Quay lại Dân trí
Dân Sinh

2 Tết cổ truyền của người Khmer Nam bộ

Hằng năm, đồng bào Khmer Nam bộ tổ chức nhiều ngày lễ hội như: Đôn ta, Ok Om Ok, nhưng lễ hội lớn nhất chính là Tết năm mới Chôl Chnăm thmây và Tết Nguyên đán (Tết Việt). Đây là hai cái Tết được đồng bào tổ chức với những nghi thức long trọng và linh thiêng, mang màu sắc văn hóa tâm linh của Phật giáo Nam tông.

Trước Tết Chôl Chnăm thmây, Tết Nguyên đán, tất cả các ngôi chùa Khmer đều được trang hoàng lộng lẫy.

Trước Tết Chôl Chnăm thmây, Tết Nguyên đán, tất cả các ngôi chùa Khmer đều được trang hoàng lộng lẫy.

Linh thiêng Tết Choi Chnăm thmây

Tết cổ truyền (Tết năm mới) của cộng đồng người Khmer Nam bộ là Chôl Chnăm Thmây, được tổ chức vào tháng 4 dương lịch hằng năm (là tháng thứ 5 theo Phật lịch), nhưng theo quan niệm dân gian là tháng đầu tiên của một năm mới. Bởi theo nông lịch Khmer, đây chính là giai đọạn nông nhàn nhất trong năm (vì cao điểm của mùa khô đất phương Nam). Điều này có sự khác biệt với người Việt và người Hoa ăn Tết cổ truyền vào thời điểm đã kết thúc vụ mùa, người Khmer lại ăn Tết cổ truyền vào thời điểm chuẩn bị khởi đầu một vụ mùa.

Đối với đồng bào Khmer Nam bộ, Tết năm mới Chôl Chnăm thmây không chỉ là lễ hội lớn để đoàn kết cộng đồng mà còn là dịp để con người cộng cảm với thiên nhiên, thông qua nghi thức cầu mùa mang đậm ý nghĩa tâm linh.

Tuy nhiên, việc nghênh đón giao thừa của người Khmer lại không cố định vào lúc   0 giờ tiếp giáp giữa năm cũ và năm mới như người Việt, người Hoa, mà luôn thay đổi theo từng năm vì phải tùy theo quyển đại lịch đã được các nhà thiên văn soạn sẵn. Bởi vậy giao thừa có năm được ấn định vào lúc 13 giờ của ngay đầu tiên, cũng có năm vào lúc ban đêm, lại có năm vào khoảng 10 giờ sáng của ngày thứ hai của năm mới. Nhưng dù giao thừa ấn định vào giờ nào thì gần đến thời khắc thiêng liêng ấy, tất cả mọi nhà, mọi chùa đều bày lễ vật như hoa, trái cây, nhang, đèn đặt trên bàn ngay trước sân nhà (bàn thiên) để làm lễ tiễn Chư Thiên (Te vô đa) cũ trở về trời, đón rước Te vô đa mới giáng trần. Theo quan niệm dân gian người Khmer tin rằng Te vô đa là vị Chư thiên ngự ở tầng trời được Pres - anh (Ngọc Hoàng) sai xuống trần chăm lo cho dân chúng và muôn loài trong một năm, hết thời hạn lại về trời để các vị thần khác xuống thay. 

Empty

Ngày đầu tiên của năm mới gọi là Thngay  mala Shang  kra hay Chôl  shang  kra  thmây thường bắt đầu từ 7 giờ sáng hoặc 5 giờ chiều (chọn giờ tốt hành lễ), khi đó tất cả mọi người trong cộng đồng đều mặc những bộ trang phục đẹp (đa số là trang phục truyền thống), mang theo nhang đèn và một số lễ vật đi tới ngôi chùa nơi mình cư trú để làm lễ rước quyển đại lịch Maha shang kran mới. Tại chùa, dưới sự điều hành của một vị sư, mọi người đều xếp hàng rồi đi vòng quanh chánh điện 3 vòng theo chiều kim đồng hồ để làm lễ chào mừng năm mới. Đồng thời nghe vị sư đọc những nội dung được viết trong đại lịch tốt hay xấu, thuận lợi hay khó khăn, lượng mưa nhiều hay ít, có xảy ra bão lũ hay không… Đây là nghi thức dựa theo truyền thuyết Bà la môn Thomabal  Koma và Ka bâl Maha  Prum. 

Ngày thứ hai là ngày không khí rộn ràng, tưng bừng, sôi động nhất ở tất cả các phum, sóc và chùa. Bắt đầu từ sáng sớm, người dân tới các chùa thắp hương lễ Phật, sau đó dâng cơm cho các vị sư và tiến hành nghi thức đắp núi cát. Đây là một trong những nghi thức quan trọng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Tết Chôl Chnăm thmây, được tiến hành ở 8 hướng xung quanh ngôi chính điện của chùa. Bởi theo Phật giáo Nam tông, núi cát tượng trưng cho ngôi tháp ở tầng trời thứ ba, chính là nơi lưu giữ mớ tóc mà đức phật Thích Ca đã cắt bỏ để đi tu.

Ngày thứ ba (ngày cuối cùng của Tết Chôl Chnăm thmây) là ngày tắm tượng Phật, hay còn gọi là mộc dục và tắm cho các vị sư cao niên - nghi thức thể hiện lòng tôn kính đức phật và các vị sư, đồng thời là nghi thức gắn chặt với việc cầu mưa để bắt đầu một vụ mùa mới. Ngay từ sáng sớm mọi người đều mang theo nước ướp vật có hương thơm cùng nhau đến các chùa đến bên bàn thờ Phật để tắm tượng Phật, rồi tắm cho các vị sư lớn tuổi. Sau nghi thức linh thiêng đó họ mời các vị sư đến các ngôi tháp có tro cốt, các ngôi mộ trong vùng làm lễ cầu siêu (Băng Skôl) cho vong linh những người đã khuất. Nghi thức cuối cùng là thực hiện tắm tượng Phật thờ tại gia và ông bà, cha mẹ để tạ lỗi, cầu mong được tha thứ cho những việc làm chưa tốt, những lỗi lầm trong năm cũ. Cũng giống người Việt có phong tục lì xì chúc phúc, chúc thọ các bậc sinh thành, họ đem bánh trái, tiền, quà dâng lên ông bà, cha mẹ. Đêm cuối cùng của 3 ngày Tết, họ tiếp tục bái Tê vô đa (một vị thần trên trời). Nhiều gia đình khá giả mời các vị sư tụng kinh chúc phúc cầu mong một năm mới phát tài, phát lộc, an khang, thịnh vượng. 

Empty

Tưng bừng Tết Nguyên đán

Tết Nguyên đán, tuy không phải là Tết cổ truyền của đồng Khmer Nam bộ, nhưng từ lâu cứ mỗi độ Tết đến xuân về, khi mai vàng thi nhau khoe sắc thì ở tất cả các phum, sóc nhà chùa Khmer đều được trang hoàng rực rỡ đèn hoa đón Tết tưng bừng, rộn ràng với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ vui tươi, ý nghĩa, thắm tình đoàn kết cộng đồng.

Tại các tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống như: Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiêng Giang từ lâu đã tổ chức đón Tết Nguyên đán, với phong tục truyền thống giống như người Kinh. Giống như quan niệm của người Việt, người Khmer tin rằng, việc dọn dẹp nhà cửa tươm tất sạch đẹp để đón Tết sẽ mang đến những điều tốt đẹp trong năm mới.

Tương tự người Việt, người Hoa, Tết Nguyên đán cũng là dịp người Khmer sum vầy bên gia đình và vào đêm giao thừa, gia đình nào cũng làm mâm cỗ cúng tổ tiên. Khi kim đồng hồ điểm đúng 0 giờ, người lớn tuổi trong gia đình thực hiện nghi lễ thắp nhang, nến khấn vái bậc tiền nhân cùng bề trên và vong linh những người đã khuất, cầu xin thần, phật phù hộ độ trì, ban cho phước lành, tài lộc cho gia đình, dòng họ. Sau giao thừa là lúc trẻ em háo hức đón bao lì xì mừng tuổi của người lớn.Đối với cộng đồng người Khmer Nam bộ, ngôi chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo mà còn là nơi lưu giữ nhiều phong tục, văn hóa truyền thống của dân tộc. Cũng như Tết Chôi Chnăm thmây, vào ngày đầu năm mới của Tết Nguyên đán họ đều dành thời gian đi lễ chùa cầu an, cầu may, tài lộc.

Empty

Theo một số nhà nghiên cứu về văn hóa Khmer, điểm khác biệt trong việc đón Tết Nguyên đán của người Khmer so với người Việt, người Hoa ở Tây Nam bộ, đó là ai cũng đến chùa lễ phật vào ngày 30 tháng Chạp. Người Khmer dù làm gì cũng phải đến chùa, bởi đó là văn hóa, tín ngưỡng truyền thống. Một điểm khác biệt nữa đó là những buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng ở các chùa với những bài ca, điệu múa mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Đặc biệt, những năm gần đây do đa số nam, nữ thanh niên Khmer đều đi lao động ở tỉnh xa, nên Tết Nguyên đán là thời điểm họ được nghỉ nhiều ngày trong năm, do đó việc tổ chức đám cưới là thuận tiện nhất. Hơn nữa, việc các gia đình Khmer có thêm nàng dâu hay chàng rể trong năm mới khiến niềm vui được nhân lên gấp bội. Nay, xu hướng tổ chức đám cưới vào dịp Tết Nguyên đán của nhiều cặp uyên ương của người Khmer Nam bộ đã thực sự trở thành nét đẹp văn hóa được lan tỏa trong cộng đồng.

Ẩm thực trong những ngày Tết Nguyên đán cũng như những dịp lễ, hội khác của người Khmer rất phong phú, với nhiều món đặc trưng truyền thống. Ngoài bánh tét, người Khmer Nam bộ còn có rất nhiều loại bánh ngon được làm từ bột nếp, đậu xanh và đường thốt nốt như: Bánh củ gừng, bánh tai yến, bánh hạt mít, bánh num (bánh rế) bánh Nàng Nóc (Niêng Nóc)…Nói chung, không khí Tết Nguyên đán, vui xuân trong các phum, sóc cũng rất tưng bừng, náo nhiệt chẳng kém những nơi có đông người Kinh, người Hoa sinh sống. Đồng bào Khmer luôn xem mình là một phần trong đại gia đình Việt Nam và cùng hướng đến một mùa xuân thanh bình, đổi mới của đất nước.