Quay lại Dân trí
Dân Sinh

3 bên phản đối, Tòa phúc thẩm vụ ly hôn của Chủ tịch Trung Nguyên có hủy bản án cũ?

(Dân sinh) - Diễn biến tiếp theo sau khi có kết quả vụ ly hôn giữa vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ là sự việc ít khi xảy ra, khi cả ba bên gồm nguyên đơn, bị đơn và VKS đều không hài lòng nên đã gửi đơn kháng cáo, kháng nghị.

Sau nhiều ngày xét xử, chiều 27/3/2019, TAND TP.HCM đã tuyên án sơ thẩm vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Nhận định ông Vũ và gia đình đã sáng lập Trung Nguyên nhờ vào tiền bán 2 căn nhà của bố mẹ và vay mượn. Sau khi thành lập và từng bước khẳng định thương hiệu Trung Nguyên thì ông Vũ mới kết hôn với bà Thảo cùng những đóng góp khác, tòa quyết định phân chia tài sản theo tỷ lệ 60% cho ông Vũ và 40% cho bà Thảo.

3 bên phản đối, Tòa phúc thẩm vụ ly hôn của Chủ tịch Trung Nguyên có hủy bản án cũ? - Ảnh 1.

Ông Vũ và bà Thảo nhiều lần nói xấu nhau trong phiên tòa sơ thẩm.

Đặc biệt, HĐXX tuyên giao toàn bộ cổ phần trong các công ty cho ông Vũ quản lý, đổi lại ông Vũ sẽ thanh toán bằng tiền phần chênh lệch cho bà Thảo.

Quyết định này cộng với việc trong quá trình xét xử Thẩm phán Nguyễn Văn Xuân nhiều lần khuyên bà Thảo "lui về thu vén gia đình, dành toàn quyền kinh doanh cho ông Vũ" cũng khiến nhiều người không hài lòng.

Vì vậy, sau đó, bà Thảo đã có đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm, không đồng ý quan điểm của tòa về việc chia tài sản theo tỷ lệ 60/40.


Trong khi đó, phía ông Vũ cũng kháng cáo bản án, yêu cầu tòa chia tài sản theo tỷ lệ 70/30 như đã nêu trong các buổi tranh luận tại phiên sơ thẩm.

Cùng với hai đương sự trong vụ án, VKSND TP.HCM cũng có kháng nghị theo hướng hủy bản án sơ thẩm đã tuyên. Cơ quan này còn nêu ra 11 điểm chỉ ra nhiều mâu thuẫn, thiếu sót trong quá trình giải quyết vụ án để lập luận trong kháng nghị này.

Trong sáng ngày 17/9, TAND cấp cao tại TP.HCM sẽ bắt đầu xem xét yêu cầu của các bên. Phiên tòa do Thẩm phán Nguyễn Hữu Ba làm Chủ tọa, dự kiến kéo dài trong 3 ngày.

Tại phiên tòa này, bà Thảo mời 5 luật sư mới thay cho 3 người tại phiên sơ thẩm. Trong khi đó, phía ông Vũ vẫn giữ nguyên 3 người đã từng bảo vệ quyền lợi pháp lý cho mình.

Ngoài ra, tòa cũng triệu tập 3 ngân hàng gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – là những nơi từng giữ tài sản của hai đương sự.


Tại phiên tòa sơ thẩm, ngoài các tình tiết cùng lời đôi co, tranh cãi của 2 bên còn xảy ra một tình tiết hy hữu khác, là việc HĐXX tính nhầm án phí.

Kết thúc phiên xử, HĐXX thông báo mức án phí các đương sự phải nộp như sau: Bà Thảo chịu 300.000 đồng án phí sơ thẩm, 33 tỷ đồng án phí tài sản, 98 triệu đồng lệ phí kiểm toán, 2,1 tỷ đồng lệ phí định giá tài sản. Còn ông Vũ chịu 48 tỷ đồng án phí tài sản và 2,1 tỷ đồng lệ phí định giá tài sản (các con số được làm tròn).

Tuy nhiên, sau đó Thẩm phán – Chủ tọa Nguyễn Văn Xuân thừa nhận do vụ án phức tạp, nhiều số liệu nên ông đã đọc nhầm phần án phí.

Sau khi đính chính, con số thực tế 2 bên phải nộp là: Bà Thảo phải nộp 3,47 tỷ đồng, sau khi cấn trừ số tiền tạm ứng bà phải nộp thêm 2,34 tỷ đồng. Tương tự, số án phí của ông Vũ là 4,97 tỷ và ông phải nộp 3,66 tỷ sau khi cấn trừ. Như vậy, số án phí 2 người phải nộp chỉ là 8,3 tỷ đồng so với con số hơn 80 tỷ đồng khi đọc bản án.