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm 2019. 

Ngoài ra, xuất khẩu rau quả sang thị trường Hong Kong (Trung Quốc) và Hà Lan cũng giảm lần lượt là 2% và 3,7%.

Ngược lại, xuất khẩu rau quả sang hầu hết các thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ, Nhật Bản đều tăng.

Giá trị xuất khẩu rau quả từ đầu năm đến nay giảm do một số mặt hàng giảm. Trong đó, thanh long - mặt hàng chiếm thị phần cao nhất (với 36,4% tổng giá trị xuất khẩu) 10 tháng qua đạt hơn 906,7 triệu USD (giảm 7,2%); chuối đạt 138,2 triệu USD (chiếm 5,5%, giảm 11,7%); chanh đạt 108,6 triệu USD (chiếm 4,4%, giảm 2,4%); sầu riêng đạt 94,6 triệu USD (chiếm 3,8%, giảm 56,2%)...

Điểm đáng chú ý, Việt Nam đã tham gia hàng loạt FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… song không phải mặt hàng nông nghiệp nào cũng tận dụng được cơ hội, bởi hầu hết chỉ xuất thô. 

Trong khi đó, sản phẩm được giảm thuế là mặt hàng chế biến sâu và người tiêu dùng cũng đang có xu hướng sử dụng sản phẩm chế biến sâu nhiều hơn.

Điển hình như thị trường Trung Quốc, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết: Đây là thị trường tiêu thụ lớn của nông sản Việt song gần đây sức tiêu thụ của thị trường này giảm rõ rệt. 

Theo đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 1,43 tỷ USD, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm 2019, do nước này tăng cường kiểm tra, giám sát, đưa ra các quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về xuất xứ, vùng trồng, bao bì, nhãn mác.

Hay ở thị trường Thái Lan, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) Thái Lan đã ban hành các quy định điều chỉnh giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nhập khẩu nông sản tươi vào nước này kể từ ngày 1/8/2020. Khiến xuất khẩu nông sản từ các nước, trong đó có Việt Nam vào Thái Lan gặp nhiều khó khăn.

Ở các thị trường Nhật Bản, EU, Mỹ… dù chưa có quy định mới, song nông sản Việt xuất khẩu cũng phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe như: Quy trình sản xuất phải đảm bảo tiêu chuẩn GlobalGAP, các tiêu chuẩn môi trường, an toàn khác.

"Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hàng rau, quả chế biến đạt 237 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2019. Cho thấy, sản phẩm rau, quả chế biến không chịu tác động của đại dịch Covid-19 và hàng rào kỹ thuật trong thương mại" - ông Nguyên phân tích.

Dự báo, thời điểm cuối năm 2020, triển vọng xuất khẩu rau quả sẽ khả quan do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc tăng và tác động của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU trở nên rõ rệt.