Quay lại Dân trí
Dân Sinh

3 loại thực phẩm bổ dưỡng hơn sau khi nảy mầm

Không phải lúc nào thực phẩm mọc mầm cũng chứa độc tố gây hại cho sức khỏe con người, điển hình như 3 loại thực phẩm này, khi nảy mầm càng trở nên bổ dưỡng hơn.

Chúng ta đều biết rằng khoai tây sau khi mọc mầm, bên trong nó sẽ sản sinh nhiều chất solanin, nếu ăn nhiều chất này vào cơ thể có thể gây ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như buồn nôn và tiêu chảy. Về lâu dài, thường xuyên ăn khoai tây mọc mầm dù không có biểu hiện ngộ độc tức thì nhưng nó có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Đó là một trong những đại diện nổi bật nhất cho những thực phẩm sẽ biến thành chất độc nếu chúng ta để cho chúng mọc mầm và tiêu thụ sau đó.

Tuy nhiên, không phải tất cả thực phẩm mọc mầm đều trở thành chất có hại cho cơ thể con người. Dưới đây là 3 loại thực phẩm sẽ trở nên bổ dưỡng hơn sau khi mọc mầm.

1. Củ tỏi

Sau khi nảy mầm, tỏi không bị mốc mà từ màu vàng nhạt chuyển thành vàng đậm hơn thì bạn hoàn toàn vẫn có thể ăn được, thậm chí, lúc này giá trị dinh dưỡng trong tỏi còn được nhân lên gấp bội. Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng tỏi nảy mầm rất giàu các nguyên tố chống oxy hóa, có thể làm giảm tác hại của các gốc tự do (nguyên nhân gây ra các loại bệnh ung thư khác nhau) và có hoạt tính chống oxy hóa mạnh hơn tỏi tươi nhiều lần.

Mầm tỏi (ngồng tỏi) cũng có giá trị dinh dưỡng tương tự, đặc biệt hương vị cũng vô cùng thơm ngon. Nếu bạn muốn ăn tỏi mọc mầm và mầm tỏi, hãy cho tỏi đã nảy mầm vào nước và chờ đến khi tỏi phát triển thành mầm tỏi, sau đó bạn có thể dùng để nấu ăn!

Trong trường hợp bạn luôn "trung thành" với tỏi tươi, cách bảo quản để tỏi không bị mọc mầm nhanh chóng là bạn có thể bóc vỏ, cho tỏi vào lọ thủy tinh đậy nắp kín rồi cho vào tủ lạnh.

2. Các loại đậu

Các loại đậu điển hình nhất là đậu xanh, đậu nành và đậu Hà Lan, sau khi chúng mọc mầm không chỉ ăn được mà còn có giá trị cao! Chẳng hạn, đậu nành nảy mầm thường phát triển dài khoảng 0.5cm là đã có thể ăn được.

Một số loại thực phẩm biến thành chất độc khi mọc mầm, nhưng có 3 loại thực phẩm lại trở nên bổ dưỡng hơn sau khi nảy mầm - Ảnh 2.

Sau khi hạt đậu nảy mầm sẽ phân hủy các chất cản trở quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng, tức là ăn hạt đậu nảy mầm có thể nâng cao tỷ lệ hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể. Hơn nữa, đậu nảy mầm có vị giòn và ngon hơn.

Nếu bạn muốn ăn mầm đậu thì nên lưu ý gieo trồng với nguồn nước sạch, đảm bảo để có chất lượng mầm thành phẩm tốt nhất. Tuy nhiên, với ai muốn giữ cho đậu không nảy mầm, hãy nhớ bảo quản đậu ở nơi khô ráo, thoáng mát với nhiệt độ phòng, không cần rửa, cho vào tủ lạnh trực tiếp.

3. Gạo lứt

Gạo lứt vốn dĩ là loại thực phẩm cực tốt cho sức khỏe con người, nó cung cấp hàm lượng chất xơ cao cùng toàn bộ các chất dinh dưỡng cực tốt cho sức khỏe. Gạo lứt nảy mầm thậm chí còn bổ dưỡng hơn bởi sau khi có thêm sức sống từ trồi non, hạt gạo lứt sản sinh ra thêm nhiều vitamin, axit folic và các chất dinh dưỡng khác. Khi đó, gạo lứt trở nên nhanh chín hơn, mềm hơn và ngon hơn.

Một số loại thực phẩm biến thành chất độc khi mọc mầm, nhưng có 3 loại thực phẩm lại trở nên bổ dưỡng hơn sau khi nảy mầm - Ảnh 3.

Để bảo quản gạo lứt không bị nảy mầm, bạn có thể cho nó vào hộp khô ráo, đậy kín gió, chống côn trùng, nắng và ẩm.