Quay lại Dân trí
Dân Sinh

1,9 triệu USD khởi động dự án mới về dữ liệu dân số

Với tổng kinh phí 1,9 triệu USD, thực hiện trong 5 năm, từ năm 2022 đến 2026, dự án được triển khai nhằm hỗ trợ Việt Nam áp dụng công nghệ và các nền tảng mới trong việc thu thập dữ liệu và đảm bảo các chính sách, chiến lược và chương trình dựa trên bằng chứng nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

Toàn cảnh buổi lễ khởi động dự án.

Toàn cảnh buổi lễ khởi động dự án.

Sáng 5/5, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức khởi động dự án mới nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng và sử dụng dữ liệu về dân số và phát triển có chất lượng phục vụ xây dựng, giám sát các chính sách, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, theo dõi tiến độ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Với tổng kinh phí 1,9 triệu USD, thực hiện trong 5 năm (2022 - 2026), dự án mới mang mã số VNM10P04 được triển khai. Điều này nhằm hỗ trợ Việt Nam áp dụng công nghệ và các nền tảng truyền thông mới trong việc thu thập, phân tích, phổ biến dữ liệu. Đồng thời, đảm bảo các chính sách, chiến lược, chương trình dựa trên bằng chứng nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

Việt Nam đang chuyển mình nhanh chóng để tăng trưởng và phát triển. Cả nước đang nỗ lực thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Tương tự các quốc gia khác trên thế giới, đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động nghiêm trọng đối với Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các biến động về dân số liên quan đến các sự kiện sinh, chết và di cư. Trong bối cảnh này, số liệu thống kê chất lượng và đáng tin cậy là yếu tố căn bản để xây dựng, thực hiện triển khai, giám sát và đánh giá tiến trình đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội và các mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong gần 45 năm hợp tác giữa Việt Nam và UNFPA, năng lực của Tổng cục Thống kê trong việc xây dựng và quản lý dữ liệu và số liệu thống kê đã được cải thiện đáng kể. Dự án chu kỳ 10 hợp tác giữa Tổng cục Thống kê và UNFPA phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

“Chúng tôi cam kết sẽ tận dụng tốt các nguồn lực của dự án để không ngừng phát triển nhằm cung cấp các dữ liệu kịp thời, có chất lượng cao, phục vụ công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy sự tăng trưởng quốc gia”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, UNFPA bắt đầu triển khai Chương trình Quốc gia mới lần thứ 10 và Tổng cục Thống kê là một trong những đối tác quan trọng của UNFPA tại Việt Nam.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam trao tặng đại diện Tổng cục Thống kê và Bộ Y tế báo cáo tình trạng dân số thế giới năm 2022.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam trao tặng đại diện Tổng cục Thống kê và Bộ Y tế báo cáo tình trạng dân số thế giới năm 2022.

Dự án mới sẽ tập trung vào nâng cao năng lực thu thập, phân tích và phổ biến dữ liệu về dân số, sức khỏe sinh sản, tình dục nhằm đạt được đầy đủ các tiềm năng “lợi tức nhân khẩu học”. Cùng đó, trang bị cho các nhà hoạch định chính sách kiến thức và kỹ năng về sử dụng nguồn dữ liệu mới.

Ngoài ra, dự án tập trung vào nâng cao năng lực sử dụng dữ liệu cho vận động và xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng. Đồng thời, cung cấp bằng chứng về hiệu quả đầu tư cho sức khỏe sinh sản, tình dục; đặc biệt, củng cố hệ thống quản lý tài chính công ở cấp địa phương để đảm bảo phân bổ và chi đủ ngân sách cho sức khỏe sinh sản và tình dục.

Các dự án mới của UNFPA trong khuôn khổ Chương trình Quốc gia lần thứ 10 sẽ hướng đến mục tiêu đạt được các kết quả mang tính chuyển đổi trong Kế hoạch Chiến lược chung của UNFPA, hướng tới việc Việt Nam sẽ không còn trường hợp tử vong mẹ và các hành vi có hại khác với phụ nữ, trẻ em gái.

Chương trình trong 5 năm tới sẽ phù hợp với Khung Hợp tác Phát triển bền vững của Liên hợp quốc để Việt Nam thực hiện cam kết mang tính chuyển đổi “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Tại buổi lễ, Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2022 của UNFPA “Nhìn rõ những mảng tối: Các bằng chứng cho thấy cần phải hành động để ứng phó với cuộc khủng hoảng đang bị lãng quên - Mang thai ngoài kế hoạch” cũng đã được công bố.