Quay lại Dân trí
Dân Sinh

21 tỉnh, thành phố không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới

Theo Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.708.887 ca nhiễm COVID-19. Tổng số bệnh nhân đã khỏi bệnh là 9.402.046 ca. Hiện đang điều trị, giám sát 1.263.766 trường hợp, trong đó có 221 trường hợp nặng đang điều trị. Có 21 tỉnh, thành phố không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong hôm qua (22/5).

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết hôm qua, 22/5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.319 ca nhiễm mới đều ghi nhận trong nước (giảm 138 ca so với ngày trước đó) tại 42 tỉnh, thành phố (có 1.093 ca trong cộng đồng).

Số ca mắc cao nhất hôm qua vẫn là Hà Nội với 347 F0; 41 tỉnh, thành phố khác ghi nhận từ 1 ca đến hơn  100 ca là: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Yên Bái, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hải Dương, Thái Nguyên, Thái Bình, Đà Nẵng, Lào Cai, Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Lâm Đồng, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La, Bình Phước, Hà Giang, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Ninh Bình, Bến Tre, Bình Thuận, Bắc Giang, Lai Châu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Hậu Giang.

Như vậy có 21 tỉnh, thành phố không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong hôm qua.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 1.606 ca/ngày

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.708.887 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.209 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.701.130 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.597.831), TP. Hồ Chí Minh (609.176), Nghệ An (484.119), Bắc Giang (387.513), Bình Dương (383.761).

Báo cáo phòng chống dịch của Bộ Y tế cho biết, Philippines ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ BA.4. Theo đó, ngày 21/5, Bộ Y tế Phillipines (DOH) thông báo đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ BA.4 của Omicron tại nước này. Bệnh nhân là một công dân Philippines vừa tới Trung Đông vào đầu tháng.

Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về các biến chủng.

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là 9.402.046 ca. Hiện đang điều trị, giám sát 1.263.766 trường hợp, trong đó có 221 trường hợp nặng đang điều trị, gồm: Thở ô xy qua mặt nạ: 182 (2) Thở ô xy dòng cao HFNC: 19; Thở máy không xâm lấn: 5; Thở máy xâm lấn: 13; Thở ECMO: 2.

Sau hơn nửa năm có vai trò tuyến đầu điều trị người bệnh COVID-19 nặng tại Hà Nội, ngày 22/5, Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội chỉ còn 10 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, trong khi ở thời điểm cao điểm nhất bệnh viện này có đến trên 200 bệnh nhân nặng.

Đại diện bệnh viện cho biết đã có đề xuất để chuyển đổi công năng của bệnh viện, trở thành cơ sở y tế cung cấp dịch vụ theo nhu cầu của người bệnh.

Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh; nâng cao ý thức cá nhân trong việc chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; 

Thực hiện đúng các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế trong quản lý, điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà, không áp dụng theo các hướng dẫn từ các nguồn thông tin không tin cậy, chưa được kiểm chứng...