Quay lại Dân trí
Dân Sinh

174 trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng ở 5 tỉnh khó khăn

Dự án "Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" được thực hiện tại 5 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị và Kon Tum giai đoạn 2018-2022 với tổng kinh phí trong 4 năm qua khoảng 66 tỷ đồng. Đến nay, mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” đã mang lại những kết quả tích cực: Năng lực thực hiện chuẩn mực ứng xử văn hóa, ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực học đường của các thành viên trong trường học được nâng lên; nhận thức về giới giữa học sinh nam và nữ được cải thiện; nhiều phòng tham vấn tâm lý học đường ra đời, phát huy hiệu quả...

Học sinh vùng cao Quảng Trị biểu diễn tiểu phẩm về những kết quả mà mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” mang lại.

Học sinh vùng cao Quảng Trị biểu diễn tiểu phẩm về những kết quả mà mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” mang lại.

Ngày 15/6, tại Quảng Trị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức tổng kết dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”. Chương trình triển khai tại 5 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị và Kon Tum trong giai đoạn 2018-2022.

Dự án thuộc khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và tổ chức Plan International Việt Nam trong triển khai mô hình Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng đến 5 tỉnh miền núi từ năm 2018-2022.

Đối tượng của dự án là học sinh tại các trường dân tộc nội trú và vùng sâu, vùng xa. Sự hợp tác nhằm hiện thực hóa việc triển khai Nghị định 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường và Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường phổ thông, chiến lược chương trình bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới của Plan International.

Sau 4 năm triển khai tại 5 tỉnh miền núi đã cho thấy, dự án thành công và hiệu quả rõ rệt trong giải quyết vấn đề bạo lực học đường. Học sinh ở các trường triển khai dự án đã cảm thấy an toàn hơn với môi trường chung quanh trường học và trên đường đi học. Tỷ lệ học sinh bị bạo lực thể chất và tinh thần đã giảm đáng kể so khi bắt đầu triển khai dự án. Nhận thức về giới của giáo viên chủ nhiệm tăng lên gần 25% (từ 55% năm 2018). Giáo viên cũng báo cáo họ đã giảm các biện pháp trừng phạt thân thể và tinh thần, tăng cường các hình thức kỷ luật tích cực; đồng thời khoảng cách giữa học sinh và giáo viên cũng được thu hẹp. Gần 100% học sinh đánh giá cao tính phù hợp và cần thiết của các bài giảng của dự án do giáo viên chủ nhiệm tiến hành. Hơn 75% học sinh đã giúp đỡ bạn bè khi bị bạo lực; hơn 75% đã có những thay đổi tích cực trong thái độ và cách cư xử với bạn bè; tăng 30% số học sinh chia sẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ của cha mẹ và tăng 20% học sinh đã chia sẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ của thầy cô.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết “Trường học an toàn thân thiện và bình đẳng” giai đoạn 2018-2022.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết “Trường học an toàn thân thiện và bình đẳng” giai đoạn 2018-2022.

Thành công quan trọng của dự án là đã đạt được các mục tiêu đã đề ra: Thứ nhất, nâng cao năng lực của các trường trong thúc đẩy chuẩn mực ứng xử bình đẳng giới, ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở trong và chung quanh trường học. Thứ hai, học sinh nam và nữ của các trường tích cực tham gia vào ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực giới trong trường học. Thứ ba, từ bằng chứng hiệu quả của mô hình, Sở Giáo dục và Đào tạo 5 tỉnh: Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị và Kon Tum đã nhân rộng mô hình Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng từ 47 trường năm thứ nhất (2018) lên 174 trường vào năm thứ tư (2022) thực hiện tại 5 địa phương. Các địa phương cam kết tiếp tục thực hiện mô hình ở các trường học thực hiện dự án và nhân rộng mô hình ra toàn hệ thống trường học tại toàn tỉnh trong thời gian tới.

Bà Lê Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay: “Tìm hiểu và triển khai các mô hình là một trong các nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, không có bạo lực học đường. Mô hình Trường học an toàn thân thiện và bình đẳng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Plan và 5 địa phương xem xét, cho phép triển khai thử nghiệm trong giai đoạn 2018-2022. Kết quả thử nghiệm là căn cứ để xem xét cho việc tiếp tục duy trì và nhân rộng trong thời gian tới. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét một cách tổng thể, cho phép nghiên cứu, xây dựng Hướng dẫn triển khai mô hình này trong thời gian tới”.

“Các trường thực hiện dự án đã cho thấy những kết quả tích cực với phương pháp tiếp cận phù hợp thu hút được sự tham gia của cả hệ thống trường học, không chỉ các học sinh với tư cách là các tác nhân thay đổi mà còn có các giáo viên, các bậc cha mẹ, ban giám hiệu... Tất cả đã cùng nhau tham gia giải quyết vấn đề này.

Dự án đã rất thành công khi tạo ra được môi trường thuận lợi để trẻ em gái, trẻ em trai và giáo viên cảm thấy an toàn hơn trong ngôi trường của mình. Các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có được những bằng chứng từ dự án này để có thể tạo ra một số thay đổi trong chính sách. Chúng tôi tin rằng, những kết quả của dự án sẽ được nhân rộng ra khắp Việt Nam và rộng hơn là các nước trong khu vực và trên thế giới”, bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý tác động chương trình và đối tác, Plan International Việt Nam chia sẻ.

Trường học An toàn, Thân thiện và Bình đẳng là mô hình dự án giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới trong trường học đã được Plan International Việt Nam thử nghiệm thành công tại Hà Nội từ năm 2013-2016 trên 20 trường và hiện đang được Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội duy trì và nhân rộng.

Mô hình Trường học An toàn, Thân thiện và Bình đẳng tập trung can thiệp nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các em trong phòng tránh và xử lý khi đối diện với bạo lực giới, bên cạnh đó dự án còn nâng cao năng lực cho Ban giám hiệu và cán bộ giáo viên trong trường để tạo một môi trường thuận lợi cho việc hình thành và duy trì thái độ bình đẳng giới trong học sinh. Dự án kêu gọi, thu hút sự tham gia, ủng hộ của phụ huynh với các hoạt động nâng cao nhận thức dành riêng cho phụ huynh; hướng tới xây dựng cộng đồng xã hội có thái độ không khoan dung với bạo lực giới trong trường học, từ đó vận động cho xây dựng và triển khai các chính sách nhân rộng mô hình trong hệ thống giáo dục trên địa bàn tỉnh và cả nước.