Quay lại Dân trí
Dân Sinh

10 trường hợp nguy kịch được cứu sống đặc biệt nhất trong năm 2019

(Dân sinh) - Năm 2019, các bệnh viện thành phố tiếp tục phát huy hiệu quả của quy trình báo động đỏ liên viện, kết hợp với ứng dụng kỹ thuật điều trị chuyên sâu đã cứu sống nhiều trường hợp bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.

Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình huy động các chuyên gia vào bệnh viện trong đêm, thực hiện vi phẫu thuật khẩn cấp suốt đêm cứu lấy bàn tay bị đứt lìa ở cháu bé chưa đầy 1 tuổi ngụ tại tỉnh Đồng Tháp
  10 trường hợp nguy kịch được cứu sống đặc biệt nhất trong năm 2019 - Ảnh 1.

Bàn tay cháu bé chưa tròn 12 tháng tuổi bị đứt lìa đã hồi phục tốt sau khi được các bác sĩ chuyên khoa của BV CTCH vi phẫu thuật khẩn cấp

Bé T.Đ.K, sinh ngày 01/10/2018 ngụ tại Đồng Tháp, được ba mẹ gửi cho bà nội và chú trông chừng. Trong lúc bà nội đi vắng, người chú để bé trong phòng và đem chiếc xe gắn máy mới mua để thay nhớt xe, rửa xe, mở máy chạy rô đa… Bé bò đến chỗ chiếc xe để chơi, sự cố bất ngờ xảy ra khi bé đặt tay vào dây sên xe và bàn tay trái, ngón trỏ (ngón II) tay phải của bé bị quấn vào dây sên xe, bị nghiền dập đứt lìa bàn tay trái và ngón trỏ (ngón II) tay phải. 

Bé được chuyển đến Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình vào lúc 23 giờ 50 phút, ngày 28/09/2019 với chẩn đoán “Vết thương đứt lìa bàn tay trái; vết thương đứt lìa ngón II, đứt gần lìa ngón III tay phải. Vết thương bầm dập, bẩn do bám nhiều dầu nhớt từ bộ phận sên xe gắn máy, nguy cơ tắc mạch thứ phát, nhiễm trùng rất cao”. Quy trình “Báo động đỏ nội viện” tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình được kích hoạt, ê-kíp cấp cứu bệnh nhi gồm có các chuyên khoa: Nhi, Cấp cứu, Vi phẫu tạo hình, Gây mê hồi sức của Bệnh viện nhanh chóng có mặt, tiến hành sơ cứu, hội chẩn nội viện và đưa ra phác đồ điều trị đối với bệnh nhi. 

Ca phẫu thuật bắt đầu từ 02 giờ 35 phút, ngày 29/09/2019 và kết thúc lúc 10 giờ 50 phút, ngày 29/09/2019. Sau hơn 08 giờ làm việc căng thẳng, từ rạng sáng đến trưa ngày 29/09/2019, ê-kíp phẫu thuật đã cắt lọc rửa vết thương, lần lượt nối các động mạch, tĩnh mạch, dây thần kinh và các gân gấp… bằng kỹ thuật siêu vi phẫu trên bệnh nhân có mạch máu khâu nối rất nhỏ, đường kính lòng mạch chỉ khoảng 0,5 mm. Kết quả, ê-kíp đã nối vi phẫu bàn tay trái và xử lý mỏm cụt đốt xa các ngón II, III bàn tay phải, đóng mỏm cụt ngón trỏ tay phải của bệnh nhi, nẹp bột từ cẳng bàn tay ra đầu các ngón tay.

Sau 10 ngày sau hậu phẫu, sức khỏe bệnh nhi đã hồi phục, ăn uống tốt, không sốt, không có dấu hiệu nhiễm trùng nhiễm độc; bàn tay trái của bé được phục hồi và tiên lượng sống tốt, các ngón tay hồng hào trở lại.

2. Bệnh viện tỉnh Bình Thuận báo động đỏ liên viện từ xa đến bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh viện Nhi Đồng 1 phối hợp bệnh viện Chợ Rẫy giành lấy sự sống cho bé gái ngụ tại tỉnh Bình Thuận bị viêm cơ tim tối cấp vừa bị ngưng tim ngay khi xe cứu thương dừng bánh tại bệnh viện chuyển đến

  10 trường hợp nguy kịch được cứu sống đặc biệt nhất trong năm 2019 - Ảnh 2.

Bé V.N.T.O rạng rỡ cùng cha, mẹ đến tái khám và chụp hình lưu niệm với các bác sĩ của BV Nhi Đồng 1 và Bv Chợ Rẫy (27/11/2019)

Ngày 25/10/2019, khi xe cứu thương của Bệnh viện tỉnh Bình Thuận dừng bánh tại khoa Cấp cứu của BV Nhi Đồng 1, cũng là lúc nhịp tim của bé gái 12 tuổi V.N.T.O trở nên rời rạc và ngưng đập ngay sau đó. Ngay lập tức, bé được đặt nội khí quản giúp thở, xoa bóp tim ngoài lồng ngực đồng thời dùng thuốc kích thích tim hoạt động lại và được đưa ngay vào khoa Hồi sức tích cực. Các bác sĩ tim mạch tiến hành đặt ngay máy tạo nhịp tạm thời, trong khi đó, các bác sĩ hồi sức của Bệnh viện Nhi Đồng 1 với sự hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành kỹ thuật ECMO cho bệnh nhi. 

Tất cả đều diễn ra khẩn trương nhưng nhịp nhàng. 1 giờ sau, tim của bé đã đập lại và tình trạng huyết động cải thiện hơn. 2 giờ trước đó, khi nhận được tín hiệu báo động đỏ cần được hỗ trợ từ xa, bác sĩ khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhi Đồng 1 liên tục hướng dẫn qua điện thoại cho bác sĩ trên xe cứu thương, “bác tài” thì tập trung cao độ để xe cứu thương chạy với tốc độ nhanh nhất có thể nhưng vẫn đảm bảo an toàn, trong khi đó, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực và Chống độc của Bệnh viện Chợ Rẫy khẩn trương mang theo thiết bị bổ sung cần thiết để thực hiện kỹ thuật ECMO ngay khi bệnh nhân được chuyển đến,…

Đó là những hình ảnh đáng trân trọng của các y bác sĩ và cả nhân viên lái xe của cả 3 bệnh viện phối hợp nhịp nhàng qua quy trình báo động đỏ liên viện để giành giật lấy sự sống ở một bé gái 12 tuổi bị viêm cơ tim tối cấp, cư ngụ tại tỉnh Bình Thuận. Sau 6 ngày chạy tuần hoàn ngoài cơ thể và lọc máu liên tục, tình trạng viêm cơ tim ổn định dần, chức năng co bóp cơ tim tốt. Bệnh nhi được cai ECMO sau 5 ngày và xuất viện sau đó. Sáng ngày 27/11/2019, bé V.N.T.O trở lại BV Nhi Đồng 1 tái khám với gương mặt rạng rỡ, sức khoẻ hồi phục tốt và chuẩn bị đến trường trở lại. Không ai nghĩ rằng chỉ cách đây hơn 1 tháng, trái tim của bé rời rạc, chậm dần và ngưng đập ngay khi được xe cứu thương chuyển đến BV Nhi Đồng 1 vì bị viêm cơ tim tối cấp. 

3. Cứu sống người bệnh bị xuất huyết não nặng bằng robot Modus V Synaptive tại Bệnh viện Nhân dân 115

  10 trường hợp nguy kịch được cứu sống đặc biệt nhất trong năm 2019 - Ảnh 3.

Khối máu tụ lớn chèn ép não được robot Modus V Synaptive hỗ trợ lấy sạch, người bệnh phục hồi tốt sau 5 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115

Ngày 16/06/2019, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận một người bệnh nữ, 62 tuổi với chẩn đoán xuất huyết não ngày 2, tăng huyết áp, nhập viện trong tình trạng lơ mơ, liệt nữa người trái. Lúc nhập viện người bệnh hôn mê, Glasgow 10 điểm (E=2, V=3, M=5), liệt ½ người trái, được tiến hành chụp CT sọ não ghi nhận xuất huyết não cấp tính tạo khối máu tụ bán cầu phải, chèn ép các cấu trục kế cận, tổn thương vỡ vào não thất bên bên phải làm tụ máu não thất bên bên phải, kèm thương tổn não cũ vùng nhân đậu trái. Bác sĩ chuyên khoa ngoại thần kinh quyết định phẫu thuật lấy máu tụ bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu với sự hỗ trợ của robot Modus V Synaptive, sử dụng ống “brain path” để lấy khối máu tụ. 

Người bệnh được gây mê toàn thân, đặt tư thế đầu nghiêng trái nhẹ, rạch da thái dương – đính sau phải, đường thẳng 4cm, bộc lộ sọ, khoan mở sọ tối thiểu một lỗ 3cm đường kính vào cực dưới khối máu tụ. Qua hệ thống robot, mở màng cứng, đốt nhẹ vỏ não. Dùng drain path chọc dò theo hướng dẫn định vị đi vào cực dưới khối máu tụ. Máu tụ tự trào ra theo áp lực trong sọ và theo hướng trọng lực cao thấp, hạn chế hút máu tụ. Đánh giá lượng máu cục còn sót lại không đáng kể, cầm máu bằng keo Floseal. 

Hậu phẫu ngày 01: người bệnh còn thở qua nội khí quản, kết quả chụp CT sọ não sau mổ ngày 17/06/2019 ghi nhận khối máu tụ đã được lấy hết, cấu trúc đường giữa đã trả lại vị trí bình thường, khí trong sọ. Hậu phẫu ngày 2: người bệnh được rút ống nội khí quản, chuyển khoa Ngoại Thần kinh theo dõi. Hậu phẫu ngày 3,4: tri giác người bệnh cải thiện đáng kể, Glasgow 13 điểm (E=4, V= 4, M=5), còn yếu ½ người trái. Thở êm, vết mổ khô sạch, không sốt. Hậu phẫu ngày 5: Người bệnh ổn định, được chuyển bệnh viện Phục hồi chức năng điều trị tiếp.

Thông thường, theo phương pháp phẫu thuật cổ điển giải ép kèm lấy khối máu tụ, người bệnh phải trải qua ca phẫu thuật lớn thời gian mổ kéo dài, đường mổ lớn, mở nắp sọ rộng, xẻ vỏ não vuông góc với hướng đi của các bó dẫn truyền thần kinh, khi lấy máu tụ sẽ lẫn mô não lành, di chứng thần kinh không hồi phục, có thể gây ra các tổn thương mô não sau mổ, hậu phẫu nặng nề, nhiều tai biến, biến chứng sau mổ làm ảnh hưởng kết quả phẫu thuật.

Phẫu thuật xuất huyết não bằng hệ thống robot Modus V Synaptive mang đến sự chính xác, hiệu quả hơn hẳn, kiểm soát tốt ổ máu tụ, giúp giảm thiểu rất nhiều các tổn thương não khi so sánh với phương pháp phẫu thuật cổ điển. Thời gian phẫu thuật rút ngắn đáng kể, giảm thiểu các biến chứng do gây mê. Giảm thời gian hồi sức sau mổ giúp hạn chế các biến chứng nặng như viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, loét chèn ép, viêm tắc mạch chi, giảm chi phí điều trị. 

Đây là xu thế hiện nay hiện nay của các trung tâm phẫu thuật thần kinh hiện đại. Với hệ thống robot chuyên dụng này, BV Nhân dân 115 đang hình thành một trung tâm đột quỵ hoàn chỉnh đầu tiên trên cả nước.

4. Cứu sống và điều trị triệt để cho một bệnh nhi bị rối loạn nhịp bẩm sinh bằng kỹ thuật can thiệp điện sinh lý tại Bệnh viện Nhi Đồng 1

  10 trường hợp nguy kịch được cứu sống đặc biệt nhất trong năm 2019 - Ảnh 4.

Bác sĩ chuyên khoa tim mạch trẻ em tại BV Nhi Đồng 1 đang thực hiện can thiệp điện sinh lý tim cho bệnh nhân L.M.K (7 tháng tuổi, cân nặng 7kg)

Mới đây, ngày 4/12/2019, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận bệnh nhi L.M.K, 7 tháng tuổi, cân nặng 7 kg, cư ngụ ở Bình Dương, nhập viện trong tình trạng nguy kịch do loạn nhịp nhanh và dị tật Ebstein (một loại tim bẩm sinh tím nặng). Các bác sĩ khoa Tim mạch chẩn đoán trẻ mắc hội chứng Wolff-Parkinson-White, đây là một dạng loạn nhịp có thể dẫn đến đột tử. 

Sau khi điều trị hai loại thuốc chống loạn nhịp đều thất bại, ngay lập tức bé được chỉ định thực hiện thăm dò điện sinh lý tim, qua thăm dò các bác sĩ đã phát hiện ổ phát nhịp bất thường và tiến hành can thiệp đốt ổ loạn nhịp thành công. Sau can thiệp, tình trạng bệnh nhân đã ổn định và xuất viện khỏe mạnh sau đó vài ngày. 

Đây cũng là trường hợp nhỏ ký nhất (kèm tim bẩm sinh nặng) từ trước đến nay được can thiệp điện sinh sinh lý tại bệnh viện Nhi đồng 1 và khu vực phía Nam, theo y văn, các trường hợp can thiệp tương tự trên thế giới đều thực hiện ở trẻ lớn hơn 5 tuổi và cân nặng trên 15 kg.

Cùng với tim bẩm sinh, rối loạn nhịp tim là bệnh lý thường gặp ở trẻ em với số ca mới phát hiện ngày càng tăng tại Việt Nam, nhiều trường hợp rất nặng và phức tạp, đe dọa tính mạng nguy cơ tử vong cao. Việc điều trị rối lọan nhịp tim từ trước đến nay chủ yếu là sử dụng thuốc mặc dù việc sử dụng thuốc có nhiều tác dụng phụ, phải sử dụng kéo dài, và điều quan trọng là không thể điều trị dứt điểm, bệnh thường tái phát và luôn đe dọa tính mạng người bệnh.

Từ đầu năm 2019, với sự chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện Thống Nhất, bệnh viện Nhi đồng 1 đã triển khai kỹ thuật “Thăm dò và can thiệp điện sinh lý tim”. Đây là kỹ thuật can thiệp tim mạch chuyên sâu, đòi hỏi phải được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa tim mạch có nhiều kinh nghiệm về can thiệp tim mạch, một ống thông nhỏ được đưa vào buồng tim thông qua các mạch máu ngoại biên nhằm phát hiện các ổ phát nhịp hay các đường dẫn nhịp bất thường, qua đó dùng sóng năng lượng cao tần để cắt đốt và điều trị triệt để các ổ loạn nhịp và các đường dẫn truyền bất thường. 

Kỹ thuật chẩn đoán và can thiệp điện sinh lý tim ở trẻ em thật sự mang lại một hướng điều trị mới đầy hứa hẹn cho nhiều bệnh nhi mắc các bệnh lý rối loạn nhịp tim nặng, phức tạp, không chỉ giúp cứu sống người bệnh mà còn giúp trẻ đạt được chất lượng cuộc sống tốt như bao trẻ bình thường khác.

5. Bệnh viện quận Thủ Đức ứng dụng kỹ thuật can thiệp tim mạch chuyên sâu cứu sống người dân cư trú trên địa bàn bị ngưng tim do nhồi máu cơ tim cấp

  10 trường hợp nguy kịch được cứu sống đặc biệt nhất trong năm 2019 - Ảnh 5.

Động mạch vành phải bị tắc hoàn toàn (T) và thông lại sau nong bóng (P) sau khi được các bác sĩ chuyên khoa can thiệp tim mạch của BV quận Thủ Đức thực hiện

Vào lúc 20 giờ 35 phút ngày 10/7/2019, khoa Cấp cứu của Bệnh viện quận Thủ Đức tiếp nhận bệnh nhân N.V.Đ, 69 tuổi cư trú tại quận Thủ Đức nhập viện trong tình trạng huyết áp tụt, mạch chậm với chẩn đoán: nhồi máu cơ tim thành dưới thất phải giờ thứ nhất, diễn tiến nặng do nhịp tim chậm. 

Ngay sau nhập viện, bệnh nhân bị ngưng tim, các bác sĩ và điều dưỡng khoa Cấp cứu, khoa Hồi sức Tim mạch hồi sinh tim phổi trong 2 phút, đặt nội khí quản bóp bóng giúp thở, tim đập lại rời rạc, các bác sĩ hội chẩn nhanh và quyết định sử dụng thiết bị tạo nhịp qua da để đảm bảo được tần số tim, giữ được tính mạng bệnh nhân tạm thời đến khi tái thông được dòng chảy nhánh động mạch vành - là nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim. Ngay khi bệnh nhân được đưa vào khoa gây mê hồi sức và thực hiện chụp động mạch vành. Kết quả đúng như chẩn đoán trước phẫu thuật, bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch vành phải do huyết khối, các bác sĩ luồn dây dẫn qua tổn thương tắc do huyết khối để khai thông dòng chảy nhỏ như một sợi chỉ.

Sau 60 phút xử lý khẩn trương và tích cực, ê-kip đã can thiệp thành công, khai thông dòng chảy nhánh động mạch vành. Sau 06 ngày điều trị, bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện trong tình trạng sức khỏe tốt.

6. Quy trình báo động đỏ phát huy hiệu quả cứu sống người bệnh bị đa chấn thương nặng do tai nạn giao thông, sơ cứu tại bệnh viện quận 2 đồng thời kích hoạt báo động đỏ liên viện đến bệnh viện Nhân dân Gia Định để chuẩn bị sẵn sàng các can thiệp chuyên sâu khi người bệnh được chuyển đến

  10 trường hợp nguy kịch được cứu sống đặc biệt nhất trong năm 2019 - Ảnh 6.

Bệnh nhân được cứu sống và phục hồi tốt sau khi các can thiệp điều trị phẫu thuật của nhiều bác sĩ chuyên khoa tại BV NDGĐ

Vào một ngày của tháng 5 năm 2019, một thanh niên sinh năm 1992, quê ở Nghệ An đang lưu thông trên đường thì bị xe container đụng phải, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện quận 2. Sau khi đánh giá ban đầu, xác nhận tình trạng bệnh nhân rất nặng với thương tổn phức tạp, Bệnh viện quận 2 đã kích hoạt quy trình báo động đỏ liên viện theo tình huống 3 đến BV Nhân dân Gia Định, bệnh nhân được sơ cứu và nhanh chóng chuyển đến BV NDGĐ. 

Tại thời điểm đó, BV NDGĐ cũng đã khởi phát quy trình báo động đỏ nội viện để sẵn sàng tiếp nhận nguời bệnh do bệnh viện quận 2 chuyển đến, bác sĩ của các chuyên khoa liên quan Hồi sức cấp cứu, Chấn thương chỉnh hình, Phẫu thuật mạch máu, Ngoại thần kinh, Chẩn đoán hình ảnh, Ngân hàng máu… có mặt tại phòng mổ sẵn sàng tiếp đón và phối hợp xử trí khẩn cấp.

Người bệnh được chuyển đến trong tình trạng hôn mê, sốc mất máu, dập đứt bó mạch dưới đòn, dập đứt toàn bộ đám rối thần kinh cánh tay trái từ gốc, đa chấn thương đứt gần như hoàn toàn khung đai vai chỉ còn vạt da và cơ phía sau vai, vết thương gãy hở dập nát đầu ngoài xương bã vai trái, gãy 1/3 giữa xương đòn trái, vết thương lộ màng phổi, nứt sàn sọ, dập não trán 2 bên, máu tụ dưới màng cứng trán phải. Các ê- kíp vừa hồi sức vừa chẩn đoán, vừa phẫu thuật, với sự phối hợp nhịp nhàng của chuyên khoa phẫu thuật mạch máu và chấn thương chỉnh hình vừa giải quyết cầm máu vừa đánh giá tình trạng thương tổn trong lúc mổ để có quyết định chính xác. Bệnh nhân đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch và dần được ổn định. Sau 130 phút phẫu thuật các bác sĩ đã khống chế được tình trạng chảy máu và đưa bệnh nhân ra khỏi tình trạng nguy hiểm, dần dần phục hồi và xuất viện sau 14 ngày điều trị.

Tiếp nhận ban đầu từ bệnh viện tuyến trước với nhận định tình trạng người bệnh nặng, thương tổn phức tạp, nguy cơ tử vong cao và đã kích hoạt báo động đỏ liên viện đến bệnh viện tuyến trên để chuẩn bị nhân lực, vật lực sẵn sàng tiếp nhận xử lý nhanh chóng, nhịp nhàng, chính xác và đạt được hiệu quả cứu sống người bệnh đã được bệnh viện quận 2 và bệnh viện NDGĐ thực hiện tốt, là yếu tố quan trọng góp phần cứu sống bệnh nhân bị đa chấn thương nặng.

7. Nỗ lực hết mình, phối hợp nhịp nhàng giữa các ê-kíp chuyên khoa của bệnh viện Nhi Đồng Thành phố giành lấy sự sống cho cháu bé bị đa chấn thương do xe container cán ngang người

  10 trường hợp nguy kịch được cứu sống đặc biệt nhất trong năm 2019 - Ảnh 7.

Nỗ lực hết mình và phối hợp nhịp nhàng giữa các ê-kíp của BV Nhi Đồng Thành phố giành lấy sự sống cho cháu bé bị xe container cán ngang người

Lúc 12 giờ 35 phút, ngày 20/09/2019, khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận bé gái Q.T.B.N 11 tuổi, cư ngụ tại huyện Đức Hòa, Long An nhập viện trong tình trạng xanh xao, tím tái, sốc nặng, với mạch nhẹ khó bắt, chi lạnh tím, rối loạn tri giác lơ mơ, hôn mê. Trước đó 2 giờ, trẻ đi xe đạp điện lách ra phía ngoài đường để tránh một chiếc xe tải đậu phía trước thì bị xe container từ phía sau chạy tới đụng trẻ té xuống đường, bánh xe cán lên người trẻ, tai nạn làm trẻ bất tỉnh, vết thương vỡ toác vùng chậu chảy máu liên tục, trẻ được sơ cứu tại bệnh viện địa phương và chuyển ngay đến bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Ngay lập tức, quy trình báo động đỏ được kích hoạt trong toàn bệnh viện. Bác sĩ khoa Cấp cứu đặt nội khí quản giúp thở, thiết lập hai đường truyền tĩnh mạch lớn, truyền dịch truyền máu chống sốc, điều chỉnh rối loạn điện giải, toan kiềm, cầm máu vết thương vùng chậu, bẹn phải cho bệnh nhi. Sau 15 phút, bệnh nhi vừa tiếp tục được hồi sức vừa được chuyển đến phòng mổ. Ca phẫu thuật cấp cứu được triển khai nhanh chóng, ê-kíp phẫu thuật được huy động gồm các bác sĩ chuyên khoa: Hồi sức tích cực, Gây mê hồi sức, Ngoại niệu, Chấn thương chỉnh hình, Lồng ngực - Mạch máu... 

Ca mổ căng thẳng và kéo dài hơn 6 giờ để giành lại sự sống cho bệnh nhi, các tổn thương được xử trí thành công, bao gồm: vỡ bàng quang, đứt niệu đạo - khâu bàng quang 2 lớp, kiểm tra tổn thương kết hợp; vỡ toác phần xương mu 2 bên - khâu chỉ thép khép xương mu; đứt đoạn động tĩnh mạch chậu ngoài bên phải, đoạn dập nát hơn 4cm - bóc tách, cắt lọc, khâu nối, kiểm tra mạch đập cẩn thận. Cháu bé được truyền 10 túi hồng cầu lắng (gần 1500ml máu), 5 bịch huyết tương. Phẫu thuật kết thúc thành công trong sự nỗ lực hết mình và phối hợp nhịp nhàng giữa các ê-kíp của BV Nhi Đồng Thành phố.

8. Phát hiện và can thịp kịp thời sa dây rốn ngăn chặn kịp thời biến chứng sinh ngạt cho trẻ sơ sinh tại bệnh viện huyện Củ Chi – một bệnh viện vốn trước đây rất khó khăn về nhân lực bác sĩ và không có bác sĩ chuyên khoa Sản

  10 trường hợp nguy kịch được cứu sống đặc biệt nhất trong năm 2019 - Ảnh 8.

Các bác sĩ Sản khoa của BV huyện Củ Chi đảm trách chuyên môn, cấp cứu Sản khoa (P) – các bác sĩ chuyên khoa Sản của Từ Dũ không còn phải luân phiên xuống BV huyện Củ Chi (T)

Sản phụ L.T.K.M, 28 tuổi, cư ngụ tại tỉnh Đồng Tháp nhưng tạm trú tại huyện Củ Chi, nhập viện ngày 27/10/2019 với chẩn đoán: con so, thai 37 tuần, ngôi đầu, báo chuyển dạ. Sau khi được thăm khám đầy đủ tình trạng của mẹ và bé, kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng, sản phụ được chỉ định theo dõi sinh ngả âm đạo. Trong quá trình theo dõi sinh, sản phụ được thăm khám và theo dõi tim thai mỗi 4 giờ ở giai đoạn chuyển dạ tiềm thời, và mỗi 2 giờ ở giai đoạn chuyển dạ hoạt động, kết quả diễn tiến chuyển dạ của mẹ thuận lợi và tim thai em bé luôn duy trì trong giới hạn bình thường. Lúc 07 giờ ngày 28/10/2019, sản phụ được theo dõi tiếp chuyển dạ tại phòng sinh, duy trì mornitor theo dõi tim thai, cơn gò liên tục. Các chỉ số thăm khám của mẹ và bé đều diễn tiến thuận lợi. Lúc 08giờ 15 phút, sản phụ đột ngột vỡ nước ối tự nhiên, lượng vừa, màu trắng đục.

Sản phụ được thăm khám ngay lập tức, không ghi nhận phần dây rốn trong âm đạo. Khoảng 2 phút sau khi ối vỡ, đột ngột tim thai giảm sâu, ban đầu có nhịp hồi phục nhanh nhưng 2 phút sau đó nhịp tim thai giảm rất sâu và phục hồi rất chậm. Nhận định ngay đây là một trường hợp suy thai cấp diễn tiến nhanh, nghĩ nhiều đến sa dây rốn bên – một tình trạng không phát hiện được qua khám âm đạo và không dự phòng được – bác sĩ ngay lập tức tiến hành hành động để cứu thai nhi không bị ngạt. Kích hoạt báo động đỏ nội viện, huy động lực lượng khoa Nhi, khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức, sản phụ được khẩn cấp chuyển lên phòng mổ, gây mê nhanh chóng, bác sĩ Nhi và bàn cấp cứu hồi sức sơ sinh đã sẵn sàng.

Em bé được bắt ra nhanh chóng trong vòng 30 giây, với dây rốn nằm ép chặt giữa đầu em bé và thành trên tử cung, bé được cắt dây rốn và chuyển nhanh sang bàn hồi sức. Tại đây, bé được thăm khám đầy đủ ghi nhận Apgar 1’ = 8đ, 5’ = 9đ, khóc to hồng hào, cân nặng 3100 gram, chưa ghi nhận dị tật bất thường hay các dấu hiệu thiếu oxy não. Trong lúc bé được chăm sóc sau sinh, ủ ấm, các bác sĩ tiến hành tiếp tục ca phẫu thuật cho mẹ. Cuộc mổ sau đó tiền hành thuận lợi. Sau mổ tình trạng mẹ và bé được theo dõi liên tục, đảm bảo không có các dấu hiệu bất thường. Với tình trạng ổn định, hồi phục tốt, mẹ và bé được  xuất viện vào ngày 07/11/2019.

Bé sơ sinh được cấp cứu kịp thời không bị ngạt do sa dây rốn, hình ảnh này khá phổ biến ở các bệnh viện chuyên khoa Sản nhưng đã tạo dấu ấn thực sự khi diễn ra tại BV huyện Củ Chi. Nhiều năm trước đây, bệnh viện không có bác sĩ Sản khoa, Bệnh viện Từ Dũ được Sở Y tế phân công hỗ trợ chuyên môn và nhân lực cho bệnh viện huyện Củ Chi. Từ năm 2018 đến nay, bệnh viện huyện Củ Chi đã tuyển và gửi đào tạo tại BV Từ Dũ 7 bác sĩ, hiện các bác sĩ của bệnh viện đã đảm trách hoạt động chuyên môn về Sản khoa, tiếp tục được các bác sĩ Từ Dũ tư vấn từ xa khi có yêu cầu.

9. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cấp cứu từ xa qua Viber và kịp thời can thiệp mạch vành cứu sống người bệnh ở huyện Cần Giờ bị nhồi máu cơ tim cấp

  10 trường hợp nguy kịch được cứu sống đặc biệt nhất trong năm 2019 - Ảnh 9.

Bệnh nhân L.T.H cấp cứu tại BV huyện Cần Giờ do nhồi máu cơ tim hồi phục nhanh chóng sau đặt stent tại BV Nguyễn Tri Phương

Đầu giờ chiều một ngày cuối tháng 3/2019, khoa Cấp cứu của Bệnh viện huyện Cần Giờ tiếp nhận bệnh nhân nữ L.T.H 58 tuổi bị đau ngực, khó thở và ngất, HA tụt (80/60mmHg), nhịp tim chậm 40 lần/phút. Điện tâm đồ cho thấy hình ảnh nhồi máu cơ tim cấp thành dưới. Ngay vừa tiếp nhận cấp cứu, các bác sĩ của BV Cần Giờ đã liên hệ với BV Nguyễn Tri Phương. Các bác sĩ của BV huyện Cần Giờ và BV Nguyễn Tri Phương đã hội ý nhanh thống nhất chẩn đoán qua điện thoại với các hình ảnh ECG được gửi qua ứng dụng Viber, và hướng điều trị cấp cứu bao gồm: chỉ định thuốc kháng đông, kháng kết tập tiểu cầu, vận mạch và truyền dịch để nâng huyết áp và chuyển bệnh nhân về BV Nguyễn Tri Phương để được thông tim can thiệp. Bệnh nhân được chuyển khẩn đến BV Nguyễn Tri Phương bằng xe cứu thương với sự chuẩn bị đầy đủ các phương tiện thuốc men và máy sốc điện trên xe, trên đường chuyển bệnh nhân tiếp tục dùng thuốc vận mạch và theo dõi nhịp tim trên monitor, các bác sĩ liên tục trao đổi từ xa qua điện thoại.

Lúc 15g30 cùng ngày, xe cứu thương đến BV Nguyễn Tri Phương, bệnh nhân vẫn trong tình trạng HA thấp, nhịp tim chậm. Ngay lập tức, bệnh nhân được đưa đến khoa Tim mạch Can thiệp của BV Nguyễn Tri Phương, kết quả chụp động mạch vành cho thấy tắc đoạn gần động mạch vành phải và hẹp nặng 2 nhánh còn lại. Các bác sĩ chuyên khoa đã tiến hành can thiệp đặt 1 stent trên động mạch vành phải cho bệnh nhân. Ngay sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo, hết đau ngực, mạch huyết áp trở về bình thường và ngưng được thuốc vận mạch, và được xuất viện vài ngày sau đó.

BV huyện Cần Giờ mới đã chính thức hoạt động vào ngày 26/02/2019, do bệnh viện không tuyển dụng được bác sĩ mới, chỉ có 17 bác sĩ  nên không thể vận hành đủ hết các chuyên khoa khoa khi tiếp nhận cơ sở mới. Trước tình hình đó, Sở Y tế TP.HCM đã phân công BV Nguyễn Tri Phương đã hỗ trợ toàn diện cho bệnh viện huyện Cần Giờ từ công tác hậu cần, quản trị bệnh viện đến chuyên môn về cấp cứu – hồi sức, ngoại khoa, nội khoa. Kế hoạch này không ngoài mục đích đảm bảo phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng và trang thiết bị mới, hướng đến mục tiêu chăm sóc sức khoẻ người dân huyện Cần Giờ ngày càng tốt hơn, không để người dân Cần Giờ phải đi xa đến các bệnh viện thành phố để khám, chữa bệnh, đặc biệt các trường hợp cấp cứu trong khung giờ vàng, như trường hợp nhồi máu cơ tim nói trên.

10. Bệnh viện Hùng Vương hỗ trợ chuyên môn kịp thời cứu sống sản phụ đột ngột hôn mê sâu sau mổ bắt con tại một bệnh viện huyện Bình Chánh

  10 trường hợp nguy kịch được cứu sống đặc biệt nhất trong năm 2019 - Ảnh 10.

BV Hùng Vương triển khai hiệu quả hoạt động hỗ trợ cấp cứu khi tiếp nhận tín hiệu báo động đỏ từ các bệnh viện tuyến huyện của thành phố

19g00, ngày 13/09/2019, mổ bắt con được bắt đầu cho thai phụ T.T.T.T, 35 tuổi tại Bệnh viện huyện Bình Chánh do ối vỡ và chuyển dạ ngừng tiến triển, cuộc mổ diễn ra bình thường trong vòng 30 phút. 19g30, sản phụ đột ngột hôn mê sâu, ngưng thở, BV Bình Chánh tiến hành sơ cấp cứu và kích hoạt báo động đỏ đến BV Hùng Vương. 19g35, xe cứu thương cùng ê-kíp bác sĩ cấp cứu của Bệnh viện Hùng Vương xuất phát. 19g56: các bác sĩ và hộ sinh của BV Hùng Vương có mặt tại phòng mổ của BV Bình Chánh cùng với các bác sĩ của BV Bình Chánh hồi sức tích cực cho sản phụ. 21g: sản phụ tỉnh trở lại, tự thở được. 21g20: rút nội khí quản. 0g17: sản phụ tỉnh táo, tiếp xúc tốt, mạch và huyết áp ổn định, ê-kíp cấp cứu của BV Hùng Vương bàn giao sản phụ lại cho các bác sĩ của BV Bình Chánh.

Đó là khoảng thời gian 5 giờ “vàng” với những hành động chính xác kịp thời cứu sống một sản phụ đột ngột nguy kịch sau mổ bắt con, bao gồm: (1) Phát hiện sớm dấu hiệu trở nặng đột ngột của sản phụ và kích hoạt báo động đỏ kịp thời của các bác sĩ BV Bình Chánh đến các bác sĩ BV Hùng Vương, (2) Tiếp ứng kịp thời của các bác sĩ BV Hùng Vương ngay sau khi nhận được tín hiệu báo động đỏ từ BV Bình Chánh, trao đổi và tư vấn từ xa khi đang trên đường đến BV Bình Chánh, (3) Hỗ trợ chuyên môn kịp thời của các bác sĩ BV Hùng Vương khi tiếp cận được sản phụ, chẩn đoán chính xác nguyên nhân đột ngột hôn mê của sản phụ là ngộ độc thuốc tê và can thiệp đúng phác đồ ngộ độc thuốc tê (truyền Lipid và thuốc hạ huyết áp).

Có thể nói BV Hùng Vương là một trong những bệnh viện tuyến cuối của thành phố đã triển khai mẫu mực và rất hiệu quả hoạt động hỗ trợ chuyên môn cấp cứu khi tiếp nhận tín hiệu báo động đỏ từ các bệnh viện tuyến huyện của thành phố, góp phần cứu sống nhiều sản phụ nguy kịch trong thời gian qua.